MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hội nghị Bộ trưởng Chương trình hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mekong mở rộng bàn về “Kế hoạch hành động Hà Nội”

20-09-2017 - 15:13 PM | Tài chính quốc tế

Hội nghị Bộ trưởng Chương trình hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mekong (GMS) tập trung xem xét để đưa ra định hướng xây dựng và hoàn thiện Khung Kế hoạch hành động 5 năm, hay còn gọi là “Kế hoạch hành động Hà Nội”.

Khai mạc sáng 20/9, GMS lần thứ 22 là Hội nghị cấp Bộ trưởng thường niên của 6 nước Tiểu vùng Mekong bao gồm Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc. Hội nghị có sự tham dự của hơn 200 đại biểu quốc tế, gồm Bộ trưởng, Trưởng đoàn của các nước GMS cũng như Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các đối tác phát triển khác.

Bên cạnh các hoạt động kỷ niệm 25 năm thành lập GMS, các đoàn cũng cùng nhau thảo luận về Kế hoạch hành động Hà Nội, một kế hoạch quan trọng góp phần hiện thực hóa Khung chiến lược hợp tác GMS từ nay đến năm 2022. Theo dự kiến, Kế hoạch hành động Hà Nội sẽ được lãnh đạo các nước GMS xem xét và thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 6, được tổ chức vào tháng 3/2018 tại Việt Nam.

Ngoài ra, các nước GMS cũng rà soát Khung chiến lược và kế hoạch hành động về phát triển nguồn nhân lực GMS giai đoạn 2013-2017 bao gồm đề xuất thành lập Nhóm công tác về hợp tác y tế GMS. Hội nghị cũng thảo luận và thông qua Khung đầu tư tiểu vùng giai đoạn 2018-2022, bao gồm danh mục khoảng 222 chương trình, dự án đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật với tổng trị giá khoảng 64 tỷ USD. Chiến lược ngành du lịch GMS giai đoạn 2016-2025 cũng đã được thông qua.


Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng Chương trình hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mê Công mở rộng. Ảnh: Linh Anh

Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng Chương trình hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mê Công mở rộng. Ảnh: Linh Anh

Phát biểu trong phiên khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định GMS là một sáng kiến nổi bật và thành công nhất trong số các sáng kiến về hợp tác và hội nhập khu vực. Ra đời 25 năm trước, Chương trình GMS ngày càng phát triển mạnh mẽ theo chiều rộng và chiều sâu ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của các nước thành viên.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chương trình đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ ở các lĩnh vực hợp tác; tạo ra sự kết nối sâu, rộng giữa các quốc gia thông qua các dự án kết nối hạ tầng giao thông, điện năng, du lịch, phát triển nông nghiệp, bảo vệ môi trường, phát triển nguồn nhân lực…, củng cố rõ nét các kết nối cộng đồng và góp phần tăng cường đáng kể khả năng cạnh tranh của các nước tiểu vùng Mekong mở rộng.

“Thời gian 25 năm qua đã chứng kiến sự cố gắng, nỗ lực của tất cả các nước GMS trong việc mở rộng và phát triển liên kết giữa các nền kinh tế; cùng nhau tận dụng các cơ hội nhằm nâng cao tốc độ tăng trưởng của từng quốc gia, góp phần thúc đẩy thịnh vượng chung và cải thiện sự ổn định trong khu vực; cùng nhau quản lý và chia sẻ những lợi ích mà dòng sông Mê Công đem lại cho mỗi quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Cũng trong phần khai mạc, đại diện các phái đoàn GMS cũng đề cao vai trò của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Đây không chỉ là tổ chức khởi xướng sáng kiến hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng mà còn đóng vai trò người điều phối, cố vấn, chất xúc tác hiệu quả trong quá trình hiện thực sáng kiến. Ngoài ra, ADB còn hỗ trợ tích cực cả về kỹ thuật và tài chính cho các nước GMS.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên