MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hôm nay (15/1), Quốc hội bắt đầu họp để thông qua dự thảo luật quan trọng bậc nhất ngành ngân hàng

15-01-2024 - 10:38 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo dự kiến chương trình, ngày 18/1, Quốc hội sẽ thông qua Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trong đó, sẽ bổ sung nhiều quy định góp phần đảm bảo an toàn hoạt động các tổ chức tín dụng.

Hôm nay (15/1), Quốc hội bắt đầu họp để thông qua dự thảo luật quan trọng bậc nhất ngành ngân hàng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Hôm nay (15/1), tại Nhà Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã dự lễ khai mạc trọng thể Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ xem xét và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Theo chương trình, sáng 15/1, sau khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Sau đó, đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung mới hoặc còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật.

Chiều cùng ngày, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Theo dự kiến chương trình, ngày 18/1, Quốc hội sẽ thông qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Luật các TCTD đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo khung pháp lý ổn định cho hoạt động của hệ thống các TCTD. Bên cạnh đó, Luật các TCTD tạo hành lang pháp lý cần thiết cho hoạt động của các TCTD. 

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu quy định, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các nội dung của dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi).

Theo Ngân hàng Nhà nước, qua hơn 12 năm thực hiện, Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12, Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 (Luật Các TCTD) đã có những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý và tạo môi trường pháp lý ổn định cho hoạt động của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, cùng với việc phát triển, thay đổi mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Luật Các TCTD đã bộc lộ một số hạn chế, cần được nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của TCTD và thực tiễn quản.

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ bổ sung nhiều quy định góp phần đảm bảo an toàn hoạt động các tổ chức tín dụng. Cụ thể, các quy định về quản trị, điều hành của TCTD, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông, quy định giới hạn cấp tín dụng và việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được xem là những nội dụng sửa đổi, bổ sung lớn tại dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Mạnh Đức

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên