Khi những người ở độ tuổi 30, 40 gặp khủng hoảng: Đôi khi cuộc đời là một cuộc leo dốc bất tận
Được phát minh tại London vào năm 1957, hội chứng khủng hoảng trung niên dấy lên khi người đàn ông Canada 40 tuổi mang tên Elliott Jaques đứng lên giữa hội nghị của Hội Phân-tâm học Anh Quốc và đọc to những gì ông viết trên đó. Mà theo ông, trước giờ, đời mình giống như một cuộc leo dốc bất tận, mắt chẳng thấy gì ngoài chân trời xa vời.
Có lẽ, chúng ta biết nhiều hơn về khủng hoảng tuổi 20 hay khủng hoảng một phần tư cuộc đời. Ở tuổi này, cuốn sách "Lỗi - EROR 404" là điển hình của chứng trầm cảm hạng nặng của cô gái người Việt hết sức ảnh hưởng trên mạng xã hội - Plaaastic. Nhân vật này đại diện cho thế hệ 9x, tức cũng đại diện cho khủng hoảng tuổi 20. Giai đoạn này, con người thường mong manh, dễ vỡ hơn. Khả năng chịu đựng của họ trước những biến cố cuộc đời rõ ràng không tốt như tuổi trung niên.
Độ tuổi 30 thường trải qua cuộc khủng hoảng kéo dài mất vài năm
Thế nhưng, cho đến khi Jaques chia sẻ sự thật về cuộc khủng hoảng trung niên của ông, Hội Phân tâm Anh Quốc phải vắt tay lên trán mà suy nghĩ. Trước khoảng 100 cử tọa, ông ta mạnh mẽ tuyên bố rằng con người ở độ tuổi 30 thường trải qua cuộc khủng hoảng kéo dài mất vài năm. Vốn là một bác sĩ và nhà phân tâm học, Jaques nhận ra điều này nhờ nghiên cứu đời sống của nhiều nghệ sĩ lớn, và tất nhiên, khủng hoảng ở họ cực đoan hơn những người bình thường.
Tuy nhiên, Elliott Jaques đã chỉ ra một điều quan trọng hơn xảy ra vào thế kỷ 14: nhân vật chính của Dante Alighieri trong Thần Khúc (lúc đó khoảng 35 tuổi) đã có lời khuyên nổi tiếng ngay phần mở đầu: "Nửa đường, đời tôi như rơi vào rừng tối/ xa chính đạo sảy chân lạc lối". Sau này, Jaques đã đơn giản hóa và hiện đại hóa nó thành triệu chứng: khủng hoảng trung niên.
Vào năm 1993, ở Mỹ xuất hiện tựa sách bán chạy bậc nhất mang tên "Đời tôi bắt đầu lúc 40" của tác giả - nhà báo Walter Pikin. Ông giải thích rằng trước thời đại máy móc, người ta cạn kiệt ở tuổi 40. Nhưng nay, nhờ công nghiệp hóa, đàn ông và đàn bà đều từ "tồn tại’ chuyển sang nhiệm vụ mới là "sống cho ra sống". Khi xã hội phát triển, phụ nữ trở nên độc lập về tài chính hơn.Tầng lớp trung lưu và thượng lưu có thì giờ để nghĩ về các cuộc điều trị tâm lý và tư vấn hôn nhân nhiều hơn. Họ bắt đầu thắc mắc "Ta là ai?" hay "Mình sống vì mục đích gì?". Như tác giả Barbara Fried đã viết: khủng hoảng trung niên là khía cạnh bình thường của một người trưởng thành ở tuổi 40, giống như việc mọc răng ở trẻ em.
Một phụ nữ là nhà tâm lý (37 tuổi) trong một cuộc thảo luận mở đã phát biểu: "Tôi nghĩ bản thân mình có khiếu nghệ thuật nhiều hơn và trong năm nay, tôi sẽ gap year để theo đuổi những gì mà tôi cho là đúng". Nhà tâm lý cũng cần một nhà tâm lý khác "bắt bệnh" cho họ. Đến một lúc nào đó, khi đang dạo trong khu vườn đầy hoa hay lang thang giữa biển khơi mênh mông rộng lớn, tuổi trung niên chợt nhận ra "tiềm năng" chưa được khai phá của mình hay ý niệm về một cuộc sống khác trước.
Nó thôi thúc họ thực hiện, và trong khoảnh khắc, họ cảm giác rằng điều này xảy đến với mình như định mệnh. Đôi khi, một giây có thể thay đổi cả cuộc đời một con người. Quan trọng là, người ta có nắm bắt một giây đó hay bỏ qua nó. Ý niệm mạnh mẽ xảy ra trong một giây ấy có thể không theo ta bền vững, nhưng nó rất đáng để thử. Khi đọc đến đây, hẳn là bạn sẽ nghĩ đến cuốn sách "Ăn, cầu nguyện, yêu", tác phẩm xuất bản năm 2006 – tức là lúc tác giả Elizabeth Gilbert đang ở độ tuổi 37. Người phụ nữ ấy cũng đã trải qua một cuộc khủng hoảng trung niên.
Xã hội càng phát triển, khủng hoảng trung niên càng nhiều lên
Theo một ý kiến nào đó, khủng hoảng trung niên là "hoạn nạn" riêng của tầng lớp trung lưu và thượng lưu. Khác với người nghèo, họ có thời gian để nghĩ cho bản thân. Có lẽ, câu chuyện này khá logic khi mang tháp nhu cầu maslow vào (nếu trừ yếu tố sinh lý). Đơn giản, người nghèo còn chưa thể tự/được đáp ứng nhu cầu căn bản như ăn uống, nghỉ ngơi... thì làm sao họ có thời gian mà nghĩ đến nhu cầu bậc cao (bao gồm nhiều yếu tố tinh thần như sự đòi hỏi công bằng, an tâm, an toàn, vui vẻ, địa vị xã hội, sự tôn trọng, vinh danh với một cá nhân...). Vì thế, tầng lớp trung lưu và thượng lưu ở độ tuổi trung niên thi thoảng vẫn tự hỏi những câu đại loại như: "Mình làm như thế này có ý nghĩa gì?" hay "Tại sao mình không hạnh phúc?".
Gail Sheehy từng lấy một ông chồng làm bác sĩ, có một đứa con, ngỡ tưởng cuộc sống đã đủ đầy thì vào năm 1970, cô cũng ly dị chồng và theo nghiệp nhà báo. Trong một buổi phỏng vấn thanh niên Công giáo đi biểu tình ở Bắc Ireland, người được Sheehy phỏng vấn bị bắn thẳng vô mặt. Cú sốc này nối tiếp cú sốc khác, Sheehy bước vào tuổi 35 và ngỡ tưởng như cuộc đời đã chấm dứt.
Sau đó, cô trò chuyện với nhiều nhà nghiên cứu. Họ đã trấn an và giải thích cho cô rằng nỗi sợ ở tuổi 35 hoàn toàn bình thường. Từ đó, Sheehy bèn đi một vòng nước Mỹ, phỏng vấn đàn ông và đàn bà trung lưu có học, tuổi từ 18 đến 55. Mùa hè 1976, cô xuất bản cuốn sách mang tên "Trao đổi: Những cuộc khủng hoảng có thể lường trước của đời trưởng thành", và lọt vào danh sách best-seller trong suốt 1 năm của New York Times.
Đi đến giữa cuộc đời, tuổi trung niên sẽ nhận ra sự trống trải, mất cân bằng và trầm cảm, và nó ứng nghiệm với toàn xã hội, từ phương Đông đến phương Tây, từ quốc gia nghèo đến quốc gia giàu. Ở Mỹ, 10 đến 20% người trải qua cái gọi là khủng hoảng trung niên, theo MIDUS và các nghiên cứu khác. Khi xã hội càng phát triển, người mắc phải khủng hoảng trung niên càng nhiều hơn.
Khủng hoảng trung niên là đòn bẩy quan trọng cho chương mới cuộc đời
Một câu hỏi đặt ra là phải chăng cuộc khủng hoảng ấy bắt nguồn từ cái tôi của mỗi con người? Cái tôi của chúng ta tồn tại như một cơ chế sinh học. Cái tôi cũng tồn tại như phương tiện của sự phát triển tâm linh, giúp chúng ta ý thức về chính sức mạnh, tình yêu và tính duy nhất của chính mình. Đó là cánh cửa dẫn đến con đường mà chúng ta có thể trở lại bản chất thật sự của ta.
Trong các cuốn sách Phật giáo, người ta quan niệm rằng cái tôi cần "triệt tiêu" vì đó là nguyên do của nỗi đau và bất hạnh. Nhưng có một điều kỳ lạ, nỗi đau lại là nguồn cảm hứng bất tận của những nghệ sĩ (đặc biệt là nghệ sĩ nổi tiếng hàng đầu trên thế giới). Nỗi đau luôn ở đó (như lẽ đương nhiên) vì nếu không có nỗi đau, chúng ta không thể cảm nhận được hạnh phúc.
Vậy thế nên, những người biến nỗi đau của mình trở thành nguồn cảm hứng bất tận có khi lại trở thành kẻ hạnh phúc (trước hết là cho chính mình) khi đã sáng tạo nên những giá trị tuyệt vời. Họ không còn phiền với nỗi đau ấy nữa, họ đau, nhưng họ không oán thán, trách than. Họ chấp nhận nó. Một trong những ví dụ điển hình phải kể đến danh họa Van Gogh, ông ta sống với bệnh tật suốt cuộc đời mình và ra đi ở độ tuổi 37, nhưng những bức tranh Van Gogh để lại là vô giá.
Vậy thế nên, đôi khi, khủng hoảng tâm lý nói chung hay khủng hoảng trung niên nói riêng lại là đòn bẩy vô cùng quan trọng, giúp con người bước sang một trang cuộc đời mới. Nhiều người xuất hiện tích cực sau cơn sang chấn, họ dường như biến thành một bản thể mới tuyệt vời hơn. Trong quá trình giải quyết cơn khủng hoảng, con người thường tìm đến trải nghiệm mang đến sự bình yên tại tâm. Du lịch một mình. Thiền định. Vào rừng. Đọc sách. Trở về thiên nhiên. Cuộc "rút lui" này của họ mang màu sắc hoàn toàn đối nghịch với cuộc sống bộn bề và lối sống căng thẳng mà họ đối mặt trước đó.
Nhưng rõ ràng, nguyên nhân xuất phát khủng hoảng lại vô vàn. Có thể mất đi người thương yêu, bất mãn với cuộc sống thực tại, trầm cảm, áp lực, được truyền cảm hứng bởi một nhân vật nào đó và muốn trở thành họ... Trở về sau cơn sang chấn, nhiều người trong số họ bình tĩnh với sự đời hơn, và có vẻ trưởng thành hơn rất rất nhiều. Khi người ta trưởng thành, người ta có khả năng kiểm soát đống cảm xúc bộn bề của chính mình.
Trí thức trẻ