Hội Lương thực thực phẩm TPHCM nói gì khi xăng 4 lần giảm nhưng hàng hóa vẫn neo giá?
Thông thường khi xăng vừa tăng giá, ngay hôm sau giá cả nhiều mặt hàng cũng ăn theo theo giá xăng 'lên vù vù' với lý do chi phí vận chuyển cao. Thế nhưng, dù hiện nay xăng đã giảm giá tới 4 lần với hơn 7.000 đồng/lít thì đa số các loại hàng hóa vẫn… không nhúc nhích.
- 29-07-2022Giá xăng, dầu giảm ảnh hưởng thế nào tới nguồn thu ngân sách?
- 29-07-2022Giá xăng dầu giảm gần 9%, CPI tháng 7 vẫn tăng 0,4% so với tháng trước
- 26-07-2022Giá xăng dầu giảm hơn 20%: Doanh nghiệp vận tải cần sòng phẳng
Trao đổi với báo Tiền Phong, ông Trương Tiến Dũng, Phó chủ tịch thường trực Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA) đã có những lý giải liên quan vấn đề này.
*Theo ông, vì sao giá cả nhiều mặt hàng vẫn “không nhúc nhích” giảm dù giá xăng đã trải qua 4 lần giảm rất sâu, hơn 7.000 đồng/lít?
Ông Trương Tiến Dũng, Phó chủ tịch thường trực FFA
- Ông Trương Tiến Dũng: Tôi cho rằng, để đảm bảo giá hàng hóa cung ứng ra thị trường bình ổn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong thời gian qua, doanh nghiệp (DN) FFA đã gánh vác rất nhiều và chịu nhiều áp lực đảm bảo trạng thái hoạt động liên tục dù chấp nhận lỗ.
Thực tế, giá xăng dầu chỉ là một yếu tố đầu vào trong khi sản phẩm tiêu dùng rất đa dạng. Trong khi đó, DN FFA đang phải đối mặt với nhiều sức ép từ giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng cao; tiền nhân công, điện nước, chi phí vận chuyển logistics... vẫn chưa có dấu hiệu giảm giá . Nhiều DN FFA tham gia chương trình bình ổn của TPHCM nên việc điều chỉnh tăng giá là cả vấn đề.
* Qua khảo sát, dù giá xăng giảm nhưng thực phẩm đang có xu hướng tăng trong thời gian tới. Ông có thể nói rõ về điều này?
- Trong lĩnh vực hàng lương thực thực phẩm, có hai nguồn là tự sản xuất trong nước và nhập khẩu. Về nhập khẩu, thời gian qua, một số quốc gia như Malaysia không xuất thịt gà qua Singapore. Một số nước tổ chức nuôi trồng có biến động. Việt Nam cũng có nhập gia súc, gia cầm và các mặt hàng khác trong lương thực thực phẩm. Nhập khẩu thời gian qua ảnh hưởng rất lớn bởi giá nhập vào tăng, chi phí vận chuyển quốc tế (logistics) tăng tối thiểu 5-15 lần tùy vùng vận chuyển.
Tại Việt Nam, sau dịch, việc nuôi trồng dần phục hồi, nông dân quay lại sản xuất nhưng thực tế, phục hồi hoàn toàn là chưa. Do đó vẫn có thời điểm, một số mặt hàng sản xuất lương thực thực phẩm thiếu và chưa kịp thời.
Nhiều mặt hàng giá vẫn cao khiến tiểu thương kinh doanh thêm ế ẩm |
Việt Nam đã gia nhập các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dù đã ký 2 năm nhưng DN xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn vì muốn đưa hàng qua đây phải nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư trang thiết bị máy móc… Nhiều chi phí của DN đã tác động vào giá thành cuối cùng.
Đơn cử như mặt hàng cá basa là mặt hàng Việt Nam xuất khẩu có vị thế trên thị trường thương mại thế giới, cùng kỳ năm 2021, giá cá basa chỉ 20.000 đồng/kg tại ao, nhưng nay đã tăng lên 28.000-30.000 đồng/kg (giá đã tăng tới 50%). Nhưng nghịch lý là dù giá cá bán ra tăng nhưng người chăn nuôi vẫn lỗ do giá thức ăn tăng, nhân công tăng.
*Vậy theo ông, giá cả hàng hóa thời gian tới liệu có điều chỉnh giảm hay không? Nếu có thì thời gian là bao lâu?
- Giá xăng giảm liên tiếp 4 lần vừa qua là tín hiệu đáng mừng, giúp chặn đà tăng của giá hàng hóa . Tuy nhiên để DN hoạt động hiệu quả, có thể kéo giá tiêu dùng xuống thì tôi cho rằng cần có thời gian, độ trễ.
Tôi kỳ vọng từ nay đến cuối năm, hàng hóa trong lĩnh vực tiêu dùng được kiểm soát được, một số mặt hàng vòng đời ngắn như con giống, vật nuôi khi đưa ra thị trường giá cả sẽ trở lại bình ổn. Chúng ta chỉ có thể làm chậm lại và dừng vấn đề tăng giá trong thời gian tới, còn nếu điều chỉnh giảm giá hàng hóa tiêu dùng trong giai đoạn hiện nay thì cần có nhiều giải pháp và chính sách đồng bộ, quyết liệt hơn nữa về cơ chế điều tiết giá trên thị trường.
*Xin cảm ơn ông!
Tiền phong