MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

IPO Tổng Công ty IDICO sẽ nóng vì tỷ lệ thoái vốn cao cùng hàng ngàn hecta Khu công nghiệp?

28-08-2017 - 10:15 AM | Doanh nghiệp

Với chủ trương thoái vốn khỏi IDICO trong năm 2018, cơ hội để trở thành ông chủ đối với các nhà đầu tư chiến lược trong đợt IPO sắp tới của IDICO là rất lớn

Nắm trong tay hàng loạt các công ty con chuyên hoạt động trong các lĩnh vực đầu tư cơ cơ sở hạ tầng như Khu công nghiệp, Điện năng, Giao thông, Thi công xây lắp, Khu đô thị… Tổng công ty IDIDCO thực sự là một ‘bom tấn’ trong đợt IPO dự kiến sẽ được sớm diễn ra trong năm nay sau khi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tPhương án cổ phần hóa.

Cơ hội cho nhà đầu tư chiến lược

Riêng trong lĩnh vực Khu công nghiệp (KCN), IDICO đang quản lý và vận hành 17 dự án khu công nghiệp trên cả nước với diện tích khoảng 7.000ha, tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng.

Tại phía Nam, IDICO chính là chủ đầu tư đang quản lý khai thác các KCN nằm ở vị trí hàng đầu và hoạt động sản xuất sầm uất trong trong vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam như KCN Nhơn Trạch I, quy mô 448,5ha; Nhơn Trạch 5 có quy mô 309,4ha; KCN Mỹ Xuân A quy mô 304ha, Phú Mỹ II có quy mô 602,4ha; KCN Mỹ Xuân B1 quy mô 226ha.

Phía Bắc, IDICO cũng đang quản lý KCN Kim Hoa - Tỉnh Vĩnh Phúc có diện tích 105ha. DICO cũng đang đầu tư KCN Quế Võ 2 thuộc địa bàn Tỉnh Bắc Ninh, Có Tổng diện tích 572,54ha chia làm 2 giai đoạn.

Theo giới phân tích đánh giá, xu hướng dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào mạnh vào Việt Nam sẽ giúp các nhà phát triển khu công nghiệp được hưởng lợi. Chính vì thế, sức hút của các DN kinh doanh hạ tầng KCN là rất lớn đối với các nhà đầu tư.

Hiện tại, nhiều DN cùng ngành đã niêm yết trên sàn chứng khoán như NTC của KCN Nam Tân Uyên, LHG của KCN Long Hậu, SZL của Sonadezi Long Thành, KCN Tín Nghĩa (TIP), hay D2D đều là những DN niêm yết có hoạt động kinh doanh rất ổn định và mức chi trả cổ tức cao. Trong khi đó, nếu xét về quy mô KCN thì IDICO có quy mô vượt trội; chỉ có Kinh Bắc City (KBC) là có thể mang ra để "cân đo".

BCTC 2016 của IDICO cho thấy, dịch vụ khu công nghiệp mới chính là nguồn sống chủ lực của IDICO với biên lãi gộp rất cao. Báo cáo kết quả SXKD 6 tháng đầu năm 2017, IDICO cho biết, Tổng công ty đã thu hút được 10 nhà đầu tư thuê lại đất với diện tích 85ha, đạt 212% so với cùng kỳ năm 2016. Theo đó, kết quả kinh doanh 6 tháng của IDICO có tín hiệu tích cực với tổng doanh thu tạm tính là 2.749 tỷ đồng và thu về 214 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 22% so với cùng kỳ 2016 và hoàn thành 56% kế hoạch năm.

Kế hoạch phát triển cho năm 2017, IDICO sẽ tiếp tục đặt trọng tâm cho các dự án khu công nghiệp với số vốn đầu tư lên đến 1.174 tỷ đồng trong tổng số 2.565 tỷ đồng dự kiến đầu tư.

Sức hấp dẫn ở chỗ, theo phương án cổ phần hóa đã dược duyệt, nhà nước sẽ chỉ còn sở hữu 108 triệu cổ phần tương ứng 36% vốn điều lệ trong tổng số 300 triệu cổ phần dự kiến phát hành.

Trước tiên, IDICO dự kiến sẽ chào bán cho nhà đầu tư chiến lược 135 triệu cổ phần, tương đương 45% vốn điều lệ; hơn 55,3 triệu cổ phần, tương đương 18,44% vốn điều lệ sẽ đưa ra bán đấu giá công khai. Dự kiến đến 31/12/2018, Nhà nước sẽ thoái hết vốn tại IDICO.

Khi đó, nhà đầu tư nào trở thành nhà đầu tư chiến lược của IDICO sắp tới thì khả năng nắm quyền kiểm soát IDICO sau khi nhà nước thoái vốn là rất lớn.

Ban chỉ đạo cổ phần hoá IDICO cũng vừa mới chốt các tiêu chí dành cho các nhà đầu tư tiềm năng muốn trở thành cổ đông chiến lược: Theo đó, nhà đầu tư phải có tổng tài sản tối thiểu 2.500 tỷ và vốn chủ sở tối thiểu 1.500 tỷ đồng vào thời điểm kết thúc niên độ tài chính. Báo cáo tài chính 3 năm gần nhất (2014, 2015, 2016) đảm bảo đủ khả năng tài chính để mua tối thiểu 15% vốn điều lệ của Công ty.

