‘Khai tử’ dự án lọc hóa dầu Vũng Rô 3,2 tỷ USD
Nguồn tin của Tiền Phong cho hay, UBND tỉnh Phú Yên vừa có văn bản giao các đơn vị liên quan thực hiện thủ tục cần thiết để thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô. Quyết định này dựa theo đề xuất của Sở KH&ĐT tỉnh Phú Yên.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - ông Nguyễn Chí Hiến giao Ban quản lý (BQL) Khu kinh tế khẩn trương, chủ động liên hệ với Sở KH&ĐT để tiếp nhận các hồ sơ liên quan đến dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô; và ra Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án của Cty TNHH Dầu khí Vũng Rô theo quy định.
UBND tỉnh Phú Yên cũng giao Sở KH&ĐT bàn giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu trước đây có liên quan đến dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô cho BQL Khu kinh tế xử lý, theo dõi, lưu trữ và bảo quản theo quy định.
Tin Tiền Phong có được từ Sở KH&ĐT Phú Yên cho hay, việc rút giấy phép này có nhiều lý do, trong đó có vấn đề liên quan tới nhà đầu tư chậm trễ triển khai nhiều năm so với giấy phép được cấp.
Còn theo lãnh đạo BQL Khu kinh tế Phú Yên, hiện đơn vị này đang đợi Sở KH&ĐT chuyển giao hồ sơ liên quan tới dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô, sau đó mới chính thức ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.
Dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô được cấp Giấy chứng nhận đầu tư tháng 7/2013, với công suất 8 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư gần 3,18 tỷ USD. Dự án được giao sử dụng 538 ha diện tích mặt đất, khoảng 1.000 ha diện tích mặt nước.
Ngày 9/9/2014, nhà đầu tư tổ chức lễ động thổ linh đình tại xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa (Phú Yên), nhà máy dự định đi vào hoạt động trong quý I/2019.
Nhưng sau đó, cùng với sự đi xuống của giá dầu thế giới, dự án cũng đi vào đình trệ tới nay. Trong 5 năm qua, tỉnh Phú Yên đã không ít lần ra “tối hậu thư” cho nhà đầu tư, yêu cầu triển khai dự án, nhưng dự án vẫn chỉ có bãi đất hoang.
Gần nhất, ngày 27/10/2017, UBND tỉnh Phú Yên đã họp với nhà đầu tư liên quan đến việc triển khai dự án. Tại cuộc họp này, nhà đầu tư đề xuất phân kỳ đầu tư thành 4 giai đoạn. Trong đó, kỳ 1 sử dụng dầu thô nặng để sản xuất sản phẩm bitum chất lượng cao và nhiên liệu hàng hải với quy mô 1 triệu tấn/năm, đưa vào vận hành cuối năm 2019. Phân kỳ 2, 3, 4 lần lượt sản xuất các sản phẩm lọc hóa dầu theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp, vận hành trước năm 2028.
Dù vậy, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu nhà đầu tư trong tháng 11/2017 phải chứng minh được nguồn vốn thực hiện dự án. Nếu nhà đầu tư không chứng minh được yêu cầu, UBND tỉnh Phú Yên sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét xử lý.
Sau đó, chủ đầu tư tiếp tục đề xuất bổ sung thêm 185 ha đất cho dự án, trong khi tổng vốn đầu tư dự án giảm xuống từ 3,18 tỷ USD xuống còn 1,57 tỷ USD; thời gian hoạt động dự án đề xuất tăng từ 50 năm lên 70 năm...
Nhưng UBND tỉnh Phú Yên có văn bản thống nhất không xử lý hồ sơ xin điều chỉnh của chủ đầu tư.
Dù vậy, chiều 11/1/2018, Cty TNHH Dầu khí Vũng Rô vẫn ký thỏa thuận hợp tác cùng Cty DenimoTech (Đan Mạch), để xây dựng nhà máy sản xuất chất kết dính bitum (nhựa chống thấm, nhựa đường) tại khu vực dự án nhà máy lọc dầu Vũng Rô.
Khi đã rút giấy phép dự án, việc ký kết hợp tác trên của Cty TNHH Dầu khí Vũng Rô với nhà đầu tư Đan Mạch còn hiệu lực không? Theo tin từ Sở KH&ĐT Phú Yên, việc này phụ thuộc nhiều yếu tố, và nếu nhà đầu tư thực hiện đúng quy định thì vẫn triển khai như 1 dự án độc lập bình thường khác.
Tiền phong