Hưởng lợi từ giá xuất khẩu tăng mạnh, nhiều cổ phiếu thép tăng trần trong phiên 6/9
Trong khi xuất khẩu vào EU tăng mạnh, thép Việt Nam lại có lợi thế lớn về giá thành. Theo VDSC, chênh lệch giá giữa EU và Việt Nam ngày càng nới rộng và dao động trong khoảng 300-530 USD/tấn. VDSC ước tính biên lợi nhuận gộp của các nhà xuất khẩu thép ở Việt Nam có thể dao động từ 15%-25% trong nửa cuối năm 2021.
Kể từ khi VN-Index tạo đỉnh 1.420 điểm vào đầu tháng 7, nhóm cổ phiếu tăng nóng trong nửa đầu năm là thép đã có dấu hiệu chững lại và nhiều mã đã bước vào nhịp điều chỉnh tích lũy. Tuy nhiên, trong những phiên gần đây, dòng tiền đã trở lại nhóm thép một cách mạnh mẽ.
Riêng phiên 6/9, nhiều cổ phiếu thép đã tăng hết biên độ, có thể kể tới như HSG, SMC, TLH, VIS. Một số cổ phiếu trên sàn HNX, UPCom thậm chí tăng mạnh hơn như VGS (+9,3%), TIS (+9%), TVN (+14,7%). Với mức tăng ấn tượng, nhiều cổ phiếu thép thậm chí đã vượt xa đỉnh lịch sử như VGS, HSG, TLH, SMC…
Cổ phiếu thép tăng mạnh trong phiên 6/9
Việc cổ phiếu thép bứt phá thời gian gần đây có nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật là câu chuyện giá xuất khẩu tăng mạnh cùng với nhu cầu về thép tăng mạnh sau đại dịch.
Theo chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhu cầu thép, tôn mạ ở châu Âu được dự báo sẽ tăng 10,2% YoY vào năm 2021 và 4,8% vào năm 2022. Trong khi đó, các nước EU đã gia hạn các biện pháp tự vệ đối với thép nhập khẩu, chủ yếu nhắm vào Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhà sản xuất, như NKG, HSG, đã nhận đủ đơn đặt hàng cho đến tháng 11.
VDSC ước tính sản lượng xuất khẩu thép của Việt Nam vẫn sẽ cao cho đến năm 2023, khi EU bắt đầu áp dụng cơ chế biên giới carbon, làm giảm lợi thế của các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong khi xuất khẩu vào EU tăng mạnh, thép Việt Nam lại có lợi thế lớn về giá thành. Theo VDSC, chênh lệch giá giữa EU và Việt Nam ngày càng nới rộng và dao động trong khoảng 300-530 USD/tấn. VDSC ước tính biên lợi nhuận gộp của các nhà xuất khẩu thép ở Việt Nam có thể dao động từ 15%-25% trong nửa cuối năm 2021.
Với giả định mỗi tấn théo (BOF) cần thải ra 1,85 tấn CO2 (WSA), chi phí sản xuất ở EU sẽ cao hơn 120 USD so với Việt Nam và Ấn Độ do tốn chi phí cho bản quyền phát thải. Ngoài ra, giá diệndao động trong khoảng 150-330 USD/Mwh ở EU và 77 USD/Mwh ở Việt Nam. Chi phí điện ở EU sẽ cao hơn 15-35 USD cho mỗi tấn thép sản xuất. Thép được sản xuất bằng lò điện chiếm 40% sản lượng thép ở châu Âu và có giá thành sản xuất cao hơn từ 15%-20% so với thép sản xuất bằng lò BOF.
VDSC dự báo biên lợi nhuận gộp xuất khẩu tôn mạ Việt Nam sang EU-Bắc Mỹ có thể giảm dần từ 22% trong Q2 xuống khoảng 14% vào năm 2022 nhưng vẫn cao hơn so với giai đoạn 2018-2019.
Ngoảia, tiêu thị HRC cũng được dự báo sẽ tích cực nhờ nhu cầu mạnh mẽ của các nhà sản xuất hạ nguồn. Giá bán HRC trong Quý 3 vẫn ở mức cao nhờ nhu cầu xuất khẩu mạnh mẽ sang các thị trường EU-Bắc Mỹ, những thị trường vốn cấm thép có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trong năm 2022, VDSC kỳ vọng mức tiêu thụ HRC sẽ vẫn ở mức cao. Mức chênh lệch giá thép cao giữa châu Âu-Bắc Mỹ và Việt Nam cho phép HPG và Formosa xuất khẩu với lợi nhuận cao. Bên cạnh đó, sản lượng xuất khẩu tôn mạ có thể vẫn tích cực nhờ giá thép cạnh tranh ở Việt Nam và lĩnh vực xây dựng ở EU-Bắc Mỹ có thể tiếp tục phục hồi. Do đó, VDSC đánh giá HPG và Formosa vẫn sẽ có lợi nhuận và sản lượng tiêu thụ cao trong nửa cuối 2021 ở mảng HRC.