Họp tăng lương tối thiểu vùng: Hội đồng 'mỗi người một ý'?
Chiều nay (9/7), Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ nhóm họp phiên đầu tiên bàn thảo về mức lương tối thiểu vùng năm 2019. Nhưng tới nay, quan điểm các bên chính tham gia Hội đồng vẫn còn “một trời một vực”.
- 09-07-2018Lương tối thiểu tăng bao nhiêu?
- 04-07-2018Sẽ sửa đổi các tiêu chí xác định lương tối thiểu
- 29-06-2018Hiệp hội Dệt may đề nghị tăng số giờ làm thêm của công nhân và kéo dài thời gian tăng lương tối thiểu
Theo một thành viên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐ VN) – đại diện người lao động trong Hội đồng tiền lương Quốc gia, đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là từ 7,5 - 8 % so với mức lương tối thiểu vùng năm 2018.
Đề xuất của Tổng LĐLĐ VN dựa trên những khảo sát mới nhất về đời sống người lao động, khi mức lương hiện mới đáp ứng 90 – 92% nhu cầu sống tối thiểu.
Trong khi đó, đại diện giới chủ sử dụng lao động trong Hội đồng là Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục đưa ra quan điểm năm tới chưa nên tăng lương tối thiểu. Đại diện giới chủ cho rằng, hiện doanh nghiệp còn khó khăn, lạm phát thấp, năng suất lao động chưa được cải thiện nhiều...
Do đó, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao tính cạnh tranh, VCCI đề xuất chưa nên tăng lương năm tới.
Trước thềm phiên họp của Hội đồng tiền lương Quốc gia, một số chuyên gia lao động dự đoán mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 sẽ từ 6 – 7% so với lương đang áp dụng năm 2018.
Từ năm 2012, theo quy định của Bộ Luật Lao động, Hội đồng Tiền lương Quốc gia được thành lập và có nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu tới Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng hàng năm. Thành phần Hội đồng tiền lương Quốc gia gồm: Đại diện Bộ LĐ-TB&XH, Tổng LĐLĐ Việt Nam, VCCI, Liên minh Hợp tác xã, chuyên gia độc lập…
Tiền phong