KCN nào nắm giữ lợi thế về cảng biển sẽ có lợi thế hút dòng vốn FDI thế hệ mới
Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, ngành vận tải đặc biệt là hàng không bị gián đoạn, vận tải biển lên ngôi. Cùng với đó, những diễn biến mới từ những hiệp định thương mại tự do đang tạo ra những cơ hội mới cho thị trường BĐS công nghiệp của Việt Nam.
"Ẩn số" Trung Quốc
Mới đây, Trung Quốc chính thức đệ đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP, đây sẽ là hiệp định thương mại tự do vượt qua RCEP để trở thành hiệp định thương mại có giá trị lớn nhất thế giới với tổng GDP của các nền kinh tế chiếm 30% GDP toàn cầu so với mức ước tính khoảng 13% hiện nay...
Trước đó, hồi tháng 11/2020, Trung Quốc cũng đã tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN ký hiệp định thương mại tự do là Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Trung Quốc.
CPTPP hiện gồm 11 thành viên là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, đứng thứ ba về quy mô trong số các hiệp định thương mại tự do trên thế giới, sau RCEP - trị giá 26.000 tỷ USD và Hiệp định Thương mại tự do Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) - trị giá 21.000 tỷ USD.
Quá trình xem xét kết nạp thêm thành viên mới được giới chuyên gia đánh giá sẽ trở thành một chủ đề gây tranh cãi giữa các nước thành viên, cùng với đó là nguy cơ chuyển dịch cán cân thương mại, kinh tế và chính trị trong khu vực.
Gạt sang bên lề những mục tiêu chính trị, kinh tế… thì những động thái này ngày càng củng cố cho xu hướng dịch chuyển dòng vốn theo hướng "Trung Quốc + 1".
Trước đó, kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bùng nổ hồi năm 2018, Mỹ và một số nước phương Tây phát triển đã nỗ lực thúc đẩy quá trình dịch chuyển một phần chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Điều này là nhằm tránh tình trạng bỏ trứng vào cùng 1 giỏ, giảm thiểu rủi ro từ những bất động về chính trị, thương mại giữa các cường quốc.
Theo đó, các công ty vẫn duy trì hoạt động sản xuất ở Trung Quốc đồng thời dịch chuyển sang một nước khác. Lúc này khối ASEAN được đặc biệt quan tâm vì có lợi thế gần với thị trường Trung Quốc.
Lợi thế về cảng biển
Với những diễn biến trên, có thể hiểu vì sao khu vực ASEAN lại đón được dòng vốn FDI lớn trong những năm gần đây, trong đó có Việt Nam. Việt Nam có vị trí giáp ranh cả trên bộ và trên biển với Trung Quốc, cùng hệ thống cảng biển quốc tế, hạ tầng Khu công nghiệp phát triển và chính sách ổn định, hơn nữa lại còn là thành viên của của CPTPP và RCEP nên được đánh giá là điểm đến hấp dẫn nhất trong khối ASEAN.
Dù Trung Quốc có được đồng ý để tham gia CPTPP, hay Mỹ có muốn quay lại với CPTPP dưới sức ép cán cân thương mại do Trung Quốc tạo nên hay không thì ASEAN sẽ tiếp tục là tâm điểm trong thời gian tới của các dòng FDI, và Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội này để đón những dòng vốn FDI thế hệ mới, chất lượng cao và thân thiện với môi trường.
Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới, hàng không, vận tải đường bộ gặp nhiều khó khăn, thì vận tải đường biển đang là kênh vận chuyển tối ưu nhất. Những nước trong khối ASEAN có ưu thế về cảng biển sẽ có nhiều lợi thế hơn trong thu hút đầu tư. Và 1 trong 2 cảng biển loại 1A (cảng cửa ngõ quốc tế) đang nằm ở Hải Phòng.
KCN Nam Đình Vũ – Cảng Nam Đình Vũ
Điều này đã phần nào lý giải cho việc dòng vốn FDI vào Việt Nam nói chung và vào Hải Phòng nói riêng trong 9 tháng của năm 2021, dù chịu tác động của đợt bùng phát dịch lần thứ tư vẫn có sự tăng trưởng.
Khu công nghiệp (KCN) Nam Đình Vũ của Tập đoàn Sao Đỏ đang sở hữu lợi thế lớn này. Ông Nguyễn Thành Phương – Tổng giám đốc Tập đoàn cho biết: từ đầu năm 2021 đến nay, KCN liên tục thu hút các dự án mới, và Tập đoàn cũng phải đẩy nhanh tiến độ san lấp quỹ đất trống để đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư.
Với lợi thế có cảng biển nằm trong nội khu, phân khu Cảng biển và Logistics có quy mô gần 200ha là một trong những khu vực hội tụ nhiều tiềm năng nhất KCN, với quy mô 7 bến cảng container, tổng mức đầu tư 6000 tỷ đồng. Hiện nay toàn bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật giai đoạn I của cảng Nam Đình Vũ đã hoàn thiện, với 2 bến cập tàu đã được đưa vào khai thác, công suất khoảng từ 800.000 đến 1 triệu TEUs/năm. Hai bến tiếp theo của giai đoạn II đang trong quá trình đầu tư, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác giữa năm 2022.
Ngoài ra, Tập đoàn cũng đã đầu tư 1 kho ngoại quan quy mô 13ha và hiện đang đưa vào khai thác khá hiệu quả, từng bước góp phần hoàn thiện cơ sở vật chất và dịch vụ cho khu vực này. Tới đây, Tập đoàn Sao Đỏ sẽ đầu tư xây dựng cầu cảng hàng lỏng, cung cấp các dịch vụ xăng dầu, gas, khí tự nhiên cho các khách hàng công nghiệp.
Bên cạnh việc phát triển lợi thế cảng biển trong KCN, chúng tôi còn sử dụng công nghệ thực tế ảo để giúp nhà đầu tư FDI có thể thăm quan Khu công nghiệp Nam Đình Vũ từ xa; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng để tạo một quỹ đất đủ lớn cho những doanh nghiệp có "size" lớn và mở rộng các khu nhà xưởng xây sẵn…
Tất cả những yếu tố này sẽ giúp KCN Nam Đình Vũ gia tăng dịch vụ, hiệu quả kinh doanh cho nhà đầu tư.