MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Kẻ cướp thị phần” Grab: Vượt mặt Foodpanda và ShopeeFood thống trị thị trường Food Delivery toàn Đông Nam Á, Shopee và AirAsia phải tập trung vào mảng cốt lõi

17-01-2023 - 13:58 PM | Doanh nghiệp

Sau 1 năm đầu tư bùng nổ vào mảng Food, Shopee đã thu hẹp quy mô để tập trung mang lại lợi nhuận cho mảng kinh doanh cốt lõi là thương mại điện tử, nhường một phần sân chơi Food Delivery cho Grab. Liên tục được Foodpanda và ShopeeFood “nhường sân”, Grab hiện là thương hiệu thống lĩnh thị trường giao đồ ăn tại 6 nước Việt Nam, Singapore, Philippines, Malaysia, Indonesia và Thái Lan, chiếm 54% tổng GMV toàn khu vực.

Grab chiếm 54% GMV (tổng giá trị giao dịch) dịch vụ giao đồ ăn (Food Delivery) trong khu vực, kế đến là Foodpanda với 19% và Gojek với 12%, theo báo cáo “Nền tảng giao đồ ăn ở Đông Nam Á” do Momentum Works - đơn vị cung cấp thông tin chuyên sâu về 6 thị trường giao đồ ăn trọng điểm trong khu vực - thực hiện.

Grab đã "cướp" ngôi vương mảng Food Delivery tại Malaysia và Việt Nam từ tay Foodpanda và ShopeeFood. ShopeeFood đang giảm dần các ưu đãi, còn Foodpanda/DeliveryHero được đồn đoán là đang trong quá trình rút khỏi một vài thị trường trong khu vực.

 “Kẻ cướp thị phần” Grab: Vượt mặt Foodpanda và ShopeeFood thống trị thị trường Food Delivery toàn Đông Nam Á, Shopee và AirAsia phải tập trung vào mảng cốt lõi  - Ảnh 1.

Việc sáp nhập và rút khỏi ngành có thể sắp xảy ra khi các công ty giao đồ ăn cắt giảm chi phí và hướng tới lợi nhuận, báo cáo này cho biết.

"Tình hình cạnh tranh đã trở nên im ắng hơn rất nhiều vào năm 2022 so với năm 2021. Những công ty mới tham gia như Shopee và AirAsia đã quay trở lại tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi của họ, trong khi những công ty hiện tại áp dụng chiến lược mở rộng thận trọng hơn nhiều", ông Jianggan Li, Giám đốc điều hành và cũng là người sáng lập Momentum Works chia sẻ.

“Với việc tăng trưởng lợi nhuận là trọng tâm hàng đầu hiện nay, những nhà cung cấp dịch vụ giao đồ ăn đang thử nghiệm nhiều chiến lược khác nhau để cải thiện tỷ suất lợi nhuận giao hàng, củng cố niềm tin của người tiêu dùng thông qua quảng cáo, chương trình đăng ký hội viên... Chúng tôi tin rằng lợi nhuận có thể đạt được nhờ vào doanh số, mức độ bao phủ rộng hơn và hiệu quả vận hành cao hơn”.

 “Kẻ cướp thị phần” Grab: Vượt mặt Foodpanda và ShopeeFood thống trị thị trường Food Delivery toàn Đông Nam Á, Shopee và AirAsia phải tập trung vào mảng cốt lõi  - Ảnh 2.

Grab chiếm 54% GMV thị trường Food Delivery toàn khu vực, các đối thủ chia nhau miếng bánh thị trường còn lại.

Theo báo cáo, tổng chi tiêu cho dịch vụ giao đồ ăn trong năm 2022 tại các nước Đông Nam Á lên đến 16,3 tỷ USD, tăng 5% sau 2 năm bùng nổ giao hàng do Covid-19. Lần đầu tiên sau 3 năm, sự tăng trưởng chủ yếu được thúc đẩy bởi các thị trường giao đồ ăn nhỏ nhất trong khu vực bao gồm Philippines (+0,8 tỷ USD), Malaysia (+0,6 tỷ USD) và Việt Nam (+0,3 tỷ USD).

Khi Covid-19 trở thành dịch bệnh đặc hữu và các nền kinh tế mở cửa trở lại, các thị trường lớn hơn như Singapore (-0,4 tỷ USD), Thái Lan (-0,4 tỷ USD) và Indonesia (-0,1 tỷ USD) đã ghi nhận sự sụt giảm GMV.

Cùng với áp lực về lợi nhuận ngày càng tăng, những nhà cung cấp dịch vụ giao đồ ăn hiện tại và mới đang tiếp tục cắt giảm các chương trình hỗ trợ đối với dịch vụ giao đồ ăn, đồng thời đẩy mạnh sức cạnh tranh dựa trên chất lượng dịch vụ.

Tính đến cuối năm 2022, Grab ước tính đạt đến con số là 8,8 tỷ USD, chiếm 54% tổng GMV trong dịch vụ giao đồ ăn trong khu vực, tăng 16% so với năm trước. Foodpanda ước tính đóng góp 3,1 tỷ USD, chiếm 19% GMV của khu vực, giảm 9% so với năm 2021.

Gojek và ShopeeFood ước tính vẫn duy trì GMV của dịch vụ giao đồ ăn ở mức tương ứng lần lượt là 2,0 tỷ USD và 0,9 tỷ USD trong năm 2021.

Theo Bình An

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên