MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi người trẻ sống tại viện dưỡng lão: Chi phí rẻ thay cho tiền thuê nhà, chăm sóc người cao tuổi 1 tiếng/ngày

08-11-2023 - 07:45 AM | Lifestyle

Một hình thức thuê nhà đang nở rộ ở Trung Quốc - mô hình được cho sẽ giải quyết vấn đề dân số già của quốc gia tỷ dân.

Trong vài năm gần đây, thị trường thuê nhà Trung Quốc nở rộ trào lưu ở ghép đa thế hệ. Theo đó, nhiều người trẻ tuổi sinh năm 95 đổ về trước sẽ sinh hoạt chung với ông bà cao tuổi, không cùng huyết thống. Họ có thể cùng nhau sinh sống trong nhà riêng của người già hoặc phổ biến hơn là tại viện dưỡng lão.

Thông qua mô hình này, người trẻ được giảm đáng kể tiền thuê nhà, đổi lại họ chấp nhận chăm sóc và nói chuyện cùng với người cao tuổi vào một thời gian nhất định trong ngày. Hình thức thuê nhà này được đánh giá không chỉ giảm áp lực tài chính cho người trẻ, mà còn giải quyết vấn đề an toàn và cảm giác cô đơn của người cao tuổi khi sống một mình.

Tiêu Tiêu (27 tuổi), đã sống với các cụ ông, cụ bà trong viện dưỡng lão ở thành phố Phật Sơn (tỉnh Quảng Đông) được 1 năm. Viện dưỡng lão này là một trong những nơi đầu tiên thử nghiệm mô hình ở ghép đa thế hệ.

Khi chuyển đến viện dưỡng lão, Tiêu Tiêu chỉ phải trả 1.080 NDT (~3,6 triệu đồng) tiền thuê nhà hàng tháng, gần bằng 1/5 tiền trả phí khi sống trong viện dưỡng lão của người già. Đổi lại, chàng trai được yêu cầu dành 27,5 giờ mỗi tháng để làm việc trong viện dưỡng lão, tuy nhiên không có quy định nghiêm ngặt nào về thời điểm và cách thức chăm sóc người cao tuổi. Mỗi năm, "công việc" của Tiêu Tiêu được đánh giá lại một lần.

Khi người trẻ sống tại viện dưỡng lão: Chi phí rẻ thay cho tiền thuê nhà, chăm sóc người cao tuổi 1 tiếng/ngày - Ảnh 1.

Tiêu Tiêu (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh cùng các cụ ông, cụ bà và nhân viên trong viện dưỡng lão

Tiêu Tiêu cho hay, việc sàng lọc người trẻ được sống trong viện dưỡng lão rất nghiêm ngặt. Sau khi vượt qua vòng tuyển chọn sơ bộ, anh chàng đến buổi phỏng vấn để đánh giá có đủ kỹ năng chăm sóc người già hay không. Bấy giờ, Tiêu Tiêu làm lập trình viên nên người phỏng vấn đánh giá anh chàng có thể sửa máy tính, lắp đặt wif và TV. Đồng thời, chàng trai có thể nhảy, biểu diễn ca nhạc cho người cao tuổi....

Theo Tiêu Tiêu, những người trẻ thuê nhà trong viện dưỡng lão có nhiều kỹ năng khác nhau. Có người giỏi thể thao nên có thể đưa cụ ông, cụ bà đi tập thể dục. Có người làm bác sĩ nên nếu nửa đêm, người cao tuổi gặp khó khăn có thể tìm đến họ. Một số người trẻ khác lại biết làm ruộng, nên có thể giúp người già làm việc lặt vặt hoặc trồng rau.

Tiêu Tiêu nhấn mạnh, sau cùng điều khiến người phỏng vấn ấn tượng tốt không nằm ở việc bạn có bao nhiêu kỹ năng hữu ích, mà bạn phải có nhân cách tốt và thể hiện sự quan tâm với người cao tuổi.

Khi người trẻ sống tại viện dưỡng lão: Chi phí rẻ thay cho tiền thuê nhà, chăm sóc người cao tuổi 1 tiếng/ngày - Ảnh 2.

Người trẻ đeo thiết bị để trải nghiệm cảm giác già đi

Hiện tại, viện dưỡng lão của Tiêu Tiêu có hơn 20 người trẻ và 20 người già, tỷ lệ gần như là 1:1. Người cao tuổi ở đây hầu như có khả năng tự chăm sóc bản thân. Họ thường chọn chuyển đến đây sinh sống vì con cái ở nơi xa. Một số khác chưa từng kết hôn nên đến khi về già, họ cảm thấy cô đơn. Nhìn chung, người già cần sự đồng cảm về mặt cảm xúc hơn là các vấn đề khác.

Khi chính thức được cho phép sinh sống tại viện dưỡng lão, đội ngũ nhân viên tổ chức nhiều buổi hội thảo cho Tiêu Tiêu và các bạn trẻ khác hiểu được cảm giác già đi. Ví dụ một thanh niên có thể đeo thiết bị trải nghiệm dành cho cao tuổi. Một chàng trai khác lại được thử trải nghiệm cảm giác được người khác chăm sóc và chuyển sang phòng điều dưỡng.

Tầng một của viện dưỡng lão là quán trà, nơi người già thưởng thức trà buổi sáng. Trong dịp Tết nguyên đán và các lễ hội khác, nhóm bạn trẻ và các cụ ông, cụ bà sẽ cùng nhau làm bánh bao, cơm nắm và thịt nướng tại đây.

Tầng 2 và tầng 3 là phòng thư giãn, phòng tập nhảy, bàn bida... Trong khi đó tầng 4 có một khu vườn nhỏ - nơi họ thường tổ chức các lớp học dành cho người cao tuổi và nhiều hoạt động khác.

Tiêu Tiêu biểu diễn tiết mục ca hát cho người cao tuổi

Khi mới chuyển đến đây, Tiêu Tiêu thường lo lắng sẽ không thể hài lòng với nơi ở hoặc gắn bó lâu dài. Tuy nhiên giờ đây, chàng trai gần như coi các cụ ông, cụ bà trong viện dưỡng lão như người thân và quan tâm họ theo bản năng.

Người mà Tiêu Tiêu thân thiết nhất tại viện dưỡng lão là một cụ bà - người thường xuyên đưa chàng trai đi ăn và không bao giờ để anh trả tiền. Tiêu Tiêu chia sẻ: "Chúng tôi giới thiệu những người bạn cùng tuổi của mình với nhau và cùng nhau ra vườn, uống trà buổi sáng và ca hát. Thỉnh thoảng xung đột sẽ xảy ra. Khi bà còn trẻ, bà làm việc trong một cơ quan công cộng và rất coi trọng việc đúng giờ. Do đó, nhiều lần tôi có hẹn uống trà với bà vào buổi sáng, tôi ngủ quên và đến muộn, bà sẽ hơi tức giận".

Sau thời gian dài sinh sống tại viện dưỡng lão, Tiêu Tiêu nhận thấy người già cũng như người trẻ. Do đó, chúng ta không nên nhìn họ bằng ánh mắt cũ kỹ.

"Tôi nhận thấy có nhiều cụ ông, cụ bà khá thời trang. Một số người có thể nói tiếng Nhật, tiếng Anh và đọc tin tức nước ngoài trên internet. Một số khác thích giao dịch chứng khoán; trong khi có người thích đi du lịch và nhảy bungee", Tiêu Tiêu nói.

Cũng vì thế, Tiêu Tiêu và những người bạn cũng cố gắng đưa những hoạt động của giới trẻ vào viện dưỡng lão như tổ chức các lễ hội âm nhạc, rủ cụ ông và cụ bà cùng xem World Cup và đoán xem đội nào sẽ chiến thắng.

Khi người trẻ sống tại viện dưỡng lão: Chi phí rẻ thay cho tiền thuê nhà, chăm sóc người cao tuổi 1 tiếng/ngày - Ảnh 4.

Tiêu Tiêu và những người trẻ khác tổ chức các buổi xem thi đấu World Cup với các cụ ông, cụ bà

Khi người trẻ sống tại viện dưỡng lão: Chi phí rẻ thay cho tiền thuê nhà, chăm sóc người cao tuổi 1 tiếng/ngày - Ảnh 5.

Họ còn làm một quầy cafe và mời cụ ông, cụ bà tham gia

"Tôi từng nghĩ 'chăm sóc tuổi già' là một từ bị động. Tôi nghĩ tuổi già sẽ được người khác chăm sóc nên từng hơi sợ già đi. Tuy nhiên sau khi sống ở đây, mọi người đều chủ trương 'lão hóa tích cực'. Khi nhìn thấy điều kiện sống của người già, tôi cảm thấy việc già đi không quá đáng sợ và tương lai cũng không quá mờ mịt.

Sống trong viện dưỡng lão, việc người già ra đi sau khi sống ở đó là điều khó tránh khỏi. Tôi không còn sợ hãi nữa và dần dần bắt đầu chấp nhận sự thay đổi của thời gian và cuộc sống", Tiêu Tiêu bày tỏ.

Theo góc nhìn của Tiêu Tiêu, mặc dù nhìn thấy mô hình ở ghép đa thế hệ rất hay nhưng chúng khó phát triển trên diện rộng.

Chàng trai nhận định: "Lựa chọn địa điểm xây dựng viện dưỡng lão là một vấn đề quan trọng. Nếu viện dưỡng lão đặt ở trung tâm thành phố, người trẻ chỉ phải trả tiền thuê nhà rất ít thì viện dưỡng lão khó duy trì hoạt động. Còn nếu viện dưỡng lão đặt ở ngoại ô thì sẽ quá xa nơi người trẻ làm việc.

Nhiều người lớn cũng thắc mắc về kiểu sống chung này: Tại sao tiền thuê nhà của người trẻ lại thấp hơn họ rất nhiều? Nhiều người trẻ như vậy có gây ồn ào và ảnh hưởng cuộc sống của cụ ông, cụ bà? Người trẻ có thực sự hiểu nhu cầu của người già"...

Nguồn: Toutiao

Theo Vân Anh

Trí thức trẻ

Trở lên trên