MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Israel được mệnh danh là "quốc gia khởi nghiệp", nhưng đằng sau đó còn cả một quốc gia "bị lãng quên"

26-05-2017 - 09:25 AM | Tài chính quốc tế

Kandel cho rằng ngành công nghệ cao của Israel giống như một quả khí cầu nổi lên trên các phần còn lại của nền kinh tế và kết nối với mặt đất chỉ bằng một sợi dây rất lỏng lẻo.

Trên sa mạc hoang vu khô cằn, nơi thỉnh thoảng mới có vài chú lạc đà đi qua, những nhân viên của 1 phòng thí nghiệm đang thử nghiệm những thiết bị “thông minh” mà họ mới chế tạo. Đó là nồi nấu chậm đa năng, là camera an ninh hay thiết bị phát hiện khói. Hàng triệu thiết bị như vậy được kết nối với Internet, tạo thành mạng lưới “Internet kết nối vạn vật” đem đến sự tiện lợi cho người sử dụng. Tuy nhiên, hệ thống này cũng có thể dễ dàng bị lợi dụng bởi những tên tội phạm mạng. “Nếu tôi là 1 kẻ tấn công, tôi sẽ không bao giờ ẩn nấp trong máy tính để bàn của bạn mà sẽ tận dụng hệ thống máy báo khói hoặc chuông báo động, bởi chẳng có ai quan tâm đến việc bảo vệ chúng”, Oleg Brodt, giám đốc trung tâm R&D của Cyber@BGU, một trung tâm nghiên cứu an ninh mạng trực thuộc ĐH Ben Gurion ở Beersheva (Israel) nói.

Những nghiên cứu của trung tâm này chỉ ra cách mà các thiết bị đeo được có thể được sử dụng để nghe lén các doanh nghiệp như thế nào. Thậm chí cả những hệ thống máy tính siêu bảo mật, không kết nối với Internet cũng có thể bị hack theo nhiều cách, ví dụ như khai thác sóng radio, dựa vào tín hiệu đèn LED hay thậm chí cả dấu hiệu nhiệt.

"Quốc gia khởi nghiệp" chuyển mình

Chính phủ Israel muốn biến Beersheva, 1 thành phố khá nghèo khó ở miền Nam, thành một trung tâm an ninh mạng hàng đầu thế giới, thu hút các tập đoàn đa quốc gia hợp tác. Quan trọng hơn, đơn vị nổi tiếng Unit 8200 của quân đội Israel và nhiều cơ quan công nghệ khác sẽ chuyển trụ sở về Beersheva trong vài năm tới, cung cấp cho nơi này nguồn nhân lực trẻ bên cạnh những người dày dặn kinh nghiệm.

Israel thu hút khoảng 15% tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực an ninh mạng của toàn thế giới. Đây là một phần của nền kinh tế “quốc gia khởi nghiệp” đang bùng nổ ở Israel, tạo thành hệ sinh thái năng động nhất bên ngoài nước Mỹ. Giờ có rất nhiều chuyến bay thẳng nối San Francisco tới Tel Aviv. Bên cạnh an ninh mạng, Israel nổi tiếng với công nghệ trong nông nghiệp và xử lý nước, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và công nghệ trong ngành tài chính.

Thứ gây hào hứng nhất là xe không người lái. Mới đây, ông lớn của ngành chip, Intel, đã mua công ty chuyên nghiên cứu các hệ thống hỗ trợ tài xế Mobileye với giá 15,3 tỷ USD.

Tất cả những điều kể trên đánh dấu 1 sự thay đổi lớn so với thời kỳ những năm 1980, khi Israel đang bên bờ vực của khủng hoảng tài chính. Để chiến thắng trong chiến tranh Yom Kippur, nước này đã phải đẩy chi tiêu quốc phòng lên tới 30% GDP trong năm 1975. Đến năm 1984, nợ công đã gần chạm mốc 300% và Israel rơi vào trạng thái siêu lạm phát, với tỷ lệ 450%/năm.

Trong thập kỷ vừa qua, nền kinh tế Israel tăng trưởng khoảng 4% mỗi năm. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục 4,3%. Tỷ lệ tham gia vào thị trường lao động cũng tăng lên. Dù không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, Israel có kế hoạch xuất khẩu khí đốt sang châu Âu và đang bán nước cho Jordan (nước này đã phát triển được công nghệ khử muối). Nợ công giờ đã giảm xuống còn 62% GDP, có thặng dư tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại tệ ở mức cao. Từng ở trong tình trạng nền kinh tế bị đôla hóa, giờ đây Israel lại lo ngại trước đà tăng giá của đồng nội tệ shekel – đồng tiền đã tăng giá gần 13% trong 2 năm trở lại đây. NHTW nước này thường can thiệp vào thị trường ngoại tệ để kìm hãm đà tăng giá của đồng shekel.

Kể từ thời kỳ đỉnh điểm của phong trào intifada lần thứ hai (2015), nền kinh tế Israel chưa từng rơi vào suy thoái kỹ thuật (tức có 2 quý liên tiếp chứng kiến GDP sụt giảm). Theo Eugene Kandel, người từng là cố vấn kinh tế cho Chính phủ Israel và là giám đốc của Startup Nation Central (một tổ chức phi chính phủ kết nối các công ty toàn cầu với các startup Israel), nền kinh tế này miễn nhiễm với những cuộc chiến tranh ở dải Gaza và Lebanon.

Có thể nói ở đất nước này tồn tại song song hai nền kinh tế riêng biệt. Israel được mệnh danh là “quốc gia khởi nghiệp” năng động và hòa nhập với thế giới, nhưng chỉ có 10% người lao động Israel làm việc trong “quốc gia” ấy. 90% còn lại vẫn làm việc trong khu vực giống như một “quốc gia” bị bỏ lại ở phía sau, những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả và được bảo hộ trước những cạnh tranh từ bên ngoài. Israel là một trong những nước có tỷ lệ đói nghèo cao nhất trong thế giới phát triển.

Trôi nổi như 1 quả khí cầu Zeppelin

Kandel cho rằng ngành công nghệ cao của Israel giống như một quả khí cầu nổi lên trên các phần còn lại của nền kinh tế và kết nối với mặt đất chỉ bằng một sợi dây rất lỏng lẻo. Điều này gây nên hai rủi ro. Thứ nhất, quả khí cầu ấy có thể bay mất nếu như môi trường chính trị, luật pháp hoặc an ninh bị xói mòn. Thứ hai là nỗi lo chỉ mình quả khí cầu này không thể giúp toàn bộ nền kinh tế cất cánh.

Theo Kandel, giải pháp là các startup của Israel phải trưởng thành hơn, trở thành những công ty tầm cỡ và tự đi trên đôi chân của mình thay vì hướng đến mục tiêu bán được với giá cao cho các ông lớn như Google. Kể cả khi các trung tâm R&D vẫn được đặt ở Israel sau khi startup bị thâu tóm, người lao động Israel hiện chủ yếu là những lập trình viên chất lượng cao, thiếu hụt luật sư hay kế toán.

Dù có tỷ lệ học vấn cao, Israel xếp thứ hạng thấp trong chương trình PISA kiểm tra kỹ năng nghiên cứu khoa học, toán học và kỹ năng đọc dành cho trẻ em 15 tuổi (được nhiều nước áp dụng theo chuẩn OECD).

Bộ trưởng Giáo dục Israel Naftali Bennett đang cố gắng hối thúc học sinh học thêm về toán. Ông cũng muốn cải thiện chất lượng của các trường đào tạo giáo viên, mặc dù các tổ chức công đoàn hoạt động khá mạnh khiến khó có thể áp dụng trả lương theo chất lượng công việc hay sa thải người không đủ chất lượng. Ông Bennett cho rằng bí mật thật sự của nền kinh tế khởi nghiệp Israel không phải là hệ thống giáo dục mà là văn hóa doanh nhân tự lập khắc sâu trong những người trẻ hoạt động trong quân đội và các nhóm thanh niên.

Dan Ben-David, giáo sư đến từ Đại học Tel Aviv, lại nhìn nhận sự việc theo 1 cách khác. Theo ông, mối đe dọa thực sự đối với Israel không phải là nền kinh tế có năng suất thấp, khủng bố hay những mối nguy từ bên ngoài. Israel sẽ không thể duy trì tình trạng như hiện nay sau 30 – 40 năm nữa, sớm hay muộn thì 1 cuộc khủng hoảng cũng sẽ nổ ra.

Ông chia quá trình phát triển kinh tế của Israel thành 2 giai đoạn rõ ràng. Đầu tiên là thời kỳ đuổi bắt tăng trưởng đã dẫn đến cuộc chiến Yom Kippur năm 1973, khi nền kinh tế của Israel có nhiều điểm tương đồng với các nước G7. Tuy nhiên sau đó nó đã rẽ sang 1 hướng khác. Trong những năm trở lại đây, nền kinh tế này tăng trưởng mạnh chủ yếu là nhờ số lao động tăng lên chứ không phải do năng suất tăng. Dân số của Israel đang tăng trưởng rất nhanh, và việc cắt giảm trợ cấp xã hội khiến nhiều người (đặc biệt là phụ nữ) tham gia vào lực lượng lao động.

Theo ông, Israel chưa đầu tư đủ cho giáo dục và cơ sở hạ tầng bởi vì phần lớn nguồn lực được dùng cho các chương trình trợ cấp. Và vấn đề nền kinh tế không đồng đều chắc chắn sẽ xấu đi trong tương lai. Nếu không có sự thay đổi lớn, tỷ lệ tham gia vào lực lượng lao động và năng suất sẽ sụt giảm.

Cắt giảm chi tiêu công, có thể Thủ tướng Binyamin Netanyahu đã đẩy Israel vào trường hợp thiếu dư địa tài khóa để đầu tư vào các hàng hóa công cộng và chống lại đói nghèo.

Israel cũng không được OECD đánh giá cao ở góc độ các biện pháp giới hạn thị trường. Tình trạng độc quyền vẫn còn nặng nề, và trong thập kỷ vừa qua, xếp hạng môi trường kinh doanh (theo World Bank đánh giá) đã tụt từ hạng 26 xuống tận 52. Điều này đồng nghĩa với mức lương thấp và giá cao. Chi phí cuộc sống ở đây cao hơn 20% so với Tây Ban Nha và hơn 30% so với Hàn Quốc. Chứng nhận Kosher khiến thực phẩm đắt đỏ, và nhiều loại thuế, phí cùng rào cản luật pháp khiến giá nông sản bị đội lên. Mỉa mai thay, đất nước được coi là quê hương của taxi và thiết bị định vị lại không cho phép Uber hoạt động vì thái độ phản đối gay gắt của taxi truyền thống. Trong khi đó những nút thắt cổ chai trong hoạt động xây dựng và phân bổ đất đai khiến giá nhà tăng cao, đặc biệt là ở thủ đô Tel Aviv.

Thu Hương

Economist

Trở lên trên