MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kế hoạch lớn cho hạ tầng giao thông

28-09-2021 - 10:31 AM | Bất động sản

Dù không thể khởi công theo như dự kiến do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng TP HCM đã đưa ra những giải pháp để cố gắng về đích theo kế hoạch.

Theo ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, thời gian qua, do TP thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, nhiều địa phương không thể tổ chức tiếp xúc, đối thoại với các hộ dân có đất bị thu hồi dẫn đến nhiều dự án giao thông trọng điểm chậm tiến độ hoặc phải tạm dừng chờ mặt bằng.

Ðẩy nhanh tối đa giải phóng mặt bằng

Trong số các dự án giao thông trọng điểm không thể khởi công theo kế hoạch năm 2021 vì chưa có mặt bằng, đáng kể nhất là chùm dự án giảm ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình). Cụ thể là dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa và dự án cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long. Cả 2 dự án đều được UBND TP chấp thuận chủ trương cho UBND quận Tân Bình tiến hành các công tác thu hồi, bồi thường theo giá đất trước đây đã được phê duyệt; đồng thời dự kiến hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) và khởi công dự án trong quý IV/2021 nhưng không thể thực hiện theo tiến độ. Tương tự, dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ Vành đai 2 đến đường vào Khu Công nghiệp Phú Hữu, TP Thủ Ðức) cũng chưa thể khởi công trong năm nay vì chủ đầu tư dự án đang làm thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư do tăng chi phí BTGPMB.

Không chỉ các dự án chuẩn bị khởi công lỗi hẹn, nhiều dự án đang thi công cũng chững lại vì chờ mặt bằng. Trong đó, đáng nói nhất là dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy, chùm dự án cầu Tăng Long, Nam Lý, nâng cấp đường Ðỗ Xuân Hợp, Lương Ðịnh Của (TP Thủ Ðức), cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè)…

Theo ông Phan Công Bằng, đối với các dự án chậm tiến độ khởi công, Sở GTVT đã đề nghị UBND các quận, huyện liên quan và TP Thủ Ðức chỉ đạo đơn vị trực thuộc đẩy nhanh tiến độ BTGPMB, hỗ trợ tái định cư, bàn giao mặt bằng trống cho chủ đầu tư sớm nhất có thể. Riêng đối với các dự án phải tạm dừng thi công, Sở GTVT cũng như chủ đầu tư các dự án đã liên tục đôn đốc, đề xuất các địa phương thúc đẩy tiến độ BTGPMB để khi dịch bệnh được kiểm soát, mặt bằng được bàn giao, chủ đầu tư sẽ tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ thi công, cố gắng đưa dự án về đích theo kế hoạch đã đề ra.

"Ðể duy trì hiệu quả công tác BTGPMB trong thời gian giãn cách, Sở GTVT đã đề nghị các chủ đầu tư chủ động nghiên cứu, triển khai các giải pháp như họp định kỳ với địa phương để nắm bắt tiến độ, kịp thời báo cáo lãnh đạo quận, huyện giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác BTGPMB. Ðến nay, đã có dự án có thể tiến hành thi công ngay khi hết giãn cách" - Phó Giám đốc Sở GTVT thông tin.

Ngoài các dự án trên, theo Sở GTVT TP, trong năm 2022, sẽ có thêm 3 dự án giao thông trọng điểm được dự kiến khởi công. Ðây là 3 dự án đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi gồm dự án xây dựng nút giao An Phú (TP Thủ Ðức) - đây là dự án được HÐND TP ban hành nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư và được UBND TP giao vốn kế hoạch năm 2021. Hiện chủ đầu tư là Ban Quản lý Ðầu tư Xây dựng các công trình giao thông TP đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi bao gồm thi tuyển kiến trúc công trình và lập đánh giá tác động môi trường. Kế đến là dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) đã được HÐND ban hành nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư, chủ đầu tư là Ban Quản lý Ðầu tư Xây dựng các công trình giao thông TP đang chờ UBND TP ghi vốn kế hoạch để lập hồ sơ dự án. Cuối cùng là dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, với dự án này, Sở GTVT đã có văn bản gửi các sở, ngành liên quan có ý kiến, thẩm định dự án.

Kế hoạch lớn cho hạ tầng giao thông - Ảnh 1.

TP HCM đã có những kế hoạch cụ thể để hoàn thiện hạ tầng giao thông. Ảnh: HOÀNG TRIỀU


Kêu gọi đầu tư cho 9 nhóm dự án

Ðể hoàn thiện mạng lưới giao thông, Sở GTVT TP cũng vừa có văn bản gửi UBND TP về xây dựng các chính sách, kế hoạch huy động nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách thuộc lĩnh vực giao thông trên địa bàn giai đoạn 2021-2030.

Theo Sở GTVT, từ nay đến năm 2025, sở sẽ xây dựng danh mục và đề xuất kêu gọi đầu tư cho 9 nhóm dự án, với tổng số vốn 675.000 tỉ đồng. Năm năm tới, TP cần tập trung thực hiện dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài, Vành đai 3. Kế đến là các tuyến quốc lộ, đường kết nối khu vực lân cận gồm: Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (từ nút giao Tân Kiên đến ranh Long An), đường mở mới phía Tây Bắc, đường trục động lực (song song Quốc lộ 50), đường song hành Phan Văn Hớn, mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa và xây cầu Lớn, đường Võ Văn Kiệt nối dài... cùng các đường trên cao số 1 (nút giao Lăng Cha Cả - đường Ngô Tất Tố), số 5 (nút giao Trạm 2 - An Sương); tuyến trên cao Bắc - Nam từ đoạn đường Cộng Hòa đến Nguyễn Văn Linh cũng được đề xuất đầu tư. Sở GTVT cũng đề xuất UBND TP cần ưu tiên xây dựng 4 dự án xây cầu lớn gồm cầu Cần Giờ, Thủ Thiêm 4, Bình Quới, Bình Qưới - Rạch Chiếc.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2021-2030, TP còn cần tập trung đầu tư các tuyến metro số 2, số 3a, 3b, số 4, số 4b, số 5, số 6, tuyến xe điện mặt đất số 1, tàu điện một ray số 2, số 3; các dự án xây dựng cảng đường thủy, công trình bến bãi giao thông và dự án thu phí ôtô vào khu trung tâm, thuộc nhóm công trình chương trình đô thị thông minh tại TP.

Theo tính toán của Sở GTVT TP, trong tổng nhu cầu vốn để đầu tư các nhóm dự án trên cần hơn 70.000 tỉ đồng từ ngân sách để thực hiện BTGPMB, còn lại hơn 605.000 tỉ đồng sẽ kêu gọi nhà đầu tư tham gia bằng các hình thức xã hội hóa, vốn ODA. Trong khi đó hồi tháng 7, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bằng ngân sách TP HCM được Quốc hội thông qua với mức vốn 142.557 tỉ đồng. "Mức này chỉ đủ cho các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020. Do dịch Covid-19 ở TP diễn biến phức tạp và ngân sách đang ưu tiên cho phòng chống dịch nên việc bố trí kinh phí cho các dự án lớn càng gặp trở ngại" - Sở GTVT TP phân tích.

Ðể đẩy nhanh thực hiện, Sở GTVT kiến nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách, kế hoạch huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư. Ðồng thời, TP nghiên cứu phát triển quỹ đất, đô thị dọc bên các tuyến đường mới để tạo nguồn lực tái đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Trước mắt, các dự án cần được bố trí vốn làm các công tác chuẩn bị đầu tư như lập, đề xuất dự án; báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cùng các đầu việc khác liên quan...

Khởi động 63 công trình nâng cấp, bảo trì

Sở GTVT TP HCM cho biết trong tháng 10, ngoài thi công trở lại 37 công trình bị ngưng do dịch, các đơn vị thuộc sở này còn được khởi công 26 công trình nâng cấp, duy tu hạ tầng giao thông.

Theo đó, nhóm 22 công trình do Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ làm chủ đầu tư sẽ có 17 công trình triển khai trở lại và 5 công trình khởi công mới. Ðây phần lớn là các công trình sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống cầu, đường ở các quận 12, 8, Gò Vấp, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh... cần thực hiện thường xuyên.

Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị cũng được khôi phục hoạt động xây dựng và khởi công mới 11 công trình. Trong đó, đơn vị này sẽ tiếp tục triển khai dự án đường song hành Võ Văn Kiệt (quận 1); duy tu, bảo trì hầm vượt sông Sài Gòn; bảo dưỡng hệ thống đèn tín hiệu, camera giao thông; hệ thống cân tải trọng xe tự động...

Ðường thủy gồm 26 công trình, trong đó 19 công trình dự kiến khởi công mới trong tháng 10 năm nay. Những công trình này do Trung tâm Quản lý đường thủy và Cảng vụ Đường thủy nội địa làm chủ đầu tư, phục vụ duy tu, nạo vét các tuyến kênh rạch, kè... trên địa bàn.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cũng khôi phục lại 4 công trình duy tu, nâng cấp hạ tầng phục vụ hoạt động của xe buýt tại TP.

Trước đó từ ngày 17-8, TP dừng toàn bộ các công trình xây dựng chưa thực sự cấp bách, chỉ duy trì một số dự án lớn như metro số 1, cầu Thủ Thiêm 2...

Theo Nhóm PV

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên