MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi nước Mỹ "hắt hơi" vì Covid-19, cả thế giới cảm lạnh như thế nào?

22-07-2020 - 14:47 PM | Tài chính quốc tế

Số ca nhiễm Covid-19 phá kỷ lục khiến nước Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới, tiếp tục loay hoay giữa chống dịch và ngăn nền kinh tế khỏi suy thoái.

Từ đầu tàu trở thành gánh nặng cho tăng trưởng

Trong những ngày tháng huy hoàng năm 2018, thời điểm Mỹ tiếp tục duy trì giai đoạn tăng trưởng kéo dài cả thập kỷ, nền kinh tế số 1 thế giới chính là đầu tàu kéo theo tăng trưởng toàn cầu. Các chính sách cắt giảm thuế và chi tiêu của chính phủ giúp có thêm tiền chảy vào thị trường, cả nội địa và quốc tế.

Nếu thời gian đó, Chính sách của Mỹ đẩy thế giới lên cao thì ngay lúc này, cách Chính quyền của Tổng thống Donald Trump ứng phó với đại dịch Covid-19 lại đe dọa kéo tụt cả thế giới. Số ca mắc mới liên tiếp phá kỷ lục ở Mỹ chính là nguy cơ cho bất cứ sự phục hồi kinh tế toàn cầu nào.

Giới chức từ Mexico tới Nhật Bản đều đã sẵn sàng cho bão tố. Xuất khẩu thì ảnh hưởng tới Đức, Canada. Họ đang dành mọi sự chú ý cho nước Mỹ với một cái nhìn thận trọng. Bất cứ cú sốc nào nữa với nền kinh tế Mỹ, chẳng hạn như đóng cửa trở lại, chắc chắn sẽ gây ra những hệ lụy không thể lường trước với cả thế giới.

"Cả thế giới sẽ có những tháng, thậm chí là những năm khó khăn phí trước. Điều đó đặc biệt đáng lo ngại khi số ca mắc Covid-19 mới vẫn liên tục tăng lên", Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết trong một bản đánh giá về nền kinh tế Mỹ. Tình trạng bất ổn xã hội vì gia tăng đói nghèo là một trong những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế.

Khi nước Mỹ hắt hơi vì Covid-19, cả thế giới cảm lạnh như thế nào? - Ảnh 1.

Cụ thể, rủi ro trước mắt được xác định là một phần lớn dân số Mỹ sẽ phải đối mặt với sự suy giảm nghiêm trọng về mức sống cũng như khó khăn kinh tế đáng kể trong vài năm tới. Điều này sẽ làm suy yếu thêm nhu cầu, vốn đã rất yếu, và làm trầm trọng hơn những cơn gió ngược với tăng trưởng.

Những điều này nói lên một sự thật nghiệt ngã: Mặc Chính phủ Mỹ đã chi tới 3.000 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế thông qua một loạt các chính sách, dịch bệnh vẫn reo rắc nỗi kinh hoàng ở Mỹ khi có tới hơn 3,9 triệu người mắc Covid-19 và hơn 141.000 người đã chết. Thậm chí, số ca mắc mới mỗi ngày còn liên tiếp phá kỷ lục với hơn 70.000 người, cao gấp 3 lần so với hồi tháng 5. Số người tử vong trung bình 7 ngày cũng đang tăng lên trong tháng 7 so với tháng 4.

Trong khi đó, nước Mỹ tiếp tục rạn nứt sâu sắc về hàng loạt các vấn đề, trong đó đơn giản nhất là khẩu trang. Sau nhiều tháng khước từ, Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối cùng cũng phải nói với người Mỹ rằng "đeo khẩu trang là yêu nước". Trong khi đó, ở các quốc gia khác, đeo khẩu trang là việc làm bình thường, thậm chí được coi là lịch sự, trong dịch.

Với một số tiểu bang, chẳng hạn như Texas và California, lệnh phong tỏa 1 phần đã được áp dụng khi số ca mắc mới liên tiếp tăng cao. Điều này khiến các nhà phân tích chú ý tới một con số: Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ. Sau nhiều tháng phục hồi khi các bang từng bước gỡ bỏ cách ly xã hội, con số người thất nghiệp ở Mỹ đang đứng trước nguy cơ tăng trở lại.

Thế giới lao đao vì Mỹ

Nền kinh tế Mỹ chủ yếu phụ thuộc vào lĩnh vực dịch vụ nên khi một công việc bị mất đi, nó sẽ kéo theo chi tiêu tiêu dùng thấp hơn. Điều kiện kinh doanh yếu kéo theo những khoản đầu tư thấp vào trang thiết bị hoặc vật tư sản xuất. Đây là lúc mà các vấn đề với nền kinh tế Mỹ, vốn chiếm ¼ GDP toàn cầu, gây tác động tới phần còn lại của thế giới.

Nhập khẩu theo năm của Mỹ tính tới tháng 5/2020 đã giảm hơn 13%, tương đương khoảng 176 tỷ USD. Ở Đức, nơi đang làm rất tốt việc ngăn chặn đại dịch Covid-19, xuất khẩu sang Mỹ đã giảm 36% trong cùng kỳ. Các nhà phân tích nhận thấy rất ít triển vọng để con số này có thể cải thiện, nhất là doanh số bán ô tô ở Mỹ đã giảm 24% theo năm kết thúc vào tháng 6.

"Đó thực sự là một điều đáng thất vọng", Gabriel Felbermayr, Chủ tịch Viện Kinh tế Toàn cầu Kiel, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài Deutschlandfunk của Đức. Ông Felbermayr nói rằng sự gia tăng các ca mắc Covid-19 đột biến ở Mỹ là không nằm trong dự tính.

Khi nước Mỹ hắt hơi vì Covid-19, cả thế giới cảm lạnh như thế nào? - Ảnh 2.

Tại Nhật Bản, tốc độ phục hồi dường như gắn liền với thành công của Mỹ trong nỗ lực ngăn chặn Covid-19. "Sự phục hồi của Nhật Bản sẽ thực sự bị trì hoãn nếu việc lây lan Covid-19 ở Mỹ không dừng lại và xuất khẩu sang Mỹ của các nước châu Á không tăng trưởng", Hideo Kumano, cựu quan chức Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, người đang là chuyên gia kinh tế trưởng của Dai-ichi Life Research Institute, cho biết.

IMF dự kiến GDP của Mỹ sẽ giảm 6,6% trong năm nay, con số được nhiều nhà phân tích chia sẻ. Ngân hàng Canada thì bi quan hơn khi dự báo GDP của Mỹ sẽ giảm 8,1% trong năm nay. Nó được hạ xuống 1 lần khi vấn đề dịch bệnh ở Mỹ diễn biến phức tạp.

¾ lượng hàng hóa xuất khẩu của Canada vào Mỹ. Những vấn đề với nền kinh tế Mỹ sẽ ảnh hưởng nặng nề đến quốc gia láng giềng phía bắc. Ở biên giới phía nam, Mexico cũng phải đối diện với các vấn đề tương tự trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 mới ở nước này tăng kỷ lục.

Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đã có một chuyến công du đầy rủi ro tới Mỹ với chủ đề chủ yếu là kinh tế. Nhà lãnh đạo Mexico hy vọng một thỏa thuận thương mại giữa 3 nước Bắc Mỹ, có hiệu lực vào ngày 1/7, sẽ thúc đẩy kinh doanh và đầu tư ở Mexico. Tuy nhiên, với những gì đang xảy ra, mong muốn của ông Obrador sẽ khó lòng trở thành sự thực.

"Khi người Mỹ mất việc và sụt giảm thu nhập, nó sẽ gây ra những tác động trên toàn cầu. Chúng ta vừa tiến được một bước thì đã phải lùi 2 bước", bà Elizabeth Crofoot, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Conference Board, cho biết.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên