Intel sẽ đầu tư 20 tỷ USD để xây nhà máy chip mới, nỗ lực loại bỏ sự phụ thuộc vào châu Á
Kế hoạch mới của Intel nhằm thay đổi tình trạng các doanh nghiệp trong nước phải phụ thuộc vào chip sản xuất ở nước ngoài. Ngoài ra, Intel cũng đưa ra một dịch vụ mới để sản xuất chip cho các công ty khác.
- 22-03-2021Tham vọng tự cường công nghệ của Trung Quốc gặp 'bão lớn': Công ty chip hàng đầu vỡ nợ, có thể bị đóng băng tài sản, ngành bán dẫn được tiết lộ không có lợi nhuận
- 16-03-2021Thế giới đang phụ thuộc vào chip Đài Loan như thế nào?
Mới đây, Intel cho biết công ty sẽ chi 20 tỷ USD để xây dựng 2 nhà máy bán dẫn mới ở bang Arizona (Mỹ). Đây là trọng tâm của chiến lược đầy tham vọng nhằm thay đổi tình trạng các doanh nghiệp trong nước phải phụ thuộc vào chip sản xuất ở nước ngoài. Ngoài ra, Intel cũng đưa ra một dịch vụ mới để sản xuất chip cho các công ty khác.
Chiến lược kéo dài nhiều năm của giám đốc điều hành mới – Pat Gelsinger, thể hiện cam kết của Intel trong việc tự chế tạo phần lớn chip. Quyết định này cũng chấm dứt bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc họ nên rút khỏi lĩnh vực sản xuất chip, sau một thời gian không bắt kịp các đối thủ đến từ châu Á như TSMC và Samsung.
Đồng thời, tập đoàn này cũng cho ra mắt dịch vụ có tên Intel Foundry Services để sản xuất chip cho các công ty khác. Đây là một sự thay đổi lớn đối với công ty có trụ sở tại Santa Clara, California.
Sau thông báo này, cổ phiếu của Intel đã tăng hơn 7% trong phiên giao dịch ngoài giờ. Diễn biến cho thấy nhà đầu tư hào hứng với chiến lược mới đầy hứa hẹn, có thể sẽ hồi sinh hoạt động sản xuất chip ở phương Tây, đồng thời sẽ mang lại cho họ những mối quan hệ đối tác. Trong khi đó, cổ phiếu của TSMC và Samsung lần lượt giảm 3,9% và 1,3% trong phiên giao dịch tại châu Á hôm nay.
Chiến lược mới của Intel được đưa ra trong bối cảnh tình trạng thiếu chip toàn cầu gây ảnh hưởng lớn đến ngành sản xuất ô tô. Ông Gelsinger nói về cuộc khủng hoảng này: "Thách thức quan trọng là khả năng tiếp cận năng lực sản xuất. Intel đang ở vị thế đặc biệt để có thể bắt kịp thời cơ và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng."
Hai nhà máy sản xuất chip mới sắp được xây dựng tại Arizona đánh dấu một bước đi mang tính quyết định, chỉ vài tháng sau khi quỹ phòng hộ của Third Point của nhà đầu tư Daniel Loeb thâu tóm 1 tỷ USD cổ phần trong Intel và đề nghị công ty cân nhắc cắt giảm hoạt động sản xuất.
Dự kiến, 2 nhà máy mới sẽ bắt đầu sản xuất vào năm 2024. Việc xây dựng sẽ được bắt đầu trong năm nay, theo đó tạo ra 3.000 việc làm trong ngành xây dựng. Sau khi xây dựng, Intel tiếp tục tạo ra ít nhất 3.000 việc làm cố định trong ngành công nghệ cao với mức lương hấp dẫn và khoảng 15.000 dài hạn tại địa phương.
Intel gọi kế hoạch mới này là IDM 2.0 – viết tắt của "sản xuất thiết bị tích hợp". Trong đó, công ty sẽ tự thiết kế và sản xuất chip, trong khi hoạt động sản xuất của hầu hết cả ngành này đều bị phân tách.
Ngoài ra, Intel cho biết họ sẽ cởi mở hơn với việc "hợp tác", hoặc tìm cách hợp tác với và thuê ngoài đối với các đối thủ bao gồm TSMC và Samsung. Ông Gelsinger cho biết: "Việc sử dụng chiến lược thuê ngoài sản xuất là một việc Intel vốn không đánh giá cao."
Trong khi đó, dịch vụ mới của Intel sẽ tập trung vào hoạt động sản xuất chip ở Mỹ và châu Âu. Đây là một bước tiến quan trọng đối với việc sản xuất chip sẽ tập trung ở khu vực nào trong thời điểm hiện tại. Intel cho biết công ty có kế hoạch trở thành "nhà cung cấp năng lực sản xuất chính" tại cả Mỹ và châu Âu. Các kế hoạch mới sẽ được công bố trong vòng 1 năm.
Gelsinger đề cập đến việc muốn hợp tác với Qualcomm, cho biết 2 bên nên tận dụng công nghệ để cùng sản xuất. Ông cho biết thêm: "Chúng tôi sẽ nỗ lực tiếp cận những khách hàng như Apple". Trước đó, hồi tháng 6, Apple cho biết sẽ ngừng sử dụng chip Intel cho máy tính Mac.
Tham khảo Financial Times