Hợp nhất thu thuế và bảo hiểm xã hội, người lao động sẽ bị tác động như thế nào?
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), trong đó, đề xuất phương án cơ quan thuế sẽ đồng thời thu thuế và thu tiền đóng bảo hiểm bắt buộc của chủ sử dụng lao động, tức gộp thu thuế và bảo hiểm xã hội.
- 23-11-2017Sửa quy định để ngăn chặn trục lợi quỹ bảo hiểm thất nghiệp
- 27-08-2017Vì sao nhiều người dân không mặn mà với bảo hiểm xã hội tự nguyện?
- 05-08-2017Lật tẩy nhiều thủ đoạn trục lợi bảo hiểm xã hội
- 19-06-2017Ồ ạt lĩnh bảo hiểm xã hội một lần
Việc hợp nhất này, theo Bộ Tài chính, sẽ giúp đơn giản hoá công tác quản lý cũng như khai, nộp thuế và bảo hiểm xã hội. Cùng với đó, hạn chế được tình trạng các chủ sử dụng lao động dùng 2 sổ lương để trốn đóng bảo hiểm như quan điểm của phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Cụ thể, phía Tổng Liên đoàn lao động nhận định lâu nay doanh nghiệp luôn có hai sổ lương, một sổ kê khai đóng bảo hiểm với tiền rất thấp, tương đương mức lương tối thiểu vùng. Sổ còn lại với số tiền cao hơn rất nhiều. Việc hợp nhất sẽ khiến doanh nghiệp quyết toán chi phí lao động bao nhiêu sẽ phải đóng bảo hiểm bấy nhiêu.
Dù vậy, xung quanh đề xuất này vẫn còn nhiều tranh cãi. Nhiều chuyên gia cho rằng tính chất của hai khoản thu là khác nhau, do đó việc hợp nhất là không phù hợp.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động – Xã hội nói với báo chí rằng mỗi cơ quan chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Cạnh đó, khi hợp nhất thì cũng chỉ thu thêm phần bảo hiểm xã hội bắt buộc, còn bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế vẫn phải cần cơ quan Bảo hiểm Xã hội thực hiện. Do đó, bộ máy không những không được tinh giản như mục đích ban đầu mà ngược lại, sẽ phình to hơn.
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội thì cho rằng đề xuất trên dù hạn chế gian lận bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp nhưng việc hợp nhất là không hề đơn giản mà nếu không thận trọng, người lao động sẽ chính là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Ông Nguyễn Anh Dương, phó Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thì nhận định cần phải tính đến tác động tổng thể đối với nền kinh tế, đến từng nhóm thu nhập.
Theo ông Dương, đề xuất của Bộ Tài chính mặc dù có nhiều điểm tích cực như giảm chi phí, đơn giản hoá việc thu đầu vào… nhưng ở góc độ khác, thu nhập của người lao động có thể bị giảm đi ít nhiều, đồng thời, tác động đến chi phí liên quan đến lao động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tác động cụ thể như thế nào vẫn sẽ phụ thuộc nhiều vào lộ trình thực hiện đề xuất (nếu được thông qua) cũng như phụ thuộc nhiều vào từng nhóm thu nhập khác nhau. Đối với những người lao động thuộc nhóm thu nhập thấp, như ông Dương phân tích, phần thu nhập bị giảm do tăng đóng thuế và bảo hiểm xã hội có thể không lớn về giá trị tuyệt đối nhưng có ý nghĩa lớn về tiêu dùng.
Chuyên gia của CIEM cũng đề cập đến việc hầu như các nghiên cứu gần đây chỉ nói đến chuyện các hộ gia đình được cải thiện nhưng không nói đến chuyện cải thiện đó có tương xứng với mức tăng giá cả hay chưa. Bởi thu nhập nhìn có vẻ tăng lên nhưng nếu không theo kịp mức tăng giá tiêu dùng thì thu nhập thực của các hộ gia đình đang giảm đi. Điều này khiến cho việc thu thuế khó nhận được sự ủng hộ từ người lao động. Do đó, ông Dương cho rằng đề xuất này cần được tham vấn nhiều hơn ở các nhóm người lao động với các ngưỡng thu nhập khác nhau, đặc biệt ở nhóm thu nhập thấp để giảm thiểu tác động đến những người nghèo.