HoREA kiến nghị TPHCM sớm ban hành quyết định đất 36m2 sẽ được tách thửa
Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị TPHCM sớm ban hành "Quyết định về quy định diện tích tối thiểu được tách thửa".
HoREA cho biết Hiệp hội đã nghiên cứu và nhất trí với dự thảo "Quyết định về quy định diện tích tối thiểu được tách thửa" do Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân thành phố. Dự thảo này đã kế thừa mặt tích cực, khắc phục được những mặt còn hạn chế của Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND trước đây, với những nội dung quan trọng, sau đây:
Thứ nhất, đã tôn trọng và đảm bảo quyền tách thửa đất ở đô thị, đất ở nông thôn, đi đôi với việc xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng đất; quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác tách thửa đất;
Thứ hai, đã quy định rõ điều kiện về đất để tách thửa; những trường hợp không được tách thửa;
Thứ ba, đã đề xuất phân chia địa bàn thành phố thành 03 khu vực hợp lý. Khu vực 1 gồm các Quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú. Khu vực 2 gồm các Quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức và thị trấn các huyện.Khu vực 3 gồm các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ (ngoại trừ thị trấn).
Thứ tư, đã đề xuất diện tích tối thiểu được tách thửa phù hợp với từng khu vực, không phân biệt đất ở đã có nhà hoặc đất ở chưa có nhà, và diện tích tối thiểu còn lại sau khi tách thửa. Khu vực 1 là 36m2 và chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 03 mét. Khu vực 2 là 50m2 và chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 04 mét. Khu vực 3 là 80m2 và chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 05 mét.
Thứ năm, Dự thảo cũng đã đề xuất "Trường hợp khi tách thửa đất có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật, giao Ủy ban nhân dân quận, huyện rà soát các điều kiện về diện tích đất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, căn cứ quy định pháp luật quy hoạch, xây dựng và hướng dẫn của các sở, ngành theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Quyết định này để hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo phù hợp theo quy hoạch được duyệt, kết nối hạ tầng kỹ thuật chung hiện hữu của khu vực".
HoREA đánh giá đề xuất này sẽ giải quyết được nhu cầu tách thửa của các thửa đất có diện tích lớn, phải xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu của thửa đất được kết nối vào hệ thống hạ tầng của khu vực, khắc phục được tình trạng tách thửa mà thiếu cơ sở hạ tầng như hiện nay.
Thứ sáu, bên cạnh điều kiện về đất để được tách thửa, dự thảo cũng quy định sau 03 năm kể từ ngày rà soát phê duyệt các quy hoạch này mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện hoặc có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện và chưa có thông báo thu hồi đất, chưa có quyết định thu hồi đất, mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện thì người sử dụng đất được tách thửa đất.
HoREA đánh giá đề xuất này rất phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố, đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người dân.
Thứ bảy, dự thảo tiếp tục khẳng định lại cơ chế "Tổ công tác liên ngành để giải quyết tách thửa đất đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân thuộc chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn: diện tích tối thiểu của thửa đất còn lại và thửa đất mới hình thành sau khi tách thửa không nhỏ hơn 25m2, chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 3m đối với đất ở và không nhỏ hơn 300m2 đối với đất nông nghiệp. Ủy ban nhân dân quận, huyện rà soát điều kiện về hạ tầng kỹ thuật của khu vực để giải quyết cho phù hợp.
Theo HoREA, cơ chế nàyrất nhân văn và hỗ trợ thiết thực cho các hộ nghèo;
Thứ tám, dự thảo Quyết định này đã giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Sở Tư pháp, doanh nghiệp cấp điện, cấp nước, thoát nước đô thị phối hợp, và theo chức năng nhiệm vụ để hướng dẫn, giải quyết các thủ tục cho người sử dụng đất.
HoREA cho rằng quy định này sẽ khắc phục tình trạng thiếu phối hợp và không rõ địa chỉ cơ quan chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng tách thửa đất tràn lan trong thời gian trước đây.
Vì những lý do trên, Hiệp hội BĐS TPHCM đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố xem xét sớm ban hành quyết định này để đáp ứng nhu cầu tách thửa đất của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn thành phố, và đưa công tác tách thửa đất vào khuôn khổ quản lý.