MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hợp đồng 11,3 tỷ USD với VietJet là tin rất vui, nhưng Boeing vẫn phải buồn vì những điều này

25-05-2016 - 09:18 AM | Tài chính quốc tế

Hợp đồng vừa ký kết thể hiện mức độ cạnh tranh khốc liệt ở thị trường hàng không Đông Nam Á vốn tràn ngập các hãng hàng không giá rẻ, mà đặc biệt là sự cạnh tranh giữa hai ông lớn Boeing và Airbus.

Chiều 23/5, hãng hàng không thế hệ mới Vietjet (Việt Nam) và Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing (Mỹ) đã ký kết hợp đồng đặt mua 100 tàu bay B737 MAX 200, trị giá 11,3 tỷ USD. Buổi lễ ký kết hợp đồng giữa Vietjet và Boeing diễn ra trước sự chứng kiến của Chủ tịch Nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng đoàn lãnh đạo cấp cao của hai nước.

Thỏa thuận lịch sử này sẽ giúp đa dạng hóa đội máy bay hiện đang toàn máy bay Airbus.Trở lại năm 2013, với sự chứng kiến của Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault và cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Vietjet cũng từng gây chấn động ngành hàng không thế giới khi ký hợp đồng trị giá hơn 9 tỷ USD cho hơn 100 chiếc máy bay với Airbus.

Nhận định về thỏa thuận lịch sử hôm qua, George Ferguson - chuyên gia phân tích cộng tác với Bloomberg Intelligence, cho rằng đây là sự kiện thể hiện mức độ cạnh tranh khốc liệt ở thị trường hàng không Đông Nam Á vốn tràn ngập các hãng hàng không giá rẻ, mà đặc biệt là sự cạnh tranh giữa hai ông lớn Boeing và Airbus.

Trong bối cảnh các thị trường châu Âu và Mỹ gặp nhiều khó khăn, các thị trường mới nổi được coi là một "mảnh đất vàng". Đặc biệt, năm 2016 đánh dấu cột mốc tròn 100 tuổi của Boeing và nhà sản xuất chế tạo máy bay hàng đầu thế giới đang phải chuẩn bị cho chặng đường 100 năm tiếp theo được dự báo sẽ có không ít sóng gió.

Những khó khăn của Boeing

Trong 2 năm gần đây, số máy bay thân rộng được Boeing bán ra đã liên tiếp sụt giảm. Nguyên nhân chính là do nguồn cung đang dư thừa, bên cạnh đó có nhiều dấu hiệu cho thấy các hãng hàng không và công ty thuê mua đang rút ngắn thời gian sử dụng máy bay và trì hoãn những đơn đặt hàng mới.

Ngoài ra các chuyên gia phân tích nhận định giá dầu thấp khiến các hãng hàng không không muốn mua những mẫu máy bay mới tiết kiệm nhiên liệu hơn. Trong bối cảnh giá dầu chỉ ở mức 48 USD/thùng chứ không phải 100 USD như hiện nay, rõ ràng các mẫu máy bay mới tiết kiệm nhiên liệu của Boeing không còn hấp dẫn như mấy năm trước.

Hồi tháng 1, hãng tiết lộ năm nay số máy bay xuất xưởng sẽ giảm so với mức kỷ lục 762 chiếc của năm ngoái. Hãng cũng nói sẽ giảm sản xuất loại máy bay thân rộng 777, cắt giảm 4.000 việc làm và dự báo lợi nhuận 2016 sụt giảm. Ngoài ra còn có thông tin Ủy ban chứng khoán Mỹ đang điều tra tập đoàn này vì nghi ngờ có sai phạm kế toán.

Boeing áp dụng phương pháp kế toán trong đó chi phí được tính theo lộ trình sản xuất chứ không phải theo các hợp đồng và máy bay đơn lẻ. Theo đó, Boeing không ghi nhận chi phí trực tiếp cho mỗi chiếc bán ra mà phân bổ chi phí cho toàn bộ dây chuyền. Khoảng cách giữa chi phí sản xuất một chiếc máy bay và tiền thu được khi bán máy bay là “chi phí sản xuất chậm thu hồi”.

Phương pháp này giúp tập đoàn ghi nhận mức lợi nhuận cao trong giai đoạn đầu vì chi phí đã được đẩy đến tương lai và do đó bức tranh lợi nhuận luôn tươi sáng.

2/3 doanh thu của Boeing đến từ mảng máy bay thương mại. Phần còn lại đến từ máy bay quân sự vốn được dự báo sẽ chưa thể có lãi trong ngắn hạn. Cỗ máy giúp Boeing tăng trưởng mạnh mẽ là máy bay thân hẹp 737 – loại có thể chở được 85 – 215 hành khách và rất hấp dẫn đối với các hãng hàng không giá rẻ. Với hơn 4.000 đơn đặt hàng chưa thực hiện, 737 chiếm tới 76% trên tổng số 5.795 đơn hàng chưa thực hiện của Boeing tính đến cuối năm 2016.

Kể từ năm 2000, Boeing đã mở rộng mạnh mẽ sang các thị trường bên ngoài Mỹ và châu Âu, cố gắng tận dụng cú bùng nổ của thị trường hàng không ở các nước mới nổi. Nhờ động thái này, số đơn đặt hàng tăng 68% kể từ năm 2010 đến nay, doanh thu cũng tăng 50%.

Boeing 737 vẫn liên tục được cải tiến, trang bị động cơ tiết kiệm nhiên liệu hơn. Mặc dù phải đối phó với sự cạnh tranh khốc liệt từ Airbus và Bombardier (một công ty nhỏ hơn đến từ Canada), nhu cầu được dự báo vẫn sẽ ở mức tốt. Từ nay cho đến ít nhất là năm 2022, các nhà máy của Boeing vẫn sẽ bận rộn với các đơn đặt hàng máy bay 737 kể cả khi hãng không bán thêm được chiếc nào.

Tuy nhiên, nếu như kế hoạch không diễn ra đúng như dự tính, hãng sẽ gặp rắc rối lớn. Các nhà đầu tư chỉ vui vẻ chấp nhận chương trình kế toán này khi mà thị trường hàng không đầy hứa hẹn và chi phí chậm thu hồi không tăng lên quá nhanh. Nếu tình hình ảm đạm, Boeing sẽ phải điều chỉnh giảm lợi nhuận.

Mối nguy từ Boeing 787

Đáng buồn là 777 và 787 - những dòng máy bay mà dòng tiền sẽ có ý nghĩa sống còn với đà tăng trưởng của Boeing – đang gặp rủi ro. Theo chuyên gia phân tích đến từ KeyBanc Capital Markets, Boeing và Airbus đều đang có xu hướng sản xuất quá nhiều máy bay loại này.

Tuần trước, Delta Air Lines vừa thông báo hoãn kế hoạch tiếp nhận 4 chiếc Airbus thân rộng vì phải chờ “thị trường quốc tế tiến triển tốt hơn”.

Chi phí ban đầu cho một chiếc 787 là khá cao trong khi doanh thu đang tăng trưởng chậm lại. Để mọi thứ diễn ra đúng như dự tính, Boeing sẽ phải bán thêm được 146 chiếc Boeing 787 nữa. Điều này là rất khó trong thời điểm nhu cầu yếu ớt như hiện nay.

Ngân hàng Wells Fargo dẫn số liệu từ công ty chuyên nghiên cứu về thị trường hàng không Ascend Flightglobal Consultancy cho biết tỷ lệ thuê mua máy bay 787 đã giảm 5%-13% kể từ đầu năm đến nay. Bên cạnh đó Airbus – vốn đang được hưởng lợi từ đồng euro giảm giá – vừa cho ra mắt một mẫu máy bay mới “được thiết kế đặc biệt để gây sức ép về giá lên Boeing 787”.

Đối với 777, Boeing đang tập trung phát triển phiên bản nâng cấp 777X. Hồi tháng 1, Boeing thông báo cắt giảm sản lượng 777 để tập trung cho sự chuyển đổi này. Tuy nhiên, giới phân tích lại cho rằng nguyên nhân khiến Boeing giảm số lượng từ 8,3 xuống còn 7 chiếc mỗi tháng là do thiếu đơn đặt hàng. Đến năm 2020, 111 chiếc 777 đang cho thuê sẽ hết hạn hợp đồng, khiến Boeing dư thừa một đội ngũ máy bay 777 vẫn còn mới nhưng đã bị “xếp xó”.

Nỗi lo sợ này được phản ánh vào giá cổ phiếu Boeing đang giao dịch trên phố Wall. Sau khi đạt đỉnh vào tháng 2/2015, cổ phiếu này đã giảm 19% kể từ đó đến nay, xuống mức 128 USD/cổ phiếu vì những thông tin đáng thất vọng.

Mức giá nào cho cổ phiếu Boeing

Giới phân tích còn dự báo cổ phiếu Boeing sẽ giảm sâu hơn nữa. Hiện mỗi cổ phiếu đang được giao dịch ở mức cao gấp 14 lần so với mức lợi nhuận dự báo cho năm 2016 (9,47 USD/cổ phiếu). Nếu Boeing chỉ kiếm được 9 USD/cổ phiếu như nhiều người lo ngại, hệ số P/E sẽ giảm xuống chỉ còn 12 lần, đồng nghĩa với mức giá 108 USD/cổ phiếu.


Cổ phiếu Boeing đã trải qua bao thăm trầm trong suốt 100 năm qua. Liệu cổ phiếu này có lặp lại kịch bản lao dốc?

Nguồn: Thompson Finacial; FactSet

Cổ phiếu Boeing đã trải qua bao thăm trầm trong suốt 100 năm qua. Liệu cổ phiếu này có lặp lại kịch bản lao dốc?

Nguồn: Thompson Finacial; FactSet

Tất nhiên vẫn có những người lạc quan về Boeing. Lập luận được đưa ra là số đơn đặt hàng chưa thực hiện dồi dào sẽ giúp bảo vệ hãng trước các biến động hiện nay của thị trường, và Boeing vẫn còn dòng tiền mặt tự do 7,4 tỷ USD để có thể chi trả hậu hĩnh cho cổ đông trong những năm tới. Hãng đã cam kết sẽ trả tiền mặt cho cổ đông và cũng đã mua lại 4% cổ phiếu quỹ chỉ trong quý I. Hiện Boeing đang trả cổ tức 4,36 USD cho mỗi cổ phiếu. Thêm vào đó xu hướng chung trên toàn cầu là đi lại bằng máy bay ngày càng trở nên phổ biến. Số lượng đơn đặt hàng bị hoãn hủy trong năm 2015 cũng vẫn thấp hơn mức trung bình.

Tuy nhiên, không thể khẳng định lượng đơn đặt hàng là “áo giáp chống đạn” hữu hiệu. Các thị trường mới nổi đang bị ảnh hưởng từ đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc. Bản thân Trung Quốc cũng chiếm phần lớn số đơn đặt hàng ở châu Á.

Boeing xứng đáng với một lễ kỷ niệm tưng bừng cho 100 năm tăng trưởng và cải tiến. Tuy nhiên, “chặng bay” trước mắt có lẽ sẽ không suôn sẻ.

Thu Hương

Barron

Trở lên trên