MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khẩn trương ngăn chặn 1 container hoa hồi đang vận chuyển đến địa điểm lừa đảo tại Dubai

24-07-2023 - 14:55 PM | Thị trường

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đang khẩn trương liên hệ với chủ tàu, chủ lô hàng và các cơ quan chức năng để ngăn chặn container hàng được giao đến đối tượng lừa đảo.

Trả lời VTC News sáng 24/7, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, trong số 5 cotainer hàng nghi bị lừa đảo, có 4 lô hàng đã bị lấy ra khỏi cảng mà chưa được thanh toán gồm 2 container hồ tiêu, 1 container quế, 1 container điều, tổng trị giá khoảng 400.000 USD.

Còn lại 1 lô hàng hoa hồi dự kiến cập cảng ngày 26/7, trị giá 126,3 nghìn USD (bộ chứng từ gốc cũng đã bị mất).

“Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đề nghị Đại sứ quán UAE tại Việt Nam yêu cầu hãng tàu tại Dubai phối hợp với Cảng vụ Jebel Ali và cảnh sát để tạm giữ lô hàng 26/7 và không cho phép bên mua lấy ra khỏi cảng”, bà Liên nói.

Theo bà Liên, kể từ khi nhận được trình báo sự việc của doanh nghiệp, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã làm việc với Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại UAE; gửi công văn báo cáo Bộ Công Thương, Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại UAE.

Khẩn trương ngăn chặn 1 container hoa hồi đang vận chuyển đến địa điểm lừa đảo tại Dubai - Ảnh 1.

Văn bản của Hiệp hội Hồ tiêu lên tiếng về việc doanh nghiệp bị lừa đảo ở Dubai (UAE).

Bà Liên cho biết, theo hồ sơ doanh nghiệp cung cấp, phía bên mua là Công ty Bab Al Rehab Foodstuff Trading LLC (BARFT), địa chỉ: Office No 1006. Mai Tower, Al Nahda, Dubai, UAE. Người giao dịch trực tiếp là ông Naeem Chaudhry.

Ngân hàng thu hộ người mua là Ajman Bank PJSC, trụ sở chính tại Main Branch (UAE).

Trước sự việc này, ngày 17/7, Đại sứ quán Việt Nam tại UAE đã gửi công hàm đi các cơ quan liên quan của UAE gồm Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Trung ương, Cảnh sát Dubai và Ngân hàng Ajman Bank.

Ngày 20/7, Thương vụ Việt Nam tại UAE đã làm việc với Cảnh sát Dubai để yêu cầu mở hồ sơ điều tra vụ án lừa đảo doanh nghiệp Việt Nam liên quan đến một khách hàng Dubai và Ajman Bank PJSC.

Cùng trong ngày 20/7, hiệp hội tiếp tục có công văn báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước về tình hình khấp cấp của sự việc và đề nghị giúp thu hồi được tiền với 4 lô hàng đã bị lấy ra khỏi cảng; tìm cách chặn người mua/đại diện người mua đã lấy được bộ chứng từ gốc của lô hàng làm thủ tục thông quan và lấy hàng ra khỏi cảng.

“Nếu không kịp can thiệp với hãng tàu, với cảng vụ, với cảnh sát Dubai UAE trước 26/7 là ngày hàng cập cảng, chắc chắn container hoa hồi trị giá 126,3 nghìn USD sẽ bị mất trắng như 4 lô hàng trước”, bà Liên nói.

Trong ngày 24/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hỗ trợ gửi công hàm cho Đại sứ quán UAE tại Hà Nội đề nghị hợp tác vì tính chất vụ việc nghiêm trọng, đồng thời Hiệp hội liên hệ làm việc Đại sứ quán UAE tại Việt Nam, liên hệ Ngân hàng Nhà nước để làm việc và đề nghị hỗ trợ.

"Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam kính đề nghị Đại sứ quán UAE tại Hà Nội xem xét, yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan của UAE và Dubai nói riêng có biện pháp xử lý sự việc, yêu cầu Ajman Bank PJSC chịu trách nhiệm liên đới cho hành vi lừa đảo có tổ chức, có tính toán của người mua là công ty BARFT nhắm vào các doanh nghiệp Việt Nam và phải có trách nhiệm giúp thu hồi tiền hàng về cho người bán theo đúng điều khoản thanh toán hợp đồng D/P", thông cáo của Hiệp hội Hồ tiêu nêu rõ.

Hiệp hội cũng đề nghị Đại sứ quán UAE tại Việt Nam yêu cầu các cơ quan chức năng UAE hỗ trợ 'lệnh' cho cảng vụ Jebel Ali Port Authority tại UAE giữ lại lô hàng hoa hồi, không cho lấy hàng ra khỏi cảng.

Ngoài ra, Hiệp hội yêu cầu cảnh sát Dubai - Local Police Office In Jebel mở chuyên án điều tra để bắt giữ người mua, điều tra và trả lại 4 lô hàng đã bị lấy trước đó và giúp thu hồi số tiền hàng cho DN Việt Nam. Đồng thời, sớm có biện pháp tạm giữ người đến nhận lô hàng hoa hồi theo lịch trình sẽ đến cảng vào ngày 26/7 để điều tra.

Yêu cầu hãng tàu tại Dubai phối hợp hỗ trợ với Cảng vụ Jebel Ali và cảnh sát để tạm giữ lô hàng 26/7 và không cho phép lấy hàng.

Yêu cầu Ngân hàng Trung ương Dubai - UAE xem xét, giám sát thanh tra ngân hàng Ajman Bank PJSC là bên liên đới phải chịu trách nhiệm thu tiền hàng về cho doanh nghiệp Việt Nam theo đúng điều khoản thanh toán thu hộ D/P (tức bộ chứng từ xuất khẩu sẽ được ngân hàng người bán giao tới ngân hàng người mua, sau đó người mua tới ngân hàng người mua thanh toán tiền).

"Tính chất vụ lừa đảo rất tinh vi, nghiêm trọng, có liên đới trách nhiệm của cùng một người mua hàng, cùng một ngân hàng phía nước bạn thực hiện. Nếu không nhận được sự xem xét, hỗ trợ, cùng phối hợp để có tác động hơn nữa ở cấp Chính phủ thì chắc chắn hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu cùng với các ngân hàng Việt Nam riêng lẻ khó có khả năng lấy lại được gần 400.000 USD giá trị lô hàng đã bị cướp mất", bà Liên nói.

Khẩn trương ngăn chặn 1 container hoa hồi đang vận chuyển đến địa điểm lừa đảo tại Dubai - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Tiến trình của vụ lừa đảo quốc tế

Thông tin với VTC News về quá trình giao dịch 4 lô hàng bị mất, bà Liên cho biết, các doanh nghiệp ký với khách hàng theo hình thức nhờ thu hộ D/P. Sau khi ngân hàng người mua nhận đủ tiền sẽ đồng thời chuyển tiền hàng về ngân hàng người bán và giao phát bộ chứng từ xuất khẩu cho người mua để người mua tiến hành thủ tục nhập khẩu và kéo container ra khỏi cảng nhập.

Các ngân hàng Việt Nam dùng dịch vụ DHL chuyển phát bộ chứng từ gốc tới ngân hàng Ajman Bank PJSC và nhân viên ngân hàng trên đã xác nhận ký nhận thành công 5 bộ chứng từ. Tuy nhiên, sau đó không rõ vì lý do gì các bộ chứng từ gốc không còn lưu tại Ajman Bank PJSC. Các ngân hàng Việt Nam đã liên tục yêu cầu ngân hàng bạn thanh toán.

Nhận thấy sự trì hoãn, chây ỳ từ phía ngân hàng nước bạn và người mua, các công ty xuất khẩu Việt Nam kiểm tra trên hệ thống hãng tàu thì phát hiện cả 4 container hàng đều biến mất khỏi cảng. Khi phát hiện vụ việc, hàng đã được lấy ra khỏi cảng, người mua không liên hệ được và công ty cũng đã đóng cửa tại trụ sở đăng ký.

Vì vậy, các công ty xuất khẩu đã yêu cầu ngân hàng phía Việt Nam điện đòi Ajman Bank PJSC trả lại bộ chứng từ gốc. Đến nay, ngân hàng bên Dubai vẫn chưa trả lời và chỉ thông báo là đã chuyển thông tin về trụ sở chính để giải quyết.

Như VTC News đã đưa tin, các container xuất khẩu tiêu, điều, quế của doanh nghiệp Việt cũng vướng vào một phi vụ lừa đảo quốc tế. Phía khách hàng ứng 15% số tiền hàng, sau đó, hàng đã được lấy ra khỏi cảng và trả lại container rỗng, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nhận được khoản thanh toán 85% trị giá tiền còn lại.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Hiệp hội Điều Việt Nam nhận định, đây là sự việc lừa đảo hiếm có, xảy ra giữa Trung tâm tài chính Dubai.


Theo Phạm Duy

VTC

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên