Khó khăn chồng chất đón chờ tân Thủ tướng Anh Theresa May
Thủ tướng tiếp theo của Vương quốc Anh sẽ chỉ có hai ngày, không phải vài tháng, để xây dựng một đội ngũ lãnh đạo giải cứu nước Anh từ cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong một thế hệ.
- 09-07-2016Ai mới là người nắm trong tay thực quyền kích hoạt Brexit?
- 06-07-2016Giải mã đà tăng giá của vàng thế giới: Brexit nguội rồi mà sao vàng vẫn sốt
- 24-06-2016Thủ tướng Anh David Cameron từ chức
Đảng Bảo thủ cầm quyền Anh xác nhận Bộ trưởng Nội vụ Theresa May đã chính thức là người đứng đầu đảng này và sẽ sớm nhậm chức Thủ tướng Anh trước tối ngày thứ Tư. Người phụ nữ 59 tuổi đã được chọn để tiếp bước con đường thành công của David Cameron để trở thành Thủ tướng, sau khi đối thủ của bà, Andrea Leadsom bất ngờ rút khỏi cuộc đua.
Tuy nhiên, sự vui mừng không kéo dài lâu bởi nước Anh đang trong giai đoạn mà có lẽ là một trong những khung cảnh khó khăn nhất đối với bất kỳ vị Thủ tướng nào. Với quỹ thời gian hạn hẹp, May sẽ phải quyết định thật nhanh những nhà lãnh đạo cho từng vị trí quan trọng.
Cụ thể, vị Thủ tướng tiếp theo của nước Anh phải chọn ai sẽ là người chèo lái các cuộc đàm phán Brexit, ai là người xứng đáng dẫn dắt nền kinh tế vượt qua khủng hoảng với vai trò như một Bộ trưởng bộ Tài chính và ai sẽ là Bộ trưởng bộ Nội vụ để giải quyết vấn nạn người nhập cư đảm nhiệm chức danh cũ của bà.
Đặc biệt, người thay bà làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ phải chịu áp lực rất lớn bởi vì vai trò đó là một trong những văn phòng quan trọng của nhà nước, chịu trách nhiệm vấn nạn người nhập cư, lập chính sách và an ninh quốc phòng.
Kế hoạch nhanh chóng
“Các nhà đầu tư sẽ trông đợi bà ấy sắp đặt các mục tiêu đàm phán quan trọng trong Brexit”, Myles Bradshaw, nhà quản lý 7 tỷ USD tài sản tại Amundi cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Nhưng bà ấy khó có thể hoàn thành công việc nhanh chóng, đặc biệt khi bà là một ứng cử viên được đồng thuận lựa chọn chứ không phải là một người chiến thắng trong cuộc bầu cử”.
Trong khi thông báo với người dân rằng mình sẽ thực hiện theo kết quả của cuộc trưng cầu dân ý, May cũng cho biết bà ủng hộ việc chờ đợi đến năm 2017 mới kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon.
Theo quy định tại Điều 50 thì mọi thành viên đều có thể tự mình quyết định khỏi Lên minh theo trình tự được quy định. Và khi một nước thành viên muốn rời khỏi EU phải thông báo cho Hội đồng châu Âu (EC).
Thêm vào đó, Điều 50 cũng quy định chỉ có nước thành viên có ý định rời khỏi liên minh mới có quyền quyết định thời điểm ra tuyên bố chính thức. Với lộ trình 2 năm để triển khai các cuộc đàm phán chính thức, đồng nghĩa với việc Anh vẫn là thành viên EU ít nhất cho đến năm 2018 hoặc 2019.
“Bà ấy đã thể hiện rõ quan điểm về việc không muốn kích hoạt điều khoản này ngay lập tức, mặc dù những người châu Âu muốn nó phải được thực hiện ngay bây giờ”, Ryan Myerberg, người quản lý danh mục đầu tư tại Janus Capital trụ sở London cho biết.
Khi Cameron chuẩn bị chủ trì cuộc họp nội các cuối cùng của mình ngày hôm qua, May – người được chọn để thay thế vai trò của ông sớm hơn dự kiến – sẽ phải đối mặt áp lực từ phe ủng hộ Brexit và các nhà lãnh đạo ở châu Âu để xúc tiến kích hoạt điều khoản nhanh hơn.
“Vương quốc Anh sẽ phải chọn lựa một cách nhanh chóng về việc nước này muốn tổ chức mối quan hệ tương lai của mình với EU”, Thủ tướng Đức, Angela Merkel cho biết tại một buổi gặp mặt các đại sứ nước ngoài. “Đứng trên quan điểm của Đức, tôi chỉ có thể khuyến khích điều đó”.
Bộ trưởng Tài chính tiếp theo
Ngoại trưởng Philip Hammond, phát ngôn viên của kho bạc nhà nước, có lẽ là cái tên được May lựa chọn để thay thế bộ trưởng Bộ Tài chính George Osborne trong trường hợp bà cần một sự thay đổi.
Osborne đã vấp phải những lời chỉ trích xuyên suốt chiến dịch trưng cầu dân ý vì lời cảnh báo suy thoái kinh tế và khả năng ngân sách rơi vào tình trạng khẩn cấp hậu Brexit. Bà May cũng đã chê trách ông vì đã không cung cấp “những cải cách kinh tế đủ sâu sắc”.
Vì thế, chọn người thay thế Osborne để thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng nền kinh tế để hướng đến lộ trình thặng dư ngân sách cho năm 2020 của mình, nhiều khả năng May sẽ chọn ngoại trưởng Hammond.
“Một số người đã nói Hammond là một sự thay thế khá rõ ràng”, Tim Bale, giáo sư chính trị tại đại học Luân Đôn cho biết. “Trong nhiều cách, Hammond sẽ phù hợp với những kế hoạch tương lai của May. Ông không mang lại nhiều cảm hứng quá đặc biệt nhưng lại là sự lựa chọn an toàn”.
Đoàn kết
Quyết định từ bỏ cuộc đua của Leadsom đã khiến nhiều người xếp hàng bên ngoài Hạ viện để ủng hộ cho vị Thủ tướng tiếp theo bị sốc. Trên đường quay trở lại London sau khi hoàn thành bài phát biểu đầu tiên tại Birmingham– trong khuôn khổ chiến dịch tranh cử - May đã nghe tin tức trên qua đài phát thanh xe hơi.
May sẽ đảm nhiệm trọng trách quản lý đất nước ở giai đoạn chia ly EU trong bối cảnh thị trường tài chính bất ổn, đồng bảng rơi xuống mức thấp nhất trong hơn ba thập kỷ. Chris Grayling, người ủng hộ chiến dịch Brexit và cũng là người điều hành chiến dịch lãnh đạo của May đã được tiến cử cho một công việc cấp cao trong chính quyền mới, thay mặt bà kêu gọi sự đoàn kết trong nội bộ các đảng.
“Nước Anh cần mạnh mẽ, đoàn kết và phát huy tố chất lãnh đạo để chèo lái đất nước vượt qua những thời điểm khó khăn, bất ổn về kinh tế và chính trị". May cho biết trong một email gửi tới những người ủng hộ sau khi Đảng Bảo thủ đã xác nhận rằng bà sẽ là nhà lãnh đạo mới của đất nước. Bà cam kết sẽ "đàm phán các thỏa thuận tốt nhất cho nước Anh khi chia tách khỏi EU và tiến đến một vai trò mới trên thế giới”.
Các bước chính
Thủ tướng đương nhiệm Cameron cho biết ông sẽ ghé thăm Nữ hoàng Elizabeth II để chào hỏi và đệ đơn xin từ chức. Cùng ngày, ông sẽ tham dự phiên chất vấn Thủ tướng cuối cùng của mình tại Hạ viện và sau đó sẽ tới Cung điện đệ đơn từ chức.
Phát biểu tại Số 10 phố Downing trung tâm London, ông Cameron tuyên bố ngắn gọn: “Chúng ta sẽ có Thủ tướng mới trước tối thứ Tư. Bà ấy mạnh mẽ, có thẩm quyền và là sự lựa chọn xứng đáng cho vị trí lãnh đạo đất nước vượt qua những bất ổn trong những năm tới”.
Sau đó, quốc Vương sẽ mời Theresa May làm lãnh đạo của đảng Bảo thủ cầm quyền với nhiều chiếc ghế trong Hạ viện để thành lập một chính phủ mới.