MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hướng tới tỷ trọng thanh toán tiền mặt xuống dưới 8%, hiện trạng đang như thế nào?

19-08-2018 - 08:53 AM | Tài chính - ngân hàng

Trong 5 năm qua, tỷ trọng thanh toán không tiền mặt không có nhiều chuyển biến. Xu hướng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt sẽ cần phải đẩy mạnh hơn nữa khi mà hiện tại, tỷ trọng này còn cách khá xa so với mục tiêu do Chính phủ đề ra.

Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 986 đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và POS. Đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở dưới mức 10%; đến cuối năm 2025, con số này rút xuống còn 8%.

Chiến lược cũng đưa ra một loạt các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, tạo cơ sở nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng…

Theo thống kê mới nhất của NHNN, đến tháng 5/2018, tổng phương tiện thanh toán (chưa bao gồm các khoản phát hành giấy tờ có giá do các TCTD khác trong nước mua) đạt 8.757.588 tỷ đồng, tăng 6,9% so với đầu năm. Tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán đạt 12,04%, giảm 0,71% so với cuối tháng trước và tăng 0,1% so với thời điểm đầu năm. Mức 12,04% cũng đang cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (11,81%).

Hướng tới tỷ trọng thanh toán tiền mặt xuống dưới 8%, hiện trạng đang như thế nào?  - Ảnh 1.

Nguồn: SBV

Trên thực tế, tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán có sự thay đổi theo mùa vụ trong năm, thường tăng cao vào thời điểm đầu năm do nhu cầu tiền mặt chi tiêu dịp tết và sẽ giảm dần đến quý 3.

Có thể nhận thấy, trong 5 năm qua, tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán không có sự thay đổi rõ rệt, thường dao động từ 11% đến 14% tùy thời điểm trong năm. Điều này cho thấy thói quen sử dụng tiền mặt của người dân chưa có nhiều chuyển biến trong những năm qua. Mục tiêu đưa tỷ lệ này xuống còn 10% đến cuối năm 2020 và xuống còn 8% cuối năm 2025 không phải là một mục tiêu dễ dàng và đòi hỏi sự nỗ lực rất nhiều của không chỉ ngành ngân hàng mà các bộ ngành liên quan phối hợp thực hiện.

Thanh toán không tiền mặt đem lại nhiều lợi tích, cho cả người tiêu dùng, người bán hàng, tổ chức tín dụng và tổng thể nền kinh tế. Đối với nền kinh tế, thanh toán không tiền mặt có ý nghĩa quan trọng đến việc tiết kiệm khối lượng tiền mặt trong lưu thông, giảm bớt những phí tổn liên quan như phát hành, lưu thông, in ấn, kiểm đếm, chuyên chở, bảo quản,… Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều phương tiện và dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, tiện ích song thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người dân Việt Nam vẫn rất khó thay đổi. Các dịch vụ cũng cần hoàn thiện hơn nữa, nâng cao sự tiện ích, bảo mật cho người sử dụng.

Hải Vân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên