Hồi phục sau Covid-19, GDP Nhật Bản tăng trưởng mạnh nhất hơn 50 năm
Theo báo cáo vừa được công bố sáng nay (16/11), GDP quý III của Nhật Bản tăng trưởng 21,4% so với quý trước, mạnh nhất kể từ năm 1968.
- 23-10-2020Cuộc sống bế tắc của "thế hệ mất mát" ở Nhật Bản: Đã đến tuổi trung niên mà vẫn còn thất nghiệp, độc thân và sống với bố mẹ
- 20-10-2020'Tiếp bước' Warren Buffett, nhà đầu tư nước ngoài rót 13,5 tỷ USD vào TTCK Nhật Bản sau 3 thập kỷ lo ngại về bong bóng
- 13-10-2020Cổ phiếu của 5 công ty Nhật Bản được Warren Buffett rót tiền đồng loạt rớt giá, vị tỷ phú đã mất đi 'ma thuật đầu tư'?
Sau khi lao dốc kỷ lục vì đại dịch Covid-19, nền kinh tế Nhật Bản đã hồi phục mạnh mẽ hơn dự đoán nhờ hoạt động kinh doanh mở cửa trở lại, thương mại bứt tốc và các biện pháp kích thích của chính phủ giúp chi tiêu tiêu dùng nhảy vọt.
Theo báo cáo vừa được công bố sáng nay (16/11), GDP quý III của Nhật Bản tăng trưởng 21,4% so với quý trước, mạnh nhất kể từ năm 1968. Trước đó các chuyên gia kinh tế chỉ dự báo mức tăng trưởng 18,9%.
Đà tăng trưởng mạnh nhất trong hơn một nửa thế kỷ cho thấy kinh tế Nhật Bản đang bước vào con đường phục hồi sau 3 quý suy giảm liên tiếp. Trước cả khi làn sóng Covid-19 thứ nhất ập đến, GDP Nhật Bản đã suy giảm vì tăng thuế doanh thu.
Sự hồi phục chủ yếu được dẫn dắt bởi hoạt động thương mại với Mỹ và Trung Quốc được cải thiện, ngành ô tô khởi sắc và chi tiêu của các hộ gia đình tăng lên do chính phủ quyết định mở cửa nền kinh tế trở lại sau 5 tuần áp dụng tình trạng khẩn cấp. Chính phủ Nhật cũng có chính sách kích cầu du lịch nội địa.
Điểm trừ của quý III là đầu tư của khối doanh nghiệp sụt giảm 3,4%, cao hơn con số dự báo 2,9% được đưa ra trước đó.
Nước này vẫn còn 1 chặng đường rất dài phía trước để có thể bù đắp những gì đã mất sau nhiều năm ì ạch vì giảm phát. Ngoài ra số ca nhiễm mới tăng lên ở cả trong và ngoài nước cũng gây áp lực lớn lên GDP quý IV.
Tốc độ hồi phục của kinh tế Nhật Bản giờ đây sẽ phụ thuộc phần lớn vào diễn biến dịch bệnh trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới bước vào mùa đông. Làn sóng lây nhiễm mới đang bao trùm nước Mỹ và châu Âu, có thể ảnh hưởng đến các thị trường xuất khẩu chính. Số ca nhiễm trong nước cũng lập kỷ lục mới, dẫn đến khả năng phải áp đặt lại các biện pháp phong tỏa.