Hỏi đáp từ A đến Z về cuộc cách mạng fintech đang diễn ra sôi nổi trên toàn cầu
Những thị trường có hệ thống tài chính còn kém phát triển, chủ yếu tập trung ở châu Á và châu Phi, là cảm hứng cho các sáng tạo về fintech với mức độ hiện đại vượt qua cả những công nghệ đang có ở các nước phát triển.
- 09-08-2019Gần như không thu phí trong khi ngân hàng tính phí cắt cổ, công ty fintech này muốn tạo ra cuộc cách mạng trên thị trường màu mỡ trị giá 124 nghìn tỷ USD
- 08-05-2019Dịch vụ của ngân hàng truyền thống quá cứng nhắc và "một màu", các ứng dụng fintech "thừa thắng xông lên" vì được người Hàn Quốc đặc biệt ưa chuộng
- 22-08-2018Không phải thung lũng Silicon, Trung Quốc là nơi bạn cần đến nếu muốn đánh giá tương lai của fintech
Có lẽ hiếm có sự kết hợp nào hấp dẫn các nhà đầu tư bằng sự kết hợp giữa tài chính và công nghệ. Trong thập kỷ vừa qua, các startup fintech đã đem đến cho mọi người nhiều cách thức giao dịch và quản lý tiền bạc hoàn toàn mới mẻ. Trong bối cảnh các startup phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các ông lớn công nghệ cũng như các ngân hàng có tiềm lực tài chính dồi dào, nhà đầu tư trong lĩnh vực fintech đang chuyển sự chú ý sang những thị trường hoàn toàn mới. Bloomberg liệt kê một số xu hướng mới đang tác động đến ngành fintech hiện nay.
"Đi đào vàng" ở nước ngoài
Những chiếc điện thoại di động đang khiến ngành tài chính biến đổi mạnh mẽ. Mặc dù ở thành thị hầu hết mỗi người đều có 1 chiếc điện thoại di động và 1 tài khoản ngân hàng cùng với ứng dụng mobile banking trên đó, trên khắp thế giới vẫn có hàng triệu người có điện thoại nhưng không có tài khoản ngân hàng.
Những thị trường này, chủ yếu tập trung ở châu Á và châu Phi, là cảm hứng cho các sáng tạo về fintech với mức độ hiện đại vượt qua cả những công nghệ đang có ở các nước phát triển. Nhóm được lợi từ điều này là những công ty đã xây dựng được mô hình kinh doanh có thể kiếm lời ở những thị trường kém phát triển hơn hoặc có thể mở rộng phục vụ các khách hàng thượng lưu. Có thể kể đến Alipay của Alibaba và WeChat Pay của Tencent ở Trung Quốc, Paytm ở Ấn Độ là Paytm, M-Pesa ở Keynia và một vài ví dụ khác.
Kế hoạch phổ biến tiền số của Facebook
Đã qua rồi cái thời mà những sáng tạo của lĩnh vực fintech chủ yếu đến từ các startup còn non trẻ. Các tập đoàn công nghệ lớn cũng đã tích cực tham gia vào cuộc đua khốc liệt này, mà điển hình là kế hoạch ra mắt đồng tiền số Libra vào năm 2020 của Facebook. Độ phổ cập của mạng xã hội lớn nhất thế giới – với hơn 2,4 tỷ người dùng thường xuyên hàng tháng – có thể giúp Facebook thu hút được lượng người sử dụng lớn hơn rất nhiều so với các đồng tiền số khác.
Theo thống kê của World Bank, lượng kiều hối được người di cư trên toàn thế giới gửi về quê nhà trong năm ngoái đạt kỷ lục 689 tỷ USD. Nếu như Libra có thể tiếp cận với chỉ một phần trong số đó, tiềm năng sẽ là rất lớn.
Nhưng đó cũng chính là điều khiến các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ và cả các nền kinh tế lớn khác từ chối kế hoạch của Facebook bởi Libra có thể làm xói mòn khả năng quản lý hệ thống tiền tệ của họ. Hồi tháng 8, Thống đốc NHTW Anh Mark Carney khuyến nghị các NHTW nên tự tạo ra đồng tiền số của mình.
Ai đang tài trợ cho cuộc cách mạng của ngành fintech?
Trong hầu hết các ngành, các startup đều được hưởng lợi từ làn sóng gia tăng vốn đầu tư mạo hiểm. Fintech cũng không phải là ngoại lệ, trong đó khu vực Bắc Mỹ bạo chi nhất. 500 Startups, quỹ đầu tư có trụ sở đặt tại San Francisco, đã đầu tư vào 43 công ty fintech trong 12 tháng kết thúc vào ngày 30/6. Một số quỹ tập trung vào những lĩnh vực đặc biệt, ví dụ như quỹ a16z của Andreessen Horowitz chuyên tập trung vào tiền số.
Các công ty fintech lớn nhất "sống" ở đâu?
Bắc Mỹ cũng là "nhà" của nhiều công ty fintech hot nhất hiện nay. Công ty đứng sau ứng dụng thanh toán Stripe được định giá lên tới 35 tỷ USD. Nền tảng tiền số Coinbase, ứng dụng trading miễn phí Robinhood Financial, ngân hàng số Social Finance và nền tảng chấm điểm tín dụng Credit Karma là những startup có giá trị từ 4 tỷ USD trở lên.
Trong quý II, Ấn Độ - quê nhà của startup thanh toán di động Paytm – đã vượt qua Trung Quốc và số lượng các thương vụ fintech. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là nơi có doanh nghiệp fintech giá trị nhất thế giới. Lu.com, nền tảng quản lý tài sản được hậu thuẫn bởi tập đoàn bảo hiểm Ping An, được định giá 39 tỷ USD.
Ở châu Âu và Mỹ Latinh, 2018 và nửa đầu năm 2019 là quãng thời gian tươi đẹp đối với các ngân hàng số khi họ huy động được lượng vốn lớn. OakNorth, Monzo và Revolut ở Anh, N26 ở Đức và Nubank ở Brazil là các fintech giá trị nhất của các khu vực này.
Phố Wall mạnh tay thâu tóm
Tính đến tháng 8, các ngân hàng Mỹ đã thực hiện 24 vụ đầu tư vào lĩnh vực fintech. Goldman Sachs, Citigroup và JPMorgan Chase là những ngân hàng tích cực đầu tư nhất. Mỗi ngân hàng đều có danh mục đa dạng, từ các ứng dụng thanh toán bằng nhận diện khuôn mặt và phân tích dữ liệu cho đến những công ty fintech cung cấp nhiều tính năng để phục vụ cho công việc back office. Thanh toán và kinh doanh trên thị trường vốn là 2 mảng hút được nhiều vốn nhất.
Các ngân hàng là đối thủ của nhau thường không đầu tư vào những công ty giống nhau, nhưng trong fintech điều này thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Digital Asset Holdings, 1 startup về blockchain, nhận được vốn đầu tư của cả 3 ngân hàng. Trong khi đó Plaid – kết nối dữ liệu về khách hàng của các ngân hàng với các ứng dụng thứ ba – thì được hậu thuẫn bởi Goldman và Citigroup. Năm ngoái Goldman thâu tóm Clarity Money, website về tài chính cá nhân mà trước Citigroup đã đầu tư vào.
Các startup fintech đã thay đổi như thế nào?
Stripe: đang theo đuổi 1 vụ IPO và nằm trong hàng ngũ các công ty thanh toán lọt top các fintech giá trị nhất, các nhà sáng lập của Stripe hiện là những doanh nhân giàu nhất Ireland.
Credit Karma: hiện có hơn 30 triệu người dùng thường xuyên hàng tuần, nhưng câu hỏi mà hãng phải đối mặt là có bao nhiêu người dùng thực sự tín nhiệm dịch vụ của họ.
Nubank: đã huy động được gần 1 tỷ USD kể từ khi thành lập năm 2013, hiện được định giá 10 tỷ USD và đã mở rộng hoạt động sang Mexico.
Robinhood: ứng dụng giao dịch cổ phiếu miễn phí đã bị giới chức Mỹ "tuýt còi" năm ngoái nhưng vẫn đang huy động được thêm vốn và vừa ra mắt phiên bản mới.
Thung lũng Silicon trong làn sóng fintech
Không chỉ Facebook mà hầu hết các ông lớn công nghệ đều đã bắt đầu nhúng tay vào ngành tài chính. Họ thường nhắm đến các doanh nghiệp ít chịu sự quản lý hơn so với ngân hàng và kết hợp với các ngân hàng. Ví dụ, Apple phối hợp với Goldman Sachs phát triển 1 thẻ tín dụng mới và làm việc với rất nhiều ngân hàng trên Apple Pay. Facebook cũng có hàng tá đối tác để phát triển Libra, trong đó có Visa. Amazon cho các người bán hàng trên nền tảng của mình vay hàng triệu USD mỗi tháng và thường thông qua các liên kết với ngân hàng.