Khẩn trương lắp đèn đêm tại sân bay Côn Đảo để tăng chuyến bay
Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam khẩn trương nghiên cứu, lập kế hoạch, sớm triển khai lắp đặt hệ thống đèn đêm tại sân bay Côn Đảo.
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) về việc nghiên cứu kế hoạch lắp đặt đèn đêm để nâng cao năng lực khai thác tại sân bay Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
Hiện nay do nhu cầu khai thác các chuyến bay đi/đến sân bay Côn Đảo đang ngày một tăng cao. Đặc biệt, khi các hãng hàng không Việt Nam mở các đường bay mới đến Côn Đảo như Hà Nội-Côn Đảo; Cát Bi-Côn Đảo… trong khi cơ sở hạ tầng tại cảng hàng không Côn Đảo có nhiều hạn chế như: Số lượng vị trí đỗ, nhà ga hàng khách… đặc biệt chỉ khai thác được các chuyến bay vào ban ngày. Điều này ảnh hưởng lớn đến khả năng nâng cao năng lực khai thác, nhu cầu tăng trưởng sản lượng vận tải hàng không qua sân bay Côn Đảo.
Do đó, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng sản lượng trong thời gian tới, đồng thời tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước tăng chuyến bay đi/đến hoặc mở thêm các đường bay mới đi/đến sân bay Côn Đảo, tăng hiệu quả kinh tế để sớm khắc phục các khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam khẩn trương nghiên cứu, lập kế hoạch, sớm triển khai lắp đặt hệ thống đèn đêm tại sân bay này.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện có hai hãng hàng không đang khai thác tới Côn Đảo là Bamboo Airways và VASCO. Trong đó, Bamboo Airways có các đường bay thẳng tới Côn Đảo là Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, TP HCM; VASCO đang khai thác đường bay chặng ngắn TP HCM - Côn Đảo.
Mặc dù hơn 1 năm qua dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp song đường bay đến Côn Đảo vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, sân bay Côn Đảo là sân bay nhỏ với đường băng ngắn, chưa có hệ thống đèn đêm nên năng lực tiếp nhận máy bay còn hạn chế. Thời gian qua, đã xảy ra tình trạng hãng hàng không thay đổi giờ bay đến Côn Đảo.
Cục Hàng không Việt Nam cuối tháng 3 vừa qua đã tổ chức cuộc họp trực tuyến xem xét, đánh giá việc khai thác sân đỗ, tình hình hoạt động bay và bàn biện pháp nâng cao năng lực thông qua của vùng trời và sân bay tại cảng hàng không Côn Đảo. Sau đó, Cục yêu cầu các hãng hàng không lưu ý việc khai thác các chuyến bay đi/đến sân bay Côn Đảo (đặc biệt là các chuyến bay vào buổi chiều); duy trì, tuân thủ slot đã được cấp để tránh tình trạng thay đổi giờ bay dẫn đến việc xáo trộn hoặc thiếu các vị trí đỗ; thực hiện nghiêm huấn lệnh của cơ sở điều hành bay và đảm bảo khai thác bay theo đúng kế hoạch, đồng thời tăng cường áp dụng công nghệ làm thủ tục check-in tại cảng nhằm giảm thiểu thời gian và tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách.
Theo điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn 2020, định hướng năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Cảng hàng không Côn Đảo đạt cấp 4C, vai trò là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm, diện tích đất dự kiến 141 ha, chi phí đầu tư khoảng 2.300 tỉ đồng. UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tháng 11-2020 đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị sớm phê duyệt quy hoạch chi tiết cảng hàng không Côn Đảo để sớm triển khai đầu tư nâng cấp sân bay này.
Về lý do tại sao không kéo dài đường băng của sân bay Côn Đảo để đón loại máy bay lớn hơn, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết sân bay cắt ngang một khoảng của đảo, nối liền hai vịnh. Về lâu dài, chúng ta không đảm bảo Côn Đảo còn là Côn Đảo khi kéo dài đường cất/hạ cánh. Các cơ quan môi trường cần phải đánh giá tác động môi trường khi kéo dài đường băng.
Ông Đinh Ngọc Đức - Vụ trưởng Vụ thị trường du lịch, Tổng cục du lịch Việt Nam - ghi nhận tiềm năng du lịch của Côn Đảo là rất lớn khi tăng trưởng lượng khách du lịch đến với đảo tăng 400% thời gian qua. Tuy nhiên, ông mong muốn phát triển Côn Đảo bền vững, thu hút nhiều khách đến nhưng không nên đón bằng mọi giá, cần một số lượng đảm bảo.
Người lao động