Khen ngợi nhân viên: Cách giữ chân người tài rất dễ nhưng lại cực kì hiệu quả dành cho các chủ doanh nghiệp SME
Sau Tết là khoảng thời gian nhân viên thường thi nhau nhảy việc, đặc biệt tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, chỉ bằng những động tác khích lệ, khen ngợi kịp thời, các ông chủ hoàn toàn có thể giữ được những người tài cho mình.
- 22-03-2018CEO Navigos Search Nguyễn Phương Mai: Lương không phải là vấn đề duy nhất ảnh hưởng tới quyết định nghỉ việc của nhân viên
- 21-03-2018Phù thủy ẩm thực gốc Việt - Luke Nguyễn: 5 tuổi biết nấu ăn, 14 tuổi lăn lộn làm nhân viên bếp, 23 tuổi đã có nhà hàng cho riêng mình
- 21-03-2018Nhân viên "lầy" nhất thế giới: Đến công ty chỉ lướt Reddit và xem video mèo, lương hàng năm vẫn cả trăm ngàn USD
Cách đây lâu lâu, có cô bạn trẻ của tôi đăng một status trên facebook: "Đời mình chưa bao giờ nghỉ việc dù đã đổi chỗ làm 4-5 lần!". Ở những dòng chia sẻ phía dưới cô gái giải thích, sở dĩ mình nói như vậy là do 4-5 lần đổi công ty nhưng cô ấy vẫn làm công việc viết lách mà cô ấy yêu thích, tức là đời cô chưa bao giờ nghỉ việc cả. Chỉ là làm việc ở chỗ này mà cảm thấy mình không được tôn trọng, đánh giá cao thì cô đổi chỗ làm khác thôi.
Dòng trạng thái của cô bạn tôi nhanh chóng thu hút được khá nhiều bình luận đồng cảm của bạn bè. Đồng thời nó cũng khắc được một nếp nhăn đặc biệt trong trí óc bộn bề dữ liệu của tôi, để đến thời điểm này - thời điểm tháng Ba ra Tết, mùa nhân viên thi nhau nghỉ việc, các công ty đau đầu tuyển người - tôi lại nhớ đến dòng trạng thái của cô bạn nhỏ, khi đi đến đâu tôi cũng bắt gặp những bài báo, những status chia sẻ đầy tâm trạng của các sếp về tình trạng nhân viên nghỉ việc, văn hóa nghỉ việc.
Và trong bài viết này tôi muốn chia sẻ quan điểm của tôi từ góc nhìn của một nhân viên, một quản lý cấp trung về chuyện làm việc, nghỉ việc hay trung thành với một công ty, tổ chức… cũng như một điều rất đơn giản mà người quản lý, lãnh đạo có thể làm được để giữ chân được nhân viên của mình đó là nghệ thuật khen ngợi nhân viên!
Nhân viên thích nhảy việc có nhiều, nhưng người thích ổn định còn nhiều hơn!
Sau khi ra trường, tôi làm báo trong vòng 4 năm, sau đó chuyển qua làm truyền thông. Hơn chục năm làm nghề truyền thông, tính đến nay tôi chính thức trải nghiệm môi trường làm việc, văn hóa của 5 công ty với thời gian dài ngắn khác nhau. Còn những công ty mà tôi tường rõ qua các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp thì lên đến hàng chục, cỡ trung hay to nhỏ đều có cả. Việc tham gia một số vòng kết nối về nghề nghiệp, sở thích khiến tôi cũng có mối quan hệ với khá nhiều người. Và từ trải nghiệm của mình, tôi thấy rằng nhân viên ở các công ty, tổ chức có nhiều người thích nhảy việc, nhưng nhiều hơn số đó là những người thích ổn định, thích cống hiến và phát triển ở môi trường họ đã quen thuộc.
Rất nhiều người tôi biết đã gắn bó với nơi họ làm việc ngay từ khi ra trường, đến nay đã trên dưới chục năm trời. Và họ tâm sự với tôi rằng: Nếu công ty vẫn tiếp tục giữ được đà phát triển như thế này, họ sẽ muốn gắn bó với công ty cho đến khi về hưu.
Như vậy có thể nói, chuyện nhân viên nghỉ việc, nhảy việc là vấn đề cần phải xem xét từ cả hai phía: Công ty/tổ chức sử dụng lao động và người lao động; chứ không nên chỉ xem xét và đổ lỗi cho người lao động như nhiều bài viết (đa phần của các sếp) mà tôi từng đọc được.
Nhân viên cần gì để gắn bó với công ty, tổ chức? Sự khen ngợi, động viên đáng giá như thế nào?
Đã có rất nhiều nghiên cứu, báo cáo phân tích của các chuyên gia về những điều kiện cần và đủ để một nhân viên muốn gắn bó lâu dài với một tổ chức, bao gồm: Công việc phù hợp với sở trường/sở thích, thu nhập xứng đáng năng lực và công sức bỏ ra, lộ trình phát triển cá nhân rõ ràng, môi trường văn hóa nhân văn, thân thiện; sự ghi nhận, tưởng thưởng xứng đáng… Những điều kiện đầu tiên đôi khi phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển, tiềm lực tài chính của một công ty, mà lắm khi người lãnh đạo có muốn nhưng cũng không thể đáp ứng nhanh được.
Tuy nhiên, điều kiện cuối cùng: Sự ghi nhận, tưởng thưởng, động viên, khen ngợi nhân viên là điều không khó mà tôi cho rằng bất cứ một người lãnh đạo, quản lý nào cũng có thể làm được, để có thể giữ chân được nhân viên của mình. Đây cũng là vũ khí cạnh tranh lợi hại của các công ty mới thành lập, có quy mô nhỏ, mức độ phát triển thấp so với các "ông lớn" trên thị trường. Ngược lại, công ty có thể sẽ phải thường xuyên chứng kiến cảnh nhân viên dứt áo ra đi, mà câu chuyện cô gái trẻ tôi kể ở phía trên chính là điển hình của trường hợp này: không được đánh giá đúng mực, cô ấy nghỉ việc để tìm nơi làm việc mới mà bản thân được ghi nhận và tôn trọng hơn.
Thực tế, tôi từng biết rất nhiều nhân viên hiểu rõ rằng: Nếu ra đi thì họ có thể tìm được những công việc "oai hơn" có thu nhập tốt hơn; nhưng đứng trước sự trân trọng, kỳ vọng chân thành của người lãnh đạo, họ đã quyết định ở lại, chung sức để phát triển doanh nghiệp; và rất lâu sau đó họ mới nhận được sự tưởng thưởng bằng vật chất cho sự ở lại và đóng góp của mình.
Về vấn đề này nhiều người bạn của tôi đã thẳng thắn chia sẻ: Khi chấp nhận một vị trí làm việc trong một công ty tổ chức, cá nhân họ sẽ nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt, thậm chí xuất sắc công việc được giao. Trong trường hợp này người lãnh đạo, quản lý nếu vì điều kiện eo hẹp của tiền nong, không thể tưởng thưởng cho nhân viên bằng vật chất, thì nhiều người cũng có thể thông cảm được. Nhưng ngay cả đến những lời ghi nhận, khen tặng cho các đóng góp của nhân viên mà họ còn "keo kiệt", thì nhân viên cũng sẽ sớm nản lòng và ca bài "tình nghĩa đôi mình có thế thôi" với doanh nghiệp, tổ chức đó.
Còn ở những công ty, tổ chức có tiềm lực kinh tế lớn mạnh, lãnh đạo doanh nghiệp có thể dành ra một phần ngân sách tương đối cho quỹ khen thưởng, nhưng bản thân cũng tiết kiệm lời khen tặng dành cho nhân viên, thì nhân viên cũng cảm thấy chuyện này không được trọn vẹn.
Xét về khía cạnh tâm lý, điều này hoàn toàn chuẩn xác như nhà triết học John Dewey từng nói: "Khao khát và động lực sâu xa nhất trong bản chất của nhân loại chính là hy vọng bản thân có được tầm quan trọng".
Vì vậy, tôi cho rằng, để giữ chân nhân viên trong công ty, tổ chức của mình, bên cạnh rất nhiều việc cần làm khác, thì một điều quan trọng mà mỗi người lãnh đạo, quản lý đều phải thường xuyên thực hiện đó là: ghi nhận, khen ngợi, động viên nhân viên thường xuyên, kịp thời; để họ cảm thấy mình có ích, được trân trọng và muốn gắn bó, cống hiến cho công ty, tổ chức.
Về nghệ thuật khen ngợi động viên nhân viên, thì đã có rất nhiều chuyên gia bàn rồi, tập trung ở 3 quan điểm chính: khen ngợi công khai - khiển trách kín đáo, chân thành và quan trọng là sự linh hoạt, kịp thời; các nhà lãnh đạo, quản lý có thể nghiên cứu vận dụng để giữ người và dụng người một cách hiệu quả nhất.
Trí thức trẻ