MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khó khăn "bủa vây" ngành chăn nuôi tỉnh Đồng Nai

11-04-2023 - 10:31 AM | Thị trường

Tỉnh Đồng Nai được xem là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay ngành chăn nuôi Đồng Nai đang đứng trước thách thức không hề nhỏ, khi một mặt vừa phải đảm bảo chủ trương di dời để tránh ảnh hưởng môi trường, mặt khác các hộ chăn nuôi đang khó khăn về nguồn vốn để tiếp tục hoạt động.

Chăn nuôi phải đảm bảo môi trường

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định di dời hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Các cơ sở phải di dời chủ yếu là nuôi heo và gà, lộ trình chậm nhất phải di dời là trước 31/12/2024. Về chủ trương chung, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng, tỉnh phát triển về chăn nuôi nhưng phải đúng quy hoạch và đáp ứng môi trường. Cần có chế tài đủ mạnh để xử lý các cơ sở vi phạm, coi nhẹ môi trường. Đồng thời, các cơ quan như HĐND, Mặt trận Tổ quốc cũng phải giám sát về vấn đề này.

“Thủ phủ” chăn nuôi Đồng Nai hiện có tổng đàn heo là hơn 2,6 triệu con và tổng đàn gà khoảng 26 triệu con. Tính riêng năm 2022, sản lượng ngành chăn nuôi đạt hơn 644.000 tấn. Số lượng hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi phải di dời hoặc ngưng hoạt động chiếm hơn 50% sản lượng ngành chăn nuôi của tỉnh. Các cơ sở chăn nuôi heo và gà tập trung nhiều ở các huyện Trảng Bom, Long Thành, Thống Nhất, Vĩnh Cửu.

Khó khăn "bủa vây" ngành chăn nuôi tỉnh Đồng Nai - Ảnh 1.

Người chăn nuôi Đồng Nai đang gặp nhiều khó khăn

Nói về vấn đề di dời, ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng: “Sản xuất phải mang tính chất bền vững. Hiện nay, tỉnh đã đạt nhiều xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Định hướng của tỉnh Đồng Nai sẽ phát triển khai thác du lịch, vì vậy vấn đề môi trường sẽ được coi trọng”.

Đứng trước quyết định di dời, các cơ sở chăn nuôi đang hết sức lo lắng. Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Long Thành Phát, huyện Long Thành cho biết, chủ trương bảo vệ môi trường là đúng. Tuy nhiên, đến nay chưa có thông tin cơ sở nào phải di dời, cơ sở nào được tiếp tục. Với những trang trại lớn thì cần phải có sự chuẩn bị để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, cùng với đó là cần hỗ trợ giới thiệu vị trí để thuê đất, hỗ trợ vốn vay để xây dựng mới chuồng trại.

“Trường hợp nào có thể khắc phục được thì nên cho giãn, trường hợp nào có thể tồn tại lâu dài thì phải có giải pháp. Nếu đùng một cái, trong thời gian không đầy 2 năm mà cho ngưng, di dời thì sẽ dẫn đến hệ lụy rất lớn”, ông Quyết đề nghị.

Người chăn nuôi gánh lỗ

Khó khăn "bủa vây" ngành chăn nuôi Đồng Nai khi giá cả đầu ra hiện đang sụt giảm mạnh. Hiện giá heo hơi là 48.000 đồng/kg trong khi giá thức ăn là 360.000 đồng/bao cám. Nếu mỗi con heo sau 6-7 tháng mới xuất chuồng thì chủ cơ sở chăn nuôi có thể bị lỗ khoảng 1 triệu đồng/con. Đối với gà, giá thành gà công nghiệp cũng giảm sâu, dao động từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg. Nhiều cơ sở chăn nuôi gà phải gánh lỗ liên tục từ tháng 12/2022 đến nay và lâm vào bế tắc.

Khó khăn "bủa vây" ngành chăn nuôi tỉnh Đồng Nai - Ảnh 2.

Cần có giải pháp để ngành chăn nuôi Đồng Nai phát triển bền vững

Trước việc giá thức ăn tăng cao, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai có văn bản gửi các cơ quan Trung ương đề xuất giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương (nguyên liệu chính làm thức ăn chăn nuôi) từ 2% xuống mức 0%. Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cũng gửi văn bản đến Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị cho người chăn nuôi được gia hạn nợ gốc, đồng thời giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng thương mại mở gói vay đặc thù cho lĩnh vực đầu tư trang trại.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, nếu không được hỗ trợ thì các cơ sở chăn nuôi đứng trước nguy cơ phá sản: “Nếu không có những quyết sách trong lúc này thì ngành chăn nuôi rất khó khăn. Làm sao hỗ trợ đúng pháp luật và có sự công bằng. Người chăn nuôi rất mong mỏi những hỗ trợ này từ các cơ quan chức năng”.

Trong cuộc làm việc với ngành chăn nuôi Đồng Nai vào tháng 3/2023, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh, cần phải có sự liên kết trong chuỗi chăn nuôi, đầu tư vào con giống và phải thay đổi phương thức sản xuất theo hướng tiếp cận công nghệ mới, khép kín, tự động hóa.

“Sơ chế, chế biến phải đa dạng hóa, gắn với chuỗi phân phối để sản phẩm có nhiều phân khúc thị trường hơn, nhu cầu của xã hội được đáp ứng tốt hơn, phục vụ ngay nội tiêu trong nước. Tập trung cho xúc tiến thương mại, tìm vào những thị trường mà chưa được cập nhật”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ.

Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, tỉnh Đồng Nai cần có quy hoạch bài bản, dài hơi về những khu vực chăn nuôi tập trung, cũng như hỗ trợ người dân, doanh nghiệp xây dựng trang trại quy mô lớn, hiện đại. Cùng với đó, có định hướng và chính sách xây dựng chuỗi liên kết, khép kín trong chăn nuôi từ khâu con giống, thức ăn cho tới khâu tiêu thụ sản phẩm.

Theo Duy Phương

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên