Khi Trung Quốc “hắt hơi”, Nga sẽ “ốm nặng”
Trong bối cảnh kinh tế Nga ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, sự giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ làm người Nga phải điêu đứng.
- 03-03-2016Kinh tế Nga suy thoái nhưng đây là điều khiến ông Putin mỉm cười mãn nguyện
- 25-01-2016Kinh tế Nga suy giảm mạnh nhất 6 năm
- 30-11-2015Con số 30 USD đe dọa nền kinh tế Nga
Kinh tế Nga đã tăng trưởng âm trong năm quý liên tiếp, đánh dấu giai đoạn suy thoái dài nhất trong hai thập kỷ qua. GDP của Nga trong quý 1 năm 2016 đã giảm 1,2%, sau khi giảm 3,7% trong cả năm 2015. Thâm hụt ngân sách của Nga đã phình to lên 8,6% GDP trong tháng 4 năm nay, vượt xa mức dự báo 3% của chính phủ. Vì thế đợt tăng giá dầu gần đây, mặc dù không đủ nhiều, là một niềm an ủi lớn cho nước xuất khẩu dầu khí lớn nhất thế giới này.
Giá dầu tăng đã giúp vực dậy giá đồng rúp, mà đã lao dốc vào cuối năm ngoái và đầu tháng 1 năm nay. Tỷ giá đồng rúp so với đồng USD hiện nay là 69 rúp đổi 1 USD, bằng với tháng 11 năm ngoái. Điều này cho thấy nguy cơ khủng hoảng đồng rúp của Nga đã được đẩy lùi.
Tuy nhiên, khi mà mối nguy giá dầu đã qua đi, Chính phủ Nga sẽ phải lo một nỗi lo mới: sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc.
Chính sách xoay trục năng lượng sang phương đông của tổng thống Putin đã đưa đến những hợp đồng và dự án siêu lớn với Trung Quốc, chủ yếu là để cung cấp dầu mỏ và khí đốt cho quốc gia đói năng lượng này. Xuất khẩu dầu thô sang Trung Quốc đã tăng 28% trong năm 2015, biến Nga trở thành nhà cung ứng lớn thứ hai của Trung Quốc, chỉ sau Ả Rập Xê-út. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga, chiếm 12,8% tổng kim ngạch thương mại của Nga.
Quan hệ của hai nước cũng được củng cố trong lĩnh vực tài chính. Các công ty dầu mỏ và khí đốt của Nga đã mua trái phiếu được định giá bằng nhân dân tệ trong năm ngoái. Trong năm 2014, Ngân hàng trung ương Nga (BOR) đã ký một thỏa thuận trao đổi trị giá 150 tỷ nhân dân tệ (23 tỷ USD) với Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC). Thỏa thuận này cho phép hai nước giao dịch bằng đồng rúp và nhân dân tệ mà không phải sử dụng đồng USD.
Vì thế, kinh tế Nga đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc và tình trạng này sẽ còn tiếp diễn khi các dự án mới được triển khai. Nhưng hiện nay, Nga đang cảm thấy lo lắng về sự giảm tốc của Trung Quốc và nguy cơ mất giá của đồng nhân dân tệ.
Nỗi lo này được thể hiện rõ tại hội nghị về thị trường mới nổi của Credit Suisse ở Moscow, hôm 18/5. Tại hội nghị, phó thống đốc BOR, Ksenia Yudaeva cảnh báo sự bất ổn của kinh tế Trung Quốc sẽ gây ra những hệ lụy toàn cầu. Bà cũng bày tỏ quan ngại về tác động của sự giảm tốc ở Trung Quốc đối với Nga. Cứ mỗi điểm phần trăm giảm trong GDP của Trung Quốc, GDP của Nga sẽ giảm nửa điểm phần trăm.
Cũng trong hội nghị trên, thứ trưởng tài chính của Nga, Maxim Oreshkin cảnh báo bất cứ “vấn đề” nào ở Trung Quốc cũng sẽ tác động đến Nga thông qua thị trường hàng hóa. Ông lo ngại sự giảm tốc của Trung Quốc sẽ kéo giá dầu lao dốc trở lại như trước.
“Những vấn đề nghiêm trọng trong kinh tế Trung Quốc có thể dễ dàng làm cho cuộc khủng hoảng giá dầu mà chúng ta thấy đầu năm nay quay trở lại”, ông nói. “Nga cần rất cảnh giác trước các nguy cơ bắt nguồn từ Trung Quốc. Chúng tôi phải tính đến khả năng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng kém hơn dự đoán của thị trường hoặc thậm chí rơi vào suy thoái. Những nguy cơ này là không thể bỏ qua”.
Nếu Trung Quốc rơi vào suy thoái, nhu cầu dầu mỏ và hàng hóa của nước này sẽ sụt giảm mạnh. Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến Nga mà còn cả nền kinh tế toàn cầu. Và đó là điều làm các nhà hoạch định chính sách ở Nga lo lắng.