Khiến hàng vạn lao động "bơ vơ", nỗ lực cứu sông Dương Tử đầy tham vọng của TQ liệu có hiệu quả?
Mặc dù lệnh cấm đánh bắt cá 10 năm tại 332 điểm bảo tồn của sông Dương Tử đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, nhưng tình trạng đánh bắt cá trái phép vẫn tiếp diễn.
Sau khi đã dành cả cuộc đời lao động trên dòng sông Dương Tử , ông Wang Quansheng đã phải từ bỏ công việc của mình và giao lại giấy phép đánh bắt cá cùng đồ nghề cho chính quyền địa phương vào đầu tháng 7. Các thuyền cá của ông đều đã bị chính quyền tịch thu từ hồi tháng 3 vừa qua, theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông).
Người đàn ông 58 tuổi đến từ thành phố Tương Dương (tỉnh Hồ Bắc) này là ngư dân đời thứ 3 trong gia đình. Con trai ông, năm nay 33 tuổi, cũng buộc phải giã từ đời ngư dân sau khi lệnh cấm đánh bắt cá 10 năm trên sông Dương Tử - con sông dài nhất châu Á - có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020.
Lệnh cấm đánh bắt cá trên dòng sông này được áp dụng cho 332 điểm bảo tồn dọc con sông dài 6.300km, và Bắc Kinh cũng dự định sẽ mở rộng lệnh cấm tới dòng sông chính, các chi lưu và hồ lớn thuộc hệ sống sông Dương Tử trước ngày 1/1/2021.
Đây sẽ là lệnh cấm đánh bắt cá tham vọng nhất và có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, khi Bắc Kinh nỗ lực hồi sinh hệ sinh thái trên sông Dương Tử - một trong những dòng sông nổi tiếng và quan trọng nhất thế giới.
Tuy nhiên, lệnh cấm này cũng đồng nghĩa với việc hơn 300.000 ngư dân tại Trung Quốc phải từ bỏ công việc của mình, và hơn 100.000 tàu cá buộc phải ngừng hoạt động, theo các quan chức Trung Quốc.
Theo ông David Dudgeon, giáo sư về sinh thái và đa dạng sinh học tại trường Đại học hồng Kông, "trên thế giới chưa từng có lệnh cấm tương tự. Nếu lệnh cấm này được áp dụng trên toàn bộ dòng sông Dương Tử, thì đây sẽ là lệnh cấm đánh bắt cá ở môi trường nước ngọt lớn nhất thế giới".
Ảnh: Shutterstock
Con sông "suy kiệt"
Người Trung Quốc đã đánh bắt cá trên sông Dương Tử từ thời xa xưa. Trải dài từ cao nguyên Tây Tạng đến biển Hoa Đông, gần thành phố Thượng Hải, sông Dương Tử và các chi lưu của nó chảy qua một vùng đất rộng lớn với dân số là 459 triệu người - tương đương 1/3 dân số của Trung Quốc. Khu vực này cũng đóng góp khoảng 46% trong tổng GDP của Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ xây dựng đê đập, khai thác quá mức, ô nhiễm và đánh bắt cá quá mức, dòng sông Dương Tử đã trở nên cạn kiệt về cả đa dạng sinh học và trữ lượng cá. Trước đây, sông Dương Tử từng là nguồn cung 60% sản lượng đánh bắt cá nước ngọt trên toàn Trung Quốc, nhưng điều đó đã thay đổi trong những năm gần đây, khi sản lượng cá nước ngọt trên toàn Trung Quốc vào khoảng 63 triệu tấn và chỉ có khoảng 100.000 tấn cá được đánh bắt trên sông Dương Tử, theo Nhân dân Nhật Báo.
Ông Wang đã tận mắt chứng kiến sự thay đổi ấy. Gia đình ông sinh sống gần sông Hán, con sông chảy qua thành phố Tương Dương và là chi lưu dài nhất của sông Dương Tử. Khi còn nhỏ, ông Wang từng đánh bắt cá cùng ông nội mình từ 4 giờ chiều và qua đêm trên thuyền cá.
"50 năm trước, trên sông Hán từng có hơn 100 loài cá, nhưng giờ đây chỉ còn lại 2 loài là cá chép và cá diếc bạc", ông Wang nói.
Ông này cho biết, trước đây con cá nhỏ nhất ông từng câu được cũng phải nặng hơn nửa cân, nhưng giờ đây có khi ông chỉ câu được cá nặng 80g.
Cũng theo lời ông này, trước đây gia đình ông kiếm được nhiều tiền hơn bằng nghề đánh cá: "[Trước khi có lệnh cấm] tôi thường kiếm được khoảng 200 Nhân dân tệ mỗi lần đi đánh cá, nhưng trước đây tôi từng kiếm được từ 500-600 Nhân dân tệ khi có một ngày bội thu".
Ảnh: SCMP
Ngành đánh bắt cá đã thay đổi vào cuối thập niên 1990, khi dòng sông Dương Tử thu hút ngày càng nhiều ngư dân hơn, và thậm chí có những người còn bắt đầu sử dụng những cách đánh bắt cá trái phép như sử dụng thuốc nổ, đánh bắt cá bằng điện, lưới ống (fyke net)...
"Trong vòng 2 thập kỷ qua, ai cũng có thể đánh bắt cá - và một số người đã dùng những cách tồi tệ", ông Wang nói.
Việc sử dụng dòng điện hay lưới ống sẽ khiến cả những con cá con chỉ nhỏ cỡ 1cm cũng bị mắc lưới. Trong khi đó, loại lưới truyền thống mà các ngư dân như ông Wang sử dụng chỉ bắt cá cỡ lớn.
Cha ông Wang đã sớm nhận ra điều này.
"Mỗi lần cha tôi nhìn thấy ai đó bắt cá bằng điện, ông ấy sẽ mắng họ. Ông ấy thường nói rằng những người đó đang triệt đường sống của con cái, cháu chắt họ. Và điều đó thực sự đã xảy ra với tôi và con trai tôi - chúng tôi chẳng còn cá để mà bắt nữa", ông Wang nói.
Tình nguyện viên Zhou Jianjun, người đứng đầu trạm bảo tồn sông Hán ở Tương Dương, cho biết họ nhận được hơn 10.000 cuộc gọi từ người dân báo cáo về những hoạt động đánh bắt cá trái phép trên dòng sông này, nhưng những cuộc gọi đó hầu như không có tác dụng.
Zhou cho biết, mặc dù có lệnh cấm, nhưng hoạt động đánh bắt cá trái phép vẫn tiếp diễn. Lý do là bởi những người đánh bắt cá trái phép có thể kiếm được nhiều tiền, và pháp luật vẫn chưa có những biện pháp đủ mạnh mẽ để buộc những người này dừng lại.
"Thu nhập của người dân ở vùng này khá thấp, nhưng những người đánh cá bằng điện có thể kiếm đến 2.000 Nhân dân tệ chỉ trong 2 giờ đồng hồ. Tôi mong rằng lệnh cấm đánh bắt cá 10 năm sẽ giúp khôi phục đa dạng sinh học trên sông Hán và cải thiện chất lượng nước trên dòng sông này", Zhou nói.
Lệnh cấm liệu có hiệu quả?
Lệnh cấm đánh bắt cá sẽ tạm thời khắc phục tình trạng khai thác quá mức, tuy nhiên các chuyên gia cho biết họ vẫn chưa thể xác định mức độ hồi phục của đa dạng sinh học, do những yếu tố khác như ô nhiễm nguồn nước và các con đập được xây dựng trên hệ thống sông này.
"Chưa thể nói trước liệu lệnh cấm này có tác dụng rõ rệt hay không, bởi vẫn còn rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng môi trường sông Dương Tử và môi trường sống của các loài cá", giáo sư Dudgeon bình luận.
"Nhưng một điều chắc chắn là lệnh cấm đánh bắt cá sẽ giúp các loài cá hồi phục, đặc biệt là những loài cá lớn thường bị đánh bắt quá mức", ông Dudgeon cho biết.
Trong khi đó, ông Wang Yamin, phó giáo sư tại trường Hàng hải thuộc Đại học Sơn Đông, lại khá lạc quan về lệnh cấm, và tin rằng lệnh cấm này sẽ giúp sản lượng cá trên sông Dương Tử tăng trở lại.
"Tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố ảnh hưởng tới hệ sinh thái sông Dương Tử, do đó chúng ta cần phải kết hợp với nhiều biện pháp khác để giải quyết vấn đề này", ông Vương cho biết Trung Quốc đã và đang nỗ lực khắc phục tình trạng ô nhiễm trên con sông này, và thực tế môi trường ở đây cũng đã được cải thiện.
Ảnh: Handout
Ảnh hưởng của lệnh cấm đối với cộng đồng ngư dân cũng là một mối quan ngại. Tuần trước, ông Song Xin, một quan chức của Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội Trung Quốc, cho biết một số ngư dân sẽ được bố trí công việc trong các lĩnh vực liên quan đến ngành đánh bắt cá. Chính quyền cũng sẽ sắp xếp các khóa học nghề để giúp những người bị ảnh hưởng tìm được công việc mới trong ngành xây dựng hoặc trong các nhà máy; và đối với những người muốn tự kinh doanh, chính quyền cũng cam kết sẽ hỗ trợ tài chính hoặc cho vay ưu đãi.
Ông Wang ở thành phố Tương Dương được đền bù 120.000 Nhân dân tệ sau khi giao nộp đồ nghề, tàu đánh cá cho chính quyền, nhưng ông này nói rằng số tiền này "chưa công bằng".
"Gia đình tôi đã làm nghề này 4 đời rồi. Chúng tôi không có thu nhập nào khác ngoại trừ nguồn đánh bắt cá, nhưng tiền đền bù của chúng tôi chỉ bằng những người có ruộng hoặc có công việc khác", ông Vương nói. Lo lắng của ông Vương và những ngư dân hơn 40 tuổi là họ sẽ rất khó tìm việc làm mới tại địa phương do tuổi tác của mình.
Sara Platto, một chuyên gia về hành vi động vật tại tổ chức phi chính phủ về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển xanh ở Bắc Kinh, Trung Quốc, cho rằng các ngư dân cũng là đối tượng cần được "bảo tồn", vì họ là những người có nhiều kiến thức về dòng sông Dương Tử nhất.
"30 vạn ngư dân là một nguồn hiểu biết cần được trân trọng và có thể sử dụng cho việc khôi phục hệ sinh thái. Đánh bắt cá không chỉ là một nghề, mà còn là một cách sống", bà Platto kết luận.
Trí thức trẻ