MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Huy động vàng: Có dễ “đánh thức” vàng trong dân?

22-07-2017 - 16:42 PM | Tài chính - ngân hàng

Trong thời qua, quan điểm của NHNN là huy động vàng trong dân thông qua quan hệ mua bán vàng. Thế nhưng, quan điểm đó có vẻ như đã hoàn toàn “thất bại”, bởi lượng vàng trong dân đang ngày càng đầy lên, chứ chưa hề vơi đi. Vậy làm sao có thể “đánh thức” vàng trong dân?

Hiện nay, gửi vàng cho các TCTD giữ hộ phải mất phí khá cao, nhưng dịch vụ này vẫn rất hấp dẫn người dân. Nếu Chính phủ huy động vàng có trả lãi suất, với mức độ bảo đảm cao hơn, thì chắc chắn sẽ thu hút được quan tâm của người dân.

Nếu huy động được nguồn vàng trong dân sẽ góp phần giải quyết đáng kể nhu cầu vốn của nền kinh tế Ảnh: Quốc Tuấn.

Vàng giữ hộ vẫn hấp dẫn

Mặc dù theo quy định hiện hành, người dân gửi vàng giữ hộ tại các TCTD không được hưởng lãi suất, mà trái lại còn phải trả phí giữ hộ vàng khá cao (dao động từ 300 - 1.000 đồng/chỉ /tháng tùy theo từng kỳ hạn), nhưng dịch vụ này đã và đang thu hút được rất nhiều người dân tham gia.

Sở dĩ dịch vụ giữ hộ vàng hấp dẫn người dân bởi nếu người dân cất giữ vàng ở nhà sẽ không đảm bảo an toàn, dễ bị mất trộm. Khi được các ngân hàng giữ hộ, thì vàng của người dân sẽ được cất giữ tuyệt đối an toàn và bảo mật. Đặc biệt, người dân có thể rút vàng tại bất kỳ điểm giao dịch nào trong hệ thống của ngân hàng giữ hộ.

Thậm chí một số DN kinh doanh vàng dù không có uy tín và tiềm lực tài chính lớn như các TCTD, nhưng vẫn được khá nhiều người dân tin tưởng cho vay vàng để sản xuất, kinh doanh trong thời gian qua.

Thực tế trên cho thấy, nhu cầu gửi vàng và/hoặc cho vay vàng của người dân hiện nay là rất lớn. Do đó, nếu Chính phủ tổ chức huy động vàng trong dân, có trả lãi suất, thì sẽ được rất nhiều người dân hưởng ứng nhiệt tình. Bởi vì, chứng chỉ vàng sẽ không giống như trái phiếu Chính phủ. Trong khi trái phiếu chỉ được đảm bảo bằng VND, mà VND có thể mất giá theo thời gian, nhưng chứng chỉ vàng được bảo đảm bằng vàng, mà vàng luôn là công cụ bảo toàn giá trị trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Để hấp dẫn hơn, Chính phủ cũng cần có hành lang pháp lý quy định chứng chỉ vàng có thể được sử dụng cầm cố, chuyển nhượng, giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, đề án huy động vàng trong dân của Chính phủ cũng cần làm rõ được những băn khoăn của người dân hiện nay, đó là số vàng huy động được từ dân cư sẽ được sử dụng như thế nào để tránh bị thất thoát, lãng phí như một số dự án hiện nay. Đặc biệt, cam kết của Chính phủ hoàn trả lại vàng cho dân khi đáo hạn…

Ngoài ra, hiện nay vàng trong dân tồn tại dưới nhiều loại khác nhau, nhưng vàng miếng SJC và vàng nhẫn tròn trơn ép vỉ của các DN là những loại vàng có hàm lượng cao, chất lượng đảm bảo, chiếm tỷ trọng lớn trong lưu thông và tích trữ của người dân. Do đó, trước mắt Chính phủ nên tập trung huy động 2 loại vàng này. Còn những loại vàng trang sức thấp tuổi, như 8K, 10K, 14K,… của không ít DN hiện nay có chất lượng không đảm bảo. Nếu huy động loại vàng này sẽ chịu rủi ro khá lớn. Hơn nữa, khi thế chấp vay ngoại tệ ở nước ngoài, thì sẽ phải mất nhiều chi phí, như phí phân kim và các loại phí khác.

Huy động vàng không làm tăng vàng hóa

Hiện nay có một số ý kiến lo ngại nếu Chính phủ tổ chức huy động vàng trong dân, sẽ làm cho tình trạng vàng hóa nền kinh tế thêm trầm trọng. Tuy nhiên, lo ngại này có vẻ hơi “thái quá”, bởi thị trường vàng hiện nay đã cơ bản ổn định, không còn những cơn sốt giá vàng như trước đây. Vàng hiện nay đã bị loại ra khỏi hệ thống các TCTD, nên không còn tình trạng vay vàng để đầu cơ, gây lũng đoạn thị trường vàng. Đặc biệt, việc sử dụng vàng làm công cụ thanh toán hiện cũng đã không còn tồn tại.

Hơn nữa, số vàng huy động sẽ được giao nộp về NHNN và/hoặc Bộ Tài chính sử dụng, nên sẽ không thể làm gia tăng tình trạng vàng hóa nền kinh tế. Chẳng hạn, nếu NHNN sử dụng vàng huy động để thế chấp vay ngoại tệ ở nước ngoài, thì lãi suất ký gửi vàng tại các ngân hàng quốc tế khoảng 0,1-0,15%, trong khi lãi suất vay USD của các ngân hàng nước ngoài khoảng 2%. Sau khi NHNN hoán đổi vàng lấy USD và cho một số TCTD có uy tín vay để cho vay lại với lãi suất khoảng 4,5%/năm, thì các TCTD vẫn được hưởng chênh lệch lãi suất khoảng hơn 2%. Như vậy, số lượng vàng huy động đã được chuyển hóa thành USD phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, chứ không quay trở lại nền kinh tế.

Nếu NHNN bán vàng huy động được cho các DN sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, thì số vàng đó cũng sẽ được chuyển hóa thành vàng nguyên liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN. Điều đó góp phần tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu vàng nguyên liệu và giảm thiểu tình trạng nhập lậu vàng. Tuy nhiên, giải pháp này ít khả thi, bởi giá vàng miếng SJC, nhẫn tròn trơn luôn cao hơn giá vàng quốc tế.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Cty CP Kinh doanh và Đầu tư vàng VN (VGB) cũng cho rằng, việc bán vàng huy động cho các DN làm vàng nguyên liệu sản xuất vàng nữ trang sẽ khó khả thi, bởi chi phí gia công vàng miếng SJC hiện quá cao. Điều đó sẽ không có lợi khi phải gia công vàng miếng trả cho người dân khi đáo hạn.

“Giải pháp tốt nhất hiện nay là thành lập sàn giao dịch vàng tập trung; trên cơ sở đó Nhà nước có thể huy động được vàng vật chất và ghi bút toán vàng cho người dân. Mô hình hoạt động này không có gì mới mẻ gì, mà đã rất phổ biến trên thế giới từ lâu”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh. n

Theo Hoành Nha

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên