MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh

20-08-2016 - 21:35 PM | Tài chính - ngân hàng

Tín dụng tăng trưởng khá lạc quan sau 7 tháng nhưng nguồn vốn của hệ thống ngân hàng đang chảy vào đâu mới là câu hỏi quan trọng.

Tín dụng tăng trưởng lạc quan

Hết tháng 7, tín dụng tăng trưởng 8,54%. So với mục tiêu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) định hướng từ đầu năm là khoảng 18 - 20%, có thể thấy tín dụng đang có những bước tăng trưởng đầy khả quan. Thông thường, tín dụng tăng mạnh hơn vào những tháng cuối năm, vì vậy, 5 tháng còn lại bình quân mỗi tháng tăng 2% có lẽ cũng không quá khó. TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng cũng khẳng định, tăng trưởng tín dụng năm nay sau 7 tháng đã cao hơn cùng kỳ năm ngoái (7,32%) và với tốc độ như vậy hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đã đề ra.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại (NHTM) cho biết, vào cuối năm tín dụng bao giờ cũng tăng để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, trong khi nợ xấu cũ đang được xử lý, các ngân hàng phải thận trọng trong cho vay, đưa nguồn vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Số liệu thống kê của một số địa phương cho thấy, tín dụng đang tăng khá tốt và dòng vốn đi vào sản xuất kinh doanh.

Đơn cử như theo NHNN chi nhánh Thừa Thiên - Huế đến hết tháng 6.2016, tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn đạt hơn 27 nghìn tỷ đồng, tăng 11,3% so với đầu năm, cao hơn so với cùng kỳ năm trước, đạt 75,3% kế hoạch. Trong đó, tín dụng đối với nông nghiệp nông thôn tăng 9,6%; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 28,9%; xuất khẩu tăng 18,%...

Câu hỏi quan trọng

Lãnh đạo NHNN các địa phương cho biết, thời gian tới tiếp tục thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng định hướng và các biện pháp kiểm soát tín dụng theo chỉ đạo của NHNN. Đáp ứng nhu cầu vốn hợp lý cho phát triển kinh tế; ưu tiên tập trung vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sử dụng nhiều lao động và những dự án, phương án có hiệu quả. Đồng thời, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân duy trì phát triển sản xuất - kinh doanh.

Khẳng định số liệu là thực chất, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, con số tăng trưởng tín dụng tăng 8,54% so với với cuối năm 2015 là toàn bộ tín dụng cho nền kinh tế, không bao gồm các tổ chức tín dụng mua trái phiếu Chính phủ trong thời gian vừa qua. “8,54% là mức tăng trưởng dư nợ, có nghĩa là dư nợ tăng thêm được mức đó so với dư nợ của cuối năm 2015. Sau khi lấy số dư nợ của năm 2015 cộng với doanh số cho vay, trừ đi doanh số thu nợ thì có được con số 8,54%. Vì vậy, dư luận không phải băn khoăn”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phân tích thêm.

Theo thống kê sơ bộ của các đơn vị chức năng NHNN, trong những tháng đầu năm, doanh số cho vay và doanh số thu nợ vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cũng cho thấy, dòng tín dụng là lưu động có cho vay, có thu nợ. Đối với những vấn đề liên quan tới cho vay, gia hạn nợ… các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện theo các quy định của NHNN. “Có thể nói cơ cấu tín dụng được hỗ trợ cho sản xuất, các chương trình tín dụng ngành triển khai có hiệu quả, góp phần tăng trưởng kinh tế” - đại diện của NHNN khẳng định.

Một số chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cảnh báo: Đối chiếu tăng trưởng tín dụng với mục tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ thì tín dụng sẽ còn phải tăng rất cao và nó chảy vào đâu là câu hỏi quan trọng. Trong khi nền kinh tế vẫn tồn tại những vấn đề lớn mà bơm tiền ra mạnh và nới lỏng tín dụng thì bảo đảm chất lượng tín dụng và kìm cương lạm phát là bài toán khó, nếu giải không khéo thì có thể đẩy những vấn đề xấu lên như đối với bất động sản.

Theo Đức Kiên

Đại biểu nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên