MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kéo dài cho vay ngoại tệ: Ai được lợi nhiều nhất?

18-11-2016 - 09:55 AM | Tài chính - ngân hàng

Với lãi suất đầu vào là 0%, trong khi lãi suất cho vay đầu ra 3-6%, thì với chênh lệch biên độ lãi suất lớn như vậy sẽ giúp các ngân hàng tiếp tục duy trì mức sinh lãi hấp dẫn ở hoạt động cho vay USD.

NHNN vừa ban hành thông tư số 31/2016/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN ngày 8/12/2015, theo đó tiếp tục gia hạn cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu được vay ngoại tệ đến hết năm 2017. Đây không phải là lần đầu tiên NHNN quyết định gia hạn chính sách này, khi trước đó vào các năm 2013, 2014, 2015 và 2016 đều có gia hạn. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ được lợi nhiều nhất từ chính sách này và sẽ có thể tác động lên thị trường ngoại hối như thế nào?

Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu đúng lúc

Đây được xem là chính sách tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu của NHNN, trong bối cảnh hoạt động sản xuất của nhóm này vẫn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng hạn hán, thiên tai và ô nhiễm tại biển Miền Trung trong năm nay đã tác động tiêu cực lên hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu. Khi nguồn cung trong nước sụt giảm dẫn đến chi phí nguyên vật liệu tăng lên đầu vào tăng lên, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, so với các nước trong khu vực, mặt bằng lãi suất cho vay của Việt Nam vẫn ở nhóm cao. Cụ thể, theo thống kê cho thấy lãi suất cho vay của Thái Lan bình quân 7,1%, Singapore là 5,35%, Malaysia là 4,52%, Indonesia là 5,25%, Trung Quốc là 4,35%. Trong khi đó, với những nước phát triển thì lãi suất cho vay còn thấp hơn nhiều, cụ thể tại Mỹ là 3,5%, Hàn Quốc là 3,23% và Nhật Bản chỉ có 0,95%.

Trong khi đó, với việc các đồng tiền khác đã mất giá mạnh so với USD từ năm 2015 trở lại đây, trong khi VNĐ khá ổn định thì hệ quả là VNĐ đã tăng giá so với các đồng tiền khác trong khu vực, từ đó giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Theo thống kê cho thấy trong giai đoạn 2011-2015, tỷ giá thực (REER) của VNĐ/USD đã tăng đến 23,4%, nối tiếp mức tăng hơn 20% giai đoạn từ 2004 đến 2010.

Do đó, nếu như không được tiếp tục tiếp cận với nguồn vốn ngoại tệ có chi phí thấp hơn so với VNĐ, thì các doanh nghiệp có thể phải tăng chi phí tài chính, từ đó phải tăng giá bán sẽ càng tác động tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu của quốc gia. Và trong bối cảnh nhiều nước đang nghiêng dần sang chủ nghĩa bảo hộ thương mại thì các doanh nghiệp xuất khẩu càng gặp thêm khó khăn.

Ngân hàng cũng được lợi

Mặc dù trần lãi suất huy động USD đã giảm về 0% từ cuối năm 2015, lượng tiền gửi USD có sụt giảm tại các ngân hàng trong năm nay, tuy nhiên vẫn có một bộ phận người dân vẫn tiếp tục nắm giữ USD và để tại ngân hàng. Điều này có thể xuất phát từ nhu cầu đa dạng hóa danh mục tài sản đầu tư. Do đó, số dư tiền gửi USD tại các ngân hàng vẫn còn khá lớn.

Ngoài ra, với thị trường ngoại hối đang nổi sóng trở lại trong những ngày vừa qua, trước diễn biến đồng USD tăng mạnh trên thị trường quốc tế sau bầu cử tổng thống Mỹ, cũng như kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 12 tới lên cao hơn, thì không loại trừ nhu cầu đầu tư đồng USD sẽ tăng cao hơn, khi đó lượng tiền gửi USD vào các ngân hàng cũng sẽ tăng lên.

Nếu như nguồn vốn ngoại tệ của các ngân hàng vẫn ở mức cao và tăng lên trở lại, trong khi đầu ra bị hạn chế thì sẽ phần nào làm giảm hiệu suất sinh lời của ngân hàng. Trong trường hợp hoạt động cho vay ngoại tệ bị hạn chế, các ngân hàng vẫn có thể tìm cách bán bớt ngoại tệ chuyển sang VNĐ để cho vay, tuy nhiên các ngân hàng cũng không thế chuyển đổi quá nhiều do bị quy định bởi trạng thái ngoại hối không thể vượt quá 20% vốn tự có.

Vì vậy, với việc NHNN tiếp tục mở cánh cửa cho vay ngoại tệ đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp xuất khẩu, các NHTM sẽ có thể tiếp tục giải phóng được lượng vốn ngoại tệ đang tồn khá lớn. Với lãi suất đầu vào là 0%, trong khi lãi suất cho vay đầu ra 3-6%, thì với chênh lệch biên độ lãi suất lớn như vậy sẽ giúp các ngân hàng tiếp tục duy trì mức sinh lãi hấp dẫn ở hoạt động cho vay USD, từ đó phần nào hỗ trợ khả năng sinh lời của các ngân hàng trong bối cảnh phải tiếp tục trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu.

Và giảm áp lực lên thị trường ngoại hối

Trong bối cảnh thị trường ngoại hối đang có nhiều áp lực, việc gia hạn cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu đến hết năm 2017 được kỳ vọng sẽ giảm bớt cầu ngoại tệ trên thị trường hiện nay. Vì với tăng trưởng tín dụng ngoại tệ mạnh mẽ từ tháng 6 đến nay, trong khi nếu theo quy định của thông tư 07 thì việc vay ngoại tệ sẽ kết thúc vào 31/12/106, thì nhu cầu ngoại tệ để trả nợ cho các tháng cuối năm là sẽ rất lớn. Được biết dư nợ tín dụng ngoại tệ đến tháng 9 đã tăng trưởng dương trở lại 5,44% so với đầu năm nay.

Nhìn vào những năm trước đây, áp lực tỷ giá lên cao là do nhu cầu ngoại tệ cuối năm thường tăng mạnh, một phần đến từ các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, thì phần khác đến từ chính các doanh nghiệp xuất khẩu vay vốn ngoại tệ đầu năm để trang trải chi phí sản xuất và cuối năm đến hạn trả nợ, do các khoản vay ngoại tệ thường chỉ ngắn hạn từ 3 – 6 tháng. Và trong những thời điểm như thế, NHNN buộc phải điều chỉnh tỷ giá dù diễn biến trên thị trường thế giới không lúc đó có quá nhiều sức tác động lên thị trường ngoại hối Việt Nam như hiện nay.

Nếu như nguồn vốn ngoại tệ của các ngân hàng vẫn ở mức cao và tăng lên trở lại, trong khi đầu ra bị hạn chế thì sẽ phần nào làm giảm hiệu suất sinh lời của ngân hàng. Trong trường hợp hoạt động cho vay ngoại tệ bị hạn chế, các ngân hàng vẫn có thể tìm cách bán bớt ngoại tệ chuyển sang VNĐ để cho vay, tuy nhiên các ngân hàng cũng không thế chuyển đổi quá nhiều do bị quy định bởi trạng thái ngoại hối không thể vượt quá 20% vốn tự có.

Khánh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên