Kết nối thông minh: Giải pháp tạo sức bật cho nền kinh tế Việt Nam
Thuộc về nhóm các nước đang phát triển, để giải các bài toán về phát triển nền kinh tế, Việt Nam thực sự cần đến những giải pháp công nghệ thời 4.0. Mà Viettel hiện đang là một trong những doanh nghiệp đi đâu về nghiên cứu vấn đề này…
Chuẩn bị làm hồ sơ chuyển trường cho con, chị Minh Thu (Đà Nẵng) tá hỏa khi các giấy tờ liên quan như học bạ cũ, bằng tốt nghiệp trung học… bị thất lạc. Không thể tìm lại được các giấy tờ gốc quan trọng đó, chị chỉ còn cách “cầu cứu” trường học, phòng giáo dục. Thật may, tất cả dữ liệu về quá trình học tập của con chị đã được lưu vào ngân hàng thông tin số. Chỉ cần một bản in kèm xác nhận, chị đã có thể yên tâm làm thủ tục chuyển trường cho con mình.
Đó chỉ là một trong những ví dụ rất nhỏ về giá trị mà công nghệ mang lại trong thời kì 4.0. Giải pháp Giáo dục thông minh được Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel xây dựng tại Đà Nẵng giúp quản lý được hồ sơ học tập, quá trình học, thành tích… của từng học sinh, giản lược tối đa thời gian khi tra cứu và tiết kiệm rất nhiều chi phí lưu trữ. Nhiều lĩnh vực khác như quản lý công, y tế, quản lý đô thị… cũng đang được Viettel nghiên cứu, phát triển để tìm ra các giải pháp công nghệ, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Kết nối thông minh là chìa khóa vàng tạo sức bật kinh tế cho Việt Nam
Là nước thuộc nhóm nước đang phát triển, dù đang trong thời kì phát triển với những con số ấn tượng, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến phát triển bền vững như bộ máy quản lý cồng kềnh, lãng phí tài nguyên, hạ tầng thông tin chưa hoàn thiện, các chính sách y tế, giáo dục, phát triển kinh tế còn vấp phải rào cản khi triển khai đồng bộ. Ngoài ra, tính minh bạch cũng là vấn đề mà nền kinh tế Việt Nam đang gặp phải.
Từ thực tế đó, việc Viettel phát triển các giải pháp công nghệ thời 4.0 với sức mạnh từ AI (Trí tuệ nhân tạo), IoT (Internet kết nối vạn vật)… đã giúp ích rất nhiều cho vấn đề phát triển nền kinh tế.
Dự án Thành phố Thông minh mà Viettel đang thử nghiệm tại các thành thị lớn và thành thị bậc trung tại Việt Nam chính là minh chứng. Đơn cử như ở Đà Nẵng, Viettel tham gia xây dựng mô hình kiến trúc tổng thể và 2 mô hình kiến trúc chuyên ngành cho y tế và giáo dục; đồng thời cũng triển khai thí điểm y tế thông minh và giáo dục thông minh. Tại Phú Thọ và Thừa Thiên - Huế, Viettel đã bắt đầu triển khai Trung tâm Điều hành thông minh, đem lại những hiệu quả nhất định. Đây là tiền đề để phát triển Chính phủ số - Một dự án lớn giúp bộ máy quản lý bớt cồng kềnh, tiết kiệm thời gian, chi phí vận hành, kết nối được các bộ ban ngành liên quan nhằm giải quyết bài toán cụ thể của từng đô thị.
9 nhóm sản phẩm mà Viettel lựa chọn đóng góp vào bức tranh tổng thể Smart City bao gồm: Nhóm sản phẩm Khung kiến trúc; Nhóm sản phẩm hạ tầng; Nhóm sản phẩm tương tác; Nhóm sản phẩm lĩnh vực Y tế thông minh; Nhóm sản phẩm Giáo dục thông minh; Nhóm sản phẩm Giao thông thông minh; Nhóm sản phẩm An toàn, bảo mật thông tin; Nhóm sản phẩm Quản lý thông tin báo chí và truyền thông; Nhóm sản phẩm Trung tâm Giám sát điều hành.
Bên cạnh đó, các nhóm giải pháp liên quan đến y tế, giáo dục, hàng hải… cũng được Viettel hết sức coi trọng. Đó là tiền đề để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, nâng cao đời sống xã hội.
MWC 2019 - Cơ hội để Viettel giới thiệu các giải pháp công nghệ hàng đầu với thế giới
Chủ đề của MWC 2019 (Hội nghị di động thế giới 2019) là Kết nối thông minh. Trong đó, thông điệp của tập đoàn Viettel là Kết nối thông minh để giải quyết vấn đề của các quốc gia đang phát triển.
Năm nay, Viettel mang tới Hội nghị MWC 2019 4 nhóm giải pháp kết nối thông minh: Nhóm giải pháp nhà mạng thông minh với Hệ thống tính cước thời gian thực vOCS 4.0, Hệ thống mạng lõi chuyển mạch gói Evoled Packet Core, Hệ thống quản lý chiến dịch Campaign Management System, Viettel Geolocation; Nhóm giải pháp thành phố thông minh với Trung tâm điều hành thành phố thông minh, Bãi đỗ xe thông minh Smart Car Parking; Nhóm giải pháp an ninh mạng - Viettel SOC; Nhóm sản phẩm thiết bị thông minh trong hàng hải với Thiết bị giám sát hành trình tàu thuyền S-Tracking, Thiết bị nhận dạng tàu tự động AIS, Máy thông tin liên lạc HF, Thiết bị báo hiệu cứu nạn cá nhân (VPLB).
Ông Phùng Văn Cường, Tổng Giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel khẳng định: "Trước đây, Viettel đến với MWC theo đúng định hướng là viễn thông di động. Những năm gần đây, Viettel đã chuyển mình thành công ty công nghệ, và là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu của Việt Nam trong việc đưa công nghệ 4.0 vào đời sống hàng ngày. Chính vì vậy, Viettel cũng định hình mình không chỉ là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực di động mà hướng tới MWC ở Tây Ban Nha như một công ty công nghệ, áp dụng những giải pháp tối tân nhất để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống".
Tới thăm gian hàng của Viettel, ông Nguyễn Thành Hưng - Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông đánh giá cao năng lực của đại diện duy nhất của Việt Nam tại MWC 2019. Theo ông Hưng, Viettel đang thể hiện mình là một nhà mạng đáp ứng được các xu thế tương lai. “Viettel không chỉ mong muốn mình là nhà mạng số 1 mà còn mong muốn trở thành nhà cung cấp giải pháp mang tính tổng thể cả trong ngành viễn thông và các ngành mới như AI, Big Data, an ninh mạng. Tôi cho rằng đây là những bước đi rất đúng hướng và cảm thấy vô cùng tự hào”, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông nói.
Không chỉ giới thiệu thành quả công nghệ với thế giới, Viettel tin tưởng sẽ mang lại những giải pháp công nghệ khả thi mang tính kết nối cao, giúp nền kinh tế Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên 4.0.