Hợp tác kinh tế Việt Nam - Thụy điển: Cơ hội cho NutiFood
Năm 2019 là cột mốc tròn 50 năm của mối quan hệ song phương Việt Nam - Thụy Điển. Nỗ lực của Chính phủ 2 nước đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cho doanh nghiệp của cả 2 quốc gia.
Có thể thấy, trong quá khứ, Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (11/1/1969) và đã có sự hỗ trợ thực hiện đổi mới ngay từ những năm đầu tiên trong các lĩnh vực cải cách kinh tế, tài chính, quản lý kinh tế... Đồng thời tích cực hỗ trợ Việt Nam khai thông quan hệ với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế như: Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB)… Tháng 1/2014, Quốc hội Thụy Điển đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - Liên minh Châu Âu (PCA). Thụy Điển cũng là nước Tây Bắc Âu viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam với tổng viện trợ trên 3,5 tỷ USD...
Sau chặng đường nửa thế kỷ bồi đắp cho mối bang giao hữu hảo, quan hệ 2 nước đang bước vào thời kỳ mới, chuyển từ hỗ trợ phát triển sang đối tác hợp tác bình đẳng cùng có lợi. Những ngày vừa qua, chuyến thăm chính thức Thụy Điển của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc theo lời mời của người đồng nhiệm Thụy Điển diễn ra từ ngày 26 - 28/5 được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho mối quan hệ vốn đã bền chặt giữa 2 nước trong mọi khía cạnh, đặc biệt ở lĩnh vực kinh tế.
Con số mới nhất theo theo thống kê của Bộ Công thương, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hai chiều đạt 1,5 tỷ USD, tặng 14,5% so với năm 2017. Trong 4 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch song phương đạt trên 500 triệu USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Thụy Điển trên 400 triệu và nhập khẩu khoảng 96,2 triệu USD.
Cũng tính đến tháng 4/2019, Thụy Điển xếp hạng thứ 33 trong số 131 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 68 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư hơn 265 triệu USD. Hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp nổi tiếng thế giới của Thụy Điển đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng ở Việt Nam như: Elextrolux (đồ gia dụng), Tetra Park (bao bì), IKEA (nội thất), H&M (thời trang), Skype (viễn thông)…
Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bắt đầu chọn Thụy Điển để thực hiện kế hoạch mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh. Mới đây nhất là sự hợp tác giữa doanh nghiệp sữa Việt NutiFood với 2 đối tác Thụy Điển để xây dựng nhà máy sản xuất sữa tại miền Nam Thụy Điển. Hiện này, nhà máy đã đi vào hoạt động với tổng công suất 15.000 tấn mỗi năm (bao gồm 5.000 tấn sữa bột công thức cho trẻ sơ sinh và 10.000 tấn bột dinh dưỡng cho trẻ em.
Nhà máy NutiFood Sweden AB là dự án đầu tư của NutiFood (sở hữu 50% vốn), Tập đoàn Backahill của tỷ phú Thụy Điển Erik Paulsson (25%) và Skånemejerier Ekonomisk Förening (25%), có giá trị đầu tư gần 20 triệu USD (giai đoạn 1).
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT NutiFood cho biết: "NutiFood chọn đầu tư ở Thụy Điển vì đây là đất nước cung cấp thực phẩm đạt chuẩn organic hàng đầu thế giới và có những quy định nghiêm ngặt về quy chuẩn kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa, an toàn thực phẩm. Trong chiến lược vươn ra thế giới, chúng tôi đã chinh phục được thị trường Mỹ, đây là bước tiếp theo để thâm nhập thị trường Châu Âu. NutiFood cam kết làm hết sức mình để chứng minh năng lực của người Việt, nâng tầm sản phẩm Việt, đóng góp cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia."
Hiện nay, Việt Nam và EU đang thúc đẩy để sớm ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Nếu 2 hiệp định sớm được thông qua, khi hợp tác với doanh nghiệp Thụy Điển, hàng hóa Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi phân phối, tiến vào thị trường EU rộng lớn.
Ngược lại, khi đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp Thụy Điển có thể tiếp cận thị trường ASEAN đầy tiềm năng và được đánh giá đang phát triển rất năng động. Đây cũng là dự báo tốt cho mối quan hệ song phương về kinh tế giữa 2 nước sẽ ngày càng phát triển trong tương lai. Đặc biệt là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt đủ tiềm lực và có "tham vọng" chinh phục các thị trường lớn hơn.