Italy - Cơn bão tiếp theo sắp ập đến châu Âu
Không lâu sau sự kiện Brexit, EU lại phải chứng kiến một cuộc đối đầu nảy lửa khác giữa Brussels và một nước thành viên. Lần này còn là một trong sáu thành viên sáng lập.
- 26-06-2016Các nước châu Âu sẽ làm gì sau cú sốc Brexit?
- 23-06-2016EU: Hợp rồi tan?
- 20-06-2016Lịch sử châu Âu có thể bị đảo lộn nếu Anh rời EU
Những âm hưởng từ Brexit đã lan truyền từ sông Thames đến dòng Tiber. Kể từ cuộc trưng cầu dân ý lịch sử, cổ phiếu của các ngân hàng Italy đã lao dốc không phanh: Monte dei Paschi di Siena – ngân hàng lớn thứ ba (và cũng là ngân hàng lâu đời nhất thế giới) đã mất đi một nửa giá trị.
Điều này thôi thúc Thủ tướng Matteo Renzi phải đưa ra lời đề nghị dùng tiền ngân sách để tái cấp vốn cho những ngân hàng yếu ớt nhất. Tuy nhiên ông gặp phải một rắc rối: nhiều người dân đã dùng tiền tiết kiệm để mua trái phiếu do các ngân hàng phát hành. Theo luật của EU, họ sẽ trắng tay nếu các ngân hàng nhận được cứu trợ. Liệu ông Renzi có thể cùng lúc cứu được cả hai bên (ngân hàng và các trái chủ) và thậm chí là cái ghế Thủ tướng của mình?
Hiện nay, các ngân hàng Italy đang phải gánh trên vai gánh nặng nợ xấu lớn nhất châu Âu: 360 triệu euro (tương đương 400 triệu USD), tức tỷ lệ nợ xấu lên đến 18%. Đây là “sản phẩm” của nhiều năm kinh tế trì trệ và hoạt động cho vay không được kiểm soát tốt. Một vài nước (như Anh và Đức) đã ngay lập tức tung ra muôn vàn biện pháp để giải cứu các ngân hàng sau khủng hoảng 2008. Còn Italy đã không hành động quyết liệt vì vấn đề của nước này được đánh giá là không nghiêm trọng bằng.
Tuy nhiên, qua thời gian, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Italy lại ngày càng phình to và đẩy nước này vào trạng thái tiến thoái lưỡng nan. Nếu ghi giảm nợ hoặc bán số nợ xấu này đi, vốn của các ngân hàng sẽ sụt giảm và cần phải được bù đắp. Luật của châu Âu – đã bị thắt chặt trong 3 năm qua – quy định nguồn vốn bổ sung phải đến từ khu vực tư nhân. Mặc dù một số ngân hàng có thể quay sang thị trường vốn, nhiều ngân hàng khác quá yếu để có thể làm như vậy. Một quỹ đầu tư đã được mở ra để tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém và mua nợ xấu. Tuy nhiên cách này không hoạt động hiệu quả.
Ông Renzi muốn bảo vệ các trái chủ bằng mọi giá. Tuy nhiên khi 4 ngân hàng nhỏ được giải cứu tháng 11 năm ngoái, các nhà đầu tư đã rất phẫn nộ và thậm chí một người đàn ông đã tự sát. Nếu diễn biến này lặp lại, rất có thể Thủ tướng Renzi sẽ thua cuộc trong cuộc trưng cầu dân ý về cải cách hiến pháp sẽ diễn ra vào tháng 10 tới. Giống như Thủ tướng Anh David Cameron, sinh mạng chính trị của Renzi cũng được đặt vào cuộc trưng cầu này. Còn đối với Ủy ban châu Âu EC – cơ quan quản lý và đưa ra cơ chế cứu trợ - đó cũng là một canh bạc. Đây là bài kiểm tra đầu tiên về sự cứng rắn của luật lệ. Nếu nhún nhường để làm vừa lòng ông Renzi, độ tín nhiệm của EC sẽ sụt giảm rất mạnh.
Các quan chức Italy cũng như EC đang nỗ lực hết sức để tìm ra cách giải quyết ổn thỏa, sao cho các ngân hàng Italy vẫn nhận được cứu trợ mà không phạm luật hoặc gây thiệt hại cho các trái chủ. Kết quả của cuộc kiểm tra khả năng ứng phó với khủng hoảng của các ngân hàng châu Âu (được công bố vào ngày 29/7 tới) có thể sẽ cho thấy nhiều điểm yếu ở Monte dei Paschi và các ngân hàng khác và như vậy sẽ càng “đổ thêm dầu vào lửa”.
Không lâu sau sự kiện Brexit, EU lại phải chứng kiến một cuộc đối đầu nảy lửa khác giữa Brussels và một nước thành viên. Lần này còn là một trong sáu thành viên sáng lập.