MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hơn 32.000 tỷ đồng vốn điều lệ được bơm thêm, hệ thống ngân hàng sẽ chứng kiến những "sao đổi ngôi"

03-05-2017 - 16:30 PM | Tài chính - ngân hàng

Nếu kế hoạch tăng vốn thành công thì Vietcombank sẽ dẫn đầu hệ thống về vốn điều lệ trong khi VPBank và Techcombank vượt qua ACB, SHB, Eximbank để vươn lên nhóm 5 ngân hàng có vốn cao nhất.

Mùa đại hội cổ đông năm 2017 của các ngân hàng đã kết thúc, ngoại trừ trường hợp Sacombank tổ chức muộn vào cuối tháng 5 do còn chưa chốt được nhân sự theo dự tính ban đầu và PVcomBank chưa có động tĩnh gì. Một điểm chung của mùa đại hội năm nay là kế hoạch tăng vốn mạnh của các nhà băng từ nhỏ đến lớn, từ tư nhân đến Nhà nước.

Thống kê của chúng tôi cho thấy, chỉ 14 ngân hàng gồm BIDV, Vietcombank, MB, OCB, NCB, VPBank, Techcombank, ACB, SCB, HDBank, Lienvietpostbank, SHB, VIB và Nam A Bank đã có kế hoạch tăng thêm tổng cộng hơn 32 nghìn tỷ đồng vốn điều lệ.

Trong đó, “tham vọng” nhất là Techcombank và VPBank khi cả hai cùng muốn tăng vốn thêm khoảng 5.000 tỷ đồng. Tiếp đến là hai ông lớn ngân hàng thương mại Nhà nước BIDV và Vietcombank với mục tiêu tăng vốn lần lượt 4.445 tỷ và 3.598 tỷ đồng.

ACB, MB cùng có kế hoạch tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng trong năm nay. SCB muốn tăng vốn thêm hơn 1.700 tỷ để đưa quy mô lên 16.000 tỷ đồng. HDBank cũng dự định tăng vốn thêm 567 tỷ đồng còn VIB đã được cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn thêm hơn 2.500 tỷ đồng.

Ở nhóm ngân hàng nhỏ, NCB dự kiến sẽ tăng thêm 3.000 tỷ vốn điều lệ nữa, lên mức 6.000 tỷ đồng; Nam A Bank muốn tăng vốn thêm gần 2.000 tỷ lên mức 5.000 tỷ đồng và OCB muốn có thêm 1.000 tỷ bổ sung vào vốn điều lệ.

Các ngân hàng đều có lý do rõ ràng của kế hoạch tăng vốn là nhằm bổ sung năng lực tài chính để, để xây dựng trụ sở, mở rộng chi nhánh, đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin…và đặc biệt là để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II.

Nguồn tiền được các ngân hàng trông chờ tăng vốn là phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, phát hành cổ phiếu riêng lẻ hoặc bán cổ phần cho đối tác chiến lược trong nước và nước ngoài.


Nếu kế hoạch tăng vốn thành công thì Vietcombank sẽ dẫn đầu hệ thống về quy mô vốn trong khi VPBank và Techcombank đẩy ACB, SHB, Eximbank ra xa để vươn lên nhóm 5 ngân hàng có vốn cao nhất (data: Tác giả tổng hợp từ BCTC và Nghị quyết ĐHCĐ 2017)

Nếu kế hoạch tăng vốn thành công thì Vietcombank sẽ dẫn đầu hệ thống về quy mô vốn trong khi VPBank và Techcombank đẩy ACB, SHB, Eximbank ra xa để vươn lên nhóm 5 ngân hàng có vốn cao nhất (data: Tác giả tổng hợp từ BCTC và Nghị quyết ĐHCĐ 2017)

Nếu kế hoạch tăng vốn nói trên của các ngân hàng thành công thì bức tranh ngân hàng cuối năm 2017 sẽ có những thay đổi quan trọng trong bảng xếp hạng các ngân hàng ở Việt Nam. VietinBank đã không có kế hoạch gì về vốn trong năm nay, và nếu không sáp nhập xong PGBank thì ngôi vị số 1 về vốn sẽ nằm trong tay Vietcombank với hơn 39.000 tỷ đồng.

Ở nhóm cổ phần tư nhân, Sacombank dù chưa để ngỏ khả năng nào song trên sổ sách, dù các ngân hàng trong nhóm có tăng vốn cũng không thể vượt được ngôi vị số 1 của nhà băng này với hơn 18.850 tỷ. Nhưng tương lai xa hơn thì không gì là chắc chắn khi MB cuối năm sẽ có vốn ở mức 18.155 tỷ đồng. SCB với kế hoạch tăng vốn lên 16.000 tỷ dự kiến tiếp tục giữ ngôi vị thứ 3.

Ở nhóm các ngân hàng ngay sau, Eximbank, SHB và ACB do kế hoạch tăng vốn khá khiêm tốn, trong khi hai “ngòi nổ” VPBank và Techcombank lại có kế hoạch bơm thêm đến 5.000 tỷ đồng nên sẽ soán ngôi top 5 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trong nhóm tư nhân cùng với Sacombank, MB và SCB.

Ở các ngân hàng nhỏ, sự bùng nổ của Nam A Bank và OCB nếu thành công cũng sẽ đưa họ bứt tốc khỏi nhóm "tí hon" lên cùng nhóm có hơn 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ.

Tuy nhiên, tất cả các con số nói trên vẫn là dự kiến và chưa ai biết trước điều gì sẽ xảy ra. Những năm trước cũng nhiều ngân hàng từng lên kế hoạch tăng vốn hoành tráng song rút cuộc lại bất thành. Cho nên, bức tranh ngân hàng có thay đổi được hay không vẫn phải chờ thêm 8 tháng nữa.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên