Khó kiểm soát lao động Trung Quốc làm "chui"
Tại TP Nha Trang, nhiều cửa hàng khi bán cho khách Trung Quốc thì sử dụng máy chuyển tiền trực tiếp qua thẻ để thanh toán, gây khó khăn khi truy xuất hàng hóa và thất thu thuế
Ngày 7-6, ông Võ Bình Tân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Khánh Hòa, cho biết trong đợt kiểm tra việc sử dụng người nước ngoài tại TP Nha Trang cuối tháng 5, sở này phát hiện 55 trường hợp người Trung Quốc (TQ) đang làm việc, trong đó có 25 người làm việc "chui".
Đóng cửa, bất hợp tác
Từ tháng 2, Báo Người Lao Động đã phản ánh tình trạng người TQ "lách luật" bám lại TP Nha Trang, hoạt động tại các cơ sở kinh doanh chuyên phục vụ du khách TQ. Lực lượng chức năng tỉnh Khánh Hòa sau đó kiểm tra nhiều đợt. Mới nhất là cuối tháng 5, Sở LĐ-TB-XH kiểm tra 10 cơ sở, trong đó có Công ty TNHH TM-DV Du lịch Phúc Lai cố tình không cung cấp hồ sơ tài liệu và gây khó khăn trong việc xác minh các nội dung kiểm tra.
Hộ kinh doanh Kho Báu Đại Dương là nơi có 73 người Trung Quốc đang lao động "chui"
"Họ đóng cửa, bất hợp tác, tìm cách "đánh tháo" các người nước ngoài đang làm việc tại đây. Chúng tôi không kiểm tra được mà phải chuyển hồ sơ qua Công an TP Nha Trang để tiếp tục xử lý" - ông Tân cho biết.
Trong 9 doanh nghiệp (DN) còn lại có 7 DN sử dụng tổng cộng 55 lao động người TQ, trong đó có 4 DN sử dụng 25 lao động người TQ làm việc tại vị trí là lao động kỹ thuật, hỗ trợ ngôn ngữ làm việc liên tục trên 30 ngày mà không có giấy phép lao động nên vi phạm "sử dụng lao động người nước ngoài tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động", bị phạt tổng cộng 210 triệu đồng.
Theo Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa, trong 3 tháng đầu năm, đơn vị phát hiện 3 cơ sở sử dụng lao động TQ "chui" với số lượng lớn như: hộ kinh doanh Kho Báu Đại Dương (73 người), Công ty TNHH Trung Kỳ Nha Trang (39 người), Công ty TNHH Silk Road Việt Nam (18 người…).
Sẽ kiểm tra đột xuất
Tại các cửa hàng chuyên phục vụ khách TQ, hàng hóa chủ yếu là sản phẩm chăn, gối, nệm cao su… từ TQ nhập khẩu. Các sản phẩm trang sức, mỹ nghệ, vải vóc được bán với giá rất cao. Sau khi báo chí phản ánh, Chi cục QLTT liên tục cử đoàn kiểm tra và phát hiện rất nhiều sai phạm.
Báo cáo mới nhất là trong tháng 5, Chi cục QLTT kiểm tra 5 cơ sở bán hàng TQ thì có 3 cơ sở sai phạm, xử phạt tổng cộng 14,5 triệu đồng. Trước đó, khi kiểm tra 12 cơ sở kinh doanh (từ ngày 12 đến 16-3), chi cục cũng phát hiện 9 cơ sở vi phạm: không có nhãn mác hàng hóa, không nhãn phụ, không niêm yết giá… và xử phạt tổng cộng trên 183 triệu đồng, thu giữ hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ giá trị gần 55 triệu đồng. Riêng TP Nha Trang, đoàn kiểm tra liên ngành của TP kiểm tra đột xuất 106 lượt với 93 cơ sở phục vụ khách TQ thì có 45 cơ sở vi phạm, xử phạt tổng cộng 777 triệu đồng, tịch thu hàng hóa trị giá gần 223 triệu đồng.
Nhiều cửa hàng khi bán cho khách TQ thì sử dụng máy POS (chuyển tiền trực tiếp qua thẻ) để thanh toán gây khó khăn khi truy xuất hàng hóa, thất thu thuế. Đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa cho biết đang phối hợp các đơn vị chức năng tiếp tục kiểm tra dấu hiệu vi phạm về tiền tệ, trốn thuế…
Bà Nguyễn Thị Hồng Sâm, Chánh Văn phòng UBND TP Nha Trang, cho biết TP đã chỉ đạo các xã, phường tăng cường rà soát, kiểm tra tình hình kinh doanh, lưu trú người nước ngoài, nhất là du khách TQ, lên danh sách cụ thể. TP sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất những điểm kinh doanh phục vụ khách nước ngoài. Qua kiểm tra ban đầu đã phát hiện gần 10 trường hợp vi phạm.
Về việc phát hiện 55 lao động TQ nhưng chỉ có 25 người vi phạm pháp luật như đã nêu trên, một cán bộ thanh tra của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Khánh Hòa giải thích do một số người được cấp giấy phép lao động còn đa số là không thuộc diện phải cấp giấy phép.
Hoạt động thế nào, địa phương không thể biết
Ông Đặng Lợi, Chủ tịch UBND xã Phước Đồng (TP Nha Trang), thừa nhận thời gian gần đây ở địa phương này xuất hiện tình trạng người Việt Nam mua bán, xây dựng cơ sở kinh doanh phục vụ khách TQ. Có 10 cơ sở, trong đó 8 cửa hàng lớn chuyên phục vụ khách du lịch TQ. Những cơ sở này đều do người Việt đứng tên nhưng thực tế, rất nhiều người TQ làm việc tại đây. Lao động TQ hoạt động như thế nào, địa phương không thể biết vì cán bộ xã đến kiểm tra thì họ không cho vào. Lượng khách TQ đăng ký ở dài ngày tại nhà dân, nhà nghỉ, khách sạn ở địa phương khoảng trên 100 người, cao điểm trước Tết nguyên đán có gần 200 người.
Người lao động