Lợi nhuận tối thiểu bằng 5% doanh thu trong 3 năm gần nhất trước thời điểm đăng ký làm NĐT chiến lược. Tình hình tài chính tại thời điểm nộp hồ sơ không có nợ quá hạn và lỗ lũy kế, không nợ xấu, doanh nghiệp không vi phạm pháp luật.

NĐT phải đặt cọc ngay 20% giá trị cổ phần khi đăng ký mua theo giá khởi điểm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Không là công ty con, công ty liên kết, công ty có vốn góp của IDICO.

Tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của IDICO sau cổ phần hóa trong thời gian ít nhất 10 năm kể từ thời điểm cổ phần hóa. Tiếp tục sử dụng người lao động tối thiểu 5 năm.

Còn nhiều vấn đề về số liệu tài chính

Riêng với IDICO, dù là một ông lớn trong ngành, nhưng cái tên IDICO vẫn còn khá xa lạ đối với các nhà đầu tư. Trước khi IPO, mới đây, kiểm toán Nhà nước đã quyết định dành 60 ngày để kiểm toán báo cáo tài chính liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2016 của Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO).

Mục tiêu của việc kiểm toán là nhằm phát hiện kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí, sai phạm trong công tác quản lý; đồng thời, xác nhận tính đúng đắn, trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính, đánh giá chế độ quản lý tài chính - kế toán, quản lý đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản, quản lý vốn Nhà Nước tại IDICO...

Đáng chú ý trong danh sách này là Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị và khu công nghiệp IDICO (IDICO-URBIZ), Công ty con chủ lực của IDICO nắm 100% vốn. Báo cáo của IDICO ghi nhận mức giá gốc và giá hợp lý đầu tư là 397 tỷ đồng. Hiện IDICO – URBIZ là đang quản lý một loạt các KCN lớn nhất của IDICO hiện nay là Khu công nghiệp Nhơn Trạch I, quy mô 448,5ha - Tỉnh Đồng Nai; Khu công nghiệp Kim Hoa, quy mô 90ha - Tỉnh Vĩnh Phúc; Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 rộng 226ha thuộc Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; Khu nhà ở chuyên gia và công nhân khu công nghiệp Nhơn Trạch, quy mô 20ha - huyện Long Thành - Tình Đồng Nai…

Tuy nhiên, hoạt động dưới hình thức Công ty TNHH MTV, IDICO – URBIZ đến nay vẫn chưa công bố về tình hình kinh doanh, quản lý tài sản. Riêng trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 và năm 2017 cho thấy, trong 2 năm 2015 và 2016, IDICO – URBIZ chỉ nộp về công ty mẹ IDICO số tiền lần lượt là 18 tỷ và 20 tỷ đồng. Nếu so sánh với 1 số DN cùng ngành đã niêm yết trên thị trường hiện nay, như D2D trong 2 năm 2015-2016 lãi bình quân 50 tỷ đồng, chia cổ tức 25% hay như SZL bình quân lãi 50 tỷ/năm thì xem ra, hoạt động của IDICO – URBIZ có vẽ còn kém xa dù diện tích KCN mà Công ty này quản lý lớn hơn rất nhiều.

Trong khi đó, trong phần đưa ra cơ sở của ý kiến kiểm toán ngoại trừ của mình đối với báo cáo tài chính năm 2016 của IDICO, Kiểm toán viên của hãng kiểm toán CPA Việt Nam đã đại ý nhấn mạnh rằng: IDICO ghi nhận trùng Doanh thu nội bộ và ngược lại thiếu ghi nhận các chỉ tiêu tài chính từ các Công ty liên doanh, liên kết. Bên cạnh đó, Kiểm toán viên cũng cho biết là theo các thủ tục kiểm toán không thường, Kiểm toán viên không chắc chắn về con số Chi phí xây dựng cơ bản dở dang mà IDICO ghi nhận trên báo cáo tài chính.

Có thể nói, thành công đối với 1 DNNN tại thời điểm IPO đó chính là bán được cổ phần nhà nước với giá cao. Muốn như vậy cần phải có sự cạnh tranh sòng phẳng giữa các tổ chức muốn tham gia vào cổ đông chiến lược. Trường hợp VISSAN IPO với mức giá cao ngất ngưởng hồi năm ngoái là một ví dụ điển hình tại thị trường Việt Nam.

“Nhưng để làm được việc đó, thông tin của DN cổ phần hóa phải thực sự rõ ràng, minh bạch để các tổ chức đầu tư có thể tiếp cận. Riêng đối với những DN có quy mô lớn, sở hữu phức tạp thì các nhà đầu tư chiến lược cần phả mất rất nhiều thời gian, công sức để tìm hiểu về DN trước khi đưa ra các quyết định đầu tư. Quan trọng nhất đó chính là thái độ của DN trong việc chia sẻ thông tin và thành thực muốn có đối tác chiến lược tham gia hay không?’, một vị chuyên gia tư vấn M&A cho biết.

Huy Nguyên

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên