Hơn 5.000 tỷ đồng nợ vay, nhiều cựu lãnh đạo bị khởi tố: lối đi nào cho Gang thép Thái Nguyên?
Cuối tuần vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố hình sự, bắt bị can tạm giam 5 nguyên lãnh đạo thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) và Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco) về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Tisco.
- 20-04-2019Khởi tố, bắt tạm giam 5 nguyên lãnh đạo VNSteel và Tisco liên quan đến Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên
- 08-04-2019Gang thép Thái Nguyên (Tisco) thừa nhận tình hình tài chính cực kỳ khó khăn, nguy cơ phá sản đang hiện hữu
- 22-01-2019Tisco bất ngờ báo lỗ hơn 18 tỷ đồng trong quý 4, lượng hàng tồn kho tăng vọt
- 17-01-2019Thái Hưng chưa thoái được vốn tại Tisco: Điểm khác biệt lớn so với cuộc chơi tại Thép Việt Ý
- 23-12-2018Thái Hưng công bố thoái vốn tại Tisco, "bóng dáng" cuộc chơi tại Thép Việt Ý tái diễn?
- 12-06-2018ĐHĐCĐ Tisco: Thế chấp 2 mỏ và phát hành cổ phiếu xử lý khoản vay hơn 1.800 tỷ đồng tại Vietinbank
Các bị can bị bắt đều từng giữ vai trò nòng cốt của cái nôi ngành thép Việt Nam như bị can Mai Văn Tinh, Nguyên Chủ tịch HĐQT VnSteel, bị can Đậu Văn Hùng, nguyên Tổng giám đốc VNSteel, bị can Trần Trọng Mừng, nguyên Tổng giám đốc Tisco, bị can Trần Văn Khâm, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tisco, bị can Ngô Sỹ Hán, nguyên Tổng giám đốc, trưởng ban quản lý dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 công ty Gang thép Thái Nguyên.
Thực tế ông Trần Văn Khâm đã bị miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Tisco từ năm 2013 và bị miễn nhiệm chức Tổng giám đốc từ năm 2015. Tổng giám đốc Tisco hiện tại là ông Hoàng Ngọc Diệp, người đã lèo lái Tisco từ khi ông Khâm bị miễn nhiệm.
Hiện tại VNSteel đang nắm giữ 65% cổ phần của Tisco, công ty Thái Hưng nắm giữ 20% và các cổ đông khác nắm giữ gần 15%.
Quý 1/2019 báo lãi 8 tỷ đồng
Báo cáo mới nhất cho thấy Tisco vẫn có doanh thu hơn 2.800 tỷ trong quý 1/2019, tăng 6,1% cùng kỳ năm trước tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 8 tỷ đồng, giảm 30% cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp chỉ đạt 4,4% trong khi các công ty tư nhân đạt khoảng 13%.
Gánh nặng nợ vay
Tại thời điểm 31/3/2019, Tisco có khoản nợ vay ngắn hạn 2.583 tỷ đồng, nợ dài hạn 2.800 tỷ đồng. Trong khi đó, tài sản ngắn hạn của công ty chỉ ở mức 3.274 tỷ đồng, hàng tồn kho gần 2.300 tỷ trong khi tiền và tương đương tiền gần 148 tỷ cho thấy công ty đang ở tình trạng thiếu hụt vốn lưu động.
Công ty hạch toán khoản phải thu khách hàng ngắn hạn 872 tỷ đồng tuy nhiên có đến 651 tỷ là các khoản quá hạn thanh toán và khó có khả năng thu hồi.
Tại thời điểm cuối năm 2018, hai ngân hàng đang cho vay Tisco nhiều nhất là Ngân hàng TMCP Công thương (cho vay dài hạn hơn 1.900 tỷ) và BIDV (cho vay dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 hơn 1.136 tỷ, cho vay hoạt động sản xuất kinh doanh Tisco và công ty con gần 220 tỷ).
Tisco đang hạch toán 5.100 tỷ chi phí xây dựng dở dang dự án cải tạo Gang thép giai đoạn II, tại thời điểm 31/12/2018 con số trên là tổng giá trị đầu tư dự án đã thực hiện, dự toán điều chỉnh đã được phê duyệt từ 3.943 tỷ ban đầu lên thành 8.105 tỷ. Công ty đang hạch toán 928 tỷ chi phí lãi vay của dự án cải tạo giai đoạn 2 vào phần chi phí phải trả, con số chi phí tài chính trên báo cáo tài chính hiện tại chỉ là phần lãi vay của sản xuất kinh doanh. Thanh tra Chính phủ đang kiến nghị Bộ tài chính, NHNN, Bộ Kế hoạch đầu tư rà soát, xử lý những tồn tại, áp dụng cơ chế giảm lãi vay phát sinh trong thời gian dự án dừng thi công, Tisco không có khả năng thanh toán.
Trước đó tại đại hội cổ đông năm 2018, Vnsteel đã được phê duyệt phương án thoái vốn tại Tisco, giảm sở hữu từ 65% xuống còn 21,5%. Do đó, Vnsteel đề nghị Tisco thế chấp quyền khai thác mỏ sắt Tiến Bộ và mỏ than Phấn Mễ để đảm bảo quyền lợi cho Vnsteel trong trường hợp phát sinh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của tập đoàn với khoản vay tại Vietinbank. Tuy nhiên kể từ đó đến nay không có doanh nghiệp nào muốn mua khoản nợ hơn 1.800 tỷ của Tisco tại Vietinbank.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Tisco ký hợp đồng EPC với đối tác Trung Quốc MCC có một số nội dung không chặt chẽ (trách nhiệm của ông Trần Trọng Mừng, khi đó là Tổng giám đốc Tisco): Không quy định cụ thể về tiến độ thực hiện, không phê duyệt và kiểm soát chặt chẽ tiến độ tổng thể của dự án, sau 18 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực, MCC không thực hiện nhưng Tisco không áp dụng điều khoản phạt hợp đồng đã ký với MCC, không báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét để hủy đấu thầu theo quy định…
Hướng đi nào cho Tisco
Việc chậm tiến độ dự án, gánh nặng lãi vay đã khiến Tisco từ một cái nôi của ngành gang thép Việt Nam giờ đang đứng trước nguy cơ phá sản. Tuy nhiên thực tế thị phần của Tisco trên thị trường khoảng 7,7%, sản lượng bán hàng trong quý 1 đạt gần 210.000 tấn, vẫn tăng trưởng khoảng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh tuy nhiên điểm sang của Tisco là bảo đảm được thu nhập của người lao động, lương bình quân của cán bộ nhân viên năm 2018 đat 8,48 triệu đồng/người/tháng, tăng liên tục qua các năm.
Công ty đặt mục tiêu lãi trước thuế 90 tỷ đồng năm 2019, sản lượng thép cán 800.000 tấn, phấn đấu đến 2023 đạt 1 triệu tấn, doanh thu 18.100 tỷ, lợi nhuận trước thuế 133 tỷ.
Ban lãnh đạo công ty thừa nhận đầu năm 2019 tình hình tài chính của Tisco lâm vào tình trạng cực kì khó khăn, nguy cơ khủng hoảng tài chính dẫn đến phá sản là hiện hữu nếu không có sự giải cứu kịp thời của Chính phủ, các ngân hàng và các cấp có thẩm quyền.
(*) Số liệu 2019 trở đi là báo cáo công ty mẹ
Trí Thức Trẻ