Indonesia khai trương hệ thống tàu điện ngầm, biến giấc mơ 34 năm trở thành hiện thực
Quốc gia Đông Nam Á với dân số gần 270 triệu người vừa trở thành cái tên mới nhất trong hàng ngũ các nước sở hữu hệ thống tàu điện ngầm.
Indonesia đã đưa vào hoạt động chuyến tàu điện ngầm đầu tiên ở thủ đô Jakarta hôm 24/3. Đây được coi là bước đi quan trọng nhằm khắc phục tình trạng ách tắc giao thông ở một trong những thành phố tấp nập nhất Đông Nam Á. Được khởi công năm 2013, hệ thống tàu điện ngầm mới đã biến giấc mơ 34 năm của Indonesia trở thành hiện thực.
Tổng thống Joko Widodo là hành khách đầu tiên trên hệ thống tàu mới. Ông cũng là người thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hệ thống giao thông công cộng của Indonesia, trong đó đẩy mạnh phát triển tàu điện ngầm bên cạnh việc cải thiện hệ thống xe buýt và tàu hỏa hiện có. Mục tiêu của ông Widodo là giảm ách tắc giao thông ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, vốn gây thiệt hại tới 5 tỷ USD mỗi năm.
"Tôi chính thức tuyên bố, hệ thống tàu điện ngầm giai đoạn 1, chính thức hoạt động từ ngày hôm nay. Cũng chính trong hôm nay, giai đoạn 2 sẽ được triển khai", Tổng thống Widodo cho biết trong một video được chia sẻ lên mạng xã hội Facebook. Tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của Indonesia được mang tên tuyến Bắc - Nam.
Jakarta là một trong những thành phố đông dân nhất thế giới, với hơn 10 triệu người, cùng hàng triệu người khác sống ở ngoại ô nhưng đi làm trong thành phố. Tầng lớp trung lưu tăng dẫn tới số lượng ô tô tăng tương ứng đã khiến hệ thống giao thông trở nên quá tải. Trong khi đó, hệ thống giao thông công cộng nghèo nàn khiến tình trạng càng trở nên tồi tệ.
Ý tưởng phát triển tàu điện ngầm được đưa ra lần đầu bởi Tổng thống Suharto năm 1985. Tuyến tàu điện hiện tại của Indonesia được xây dựng với khoản vay 1,1 tỷ USD từ phía Nhật Bản. Nó trải dài 16 km với 3 trạm, đi từ trung tâm thành phố đến các khu thương mại lớn ở phía nam. Dự kiến, tàu sẽ phục vụ 170.000 lượt khách mỗi ngày.
Năm ngoái, chính phủ Indonesia cũng đã ký khoản vây hơn 500 triệu USD cho tuyến tàu điện ngầm giai đoạn 2 của tuyến Bắc Nam. Dự kiến, toàn tuyến sẽ chuyên chở 433.000 hành khách mỗi ngày khi được đưa vào hoạt động đẩy đủ. Tuyến Đông – Tây cũng đã được lên kế hoạch với mục tiêu chuyên chở hơn 1 triệu hành khách mỗi ngày. Tuyến Bắc - Nam này cũng sẽ được xây dựng trong năm nay.
Phát triển hệ thống giao thông công cộng đang trở thành nhu cầu ngày càng cấp thiết với các thành phố lớn ở Đông Nam Á, một trong những khu vực đang phát triển nhanh bậc nhất thế giới. Hiện tại, dân số Đông Nam Á là hơn 700 triệu người dù chỉ có 11 quốc gia, tương đương 8,59% dân số toàn cầu.