Khó như làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ dưới thời Tổng thống Trump
Là một trong số rất ít những người ôn hòa còn sót lại ở Nhà Trắng, Mnuchin đóng vai trò – dù không phải lúc nào cũng thành công – như 1 bức tường thành chống lại những làn sóng bất ổn trong Nhà Trắng.
- 14-08-2018"Ngõ cụt" chờ Tổng thống Trump trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
- 11-08-2018Những điều ít biết về người đàn ông đứng sau những động thái gây sốc của Tổng thống Trump trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
- 08-08-2018Thị trường tài chính của đất nước này chao đảo vì lời đe dọa cấm vận của Tổng thống Trump
- 06-08-2018Tổng thống Trump: Mỹ đang giành chiến thắng, thuế quan đang thực sự tàn phá kinh tế Trung Quốc
Nếu muốn hiểu rõ hơn về Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, bạn phải hiểu vì sao đôi lúc ông sẽ né tránh tới Pebble Beach. Khu vực nằm ở bãi cỏ phía Bắc Nhà Trắng không có liên quan gì đến khu nghỉ dưỡng kèm sân golf sang trọng nổi tiếng của bang California (mặc dù trùng tên) mà Tổng thống Trump thường lui tới vào cuối tuần. Đây là khu vực báo chí được phép hoạt động và thực tế là đã có một số cố vấn của ông Trump bước vào Pebble Beach để lên sóng trực tiếp trả lời về những rắc rối mà họ gặp phải khi làm việc trong Nhà Trắng, để rồi họ tự tìm thấy mình bị rơi vào cảnh sa lầy.
Nhưng đó không phải là trường hợp của Mnuchin, người thường chọn lối đi vòng qua cánh tây của trụ sở Bộ Tài chính để tới Nhà Trắng trò chuyện riêng với ngài Tổng thống. Đó là một trong những cách để cho tới nay vị Bộ trưởng này vẫn giữ được mối quan hệ êm đẹp với Donald Trump – người luôn đặt sự trung thành lên hàng đầu và sẽ "chấm điểm" các cố vấn của mình thông qua những gì họ phát biểu trên báo chí.
Chiến lược biết giữ im lặng đúng lúc, không để lộ bất cứ sự bất đồng nào với Tổng thống trên truyền thông cũng là cách để Mnuchin giữ được chiến lược phát triển kinh tế mà ông đã góp phần vạch ra, đồng thời giúp ông giữ được uy tín trên thị trường tài chính. Chí ít thì ở thời điểm hiện tại, Steven Mnuchin (55 tuổi) vẫn trụ lại trong một nội các đã có tới 22 quan chức cấp cao đã từ chức hoặc bị sa thải.
Những tay sừng sỏ ở phố Wall, các nhân vật nắm rõ nội tình ở Washington và cả giới tài chính New York từng nghi ngờ nhân vật ngoại đạo với giới chính trị này sẽ sớm ra đi. Tuy nhiên tính đến nay đã 18 tháng sau khi nhậm chức, Mnuchin đã chứng minh họ sai. Thậm chí cựu lãnh đạo Goldman Sachs Gary Cohn, người được ông Trump rất tin tưởng ở vị trí cố vấn kinh tế trưởng, cũng đã từ chức.
Giờ đây Bộ trưởng Tài chính Mỹ trở thành tiếng nói thận trọng hiếm hoi nổi lên giữa khung cảnh có phần hỗn loạn bị khuấy động bởi vị Tổng thống không kiên định. Mnuchin không phàn nàn về điều đó. "Đôi lúc ông ấy sẽ đồng tình với tôi, đôi lúc sẽ không đồng tình. Nhưng ông ấy là Tổng thống của nước Mỹ, ông ấy ngồi ở đây vì hiểu rõ nhiều vấn đề".
Là một trong số rất ít những người ôn hòa còn sót lại ở Nhà Trắng, Mnuchin đóng vai trò – dù không phải lúc nào cũng thành công – như 1 bức tường thành chống lại những làn sóng bất ổn trong Nhà Trắng. Ông đã cố gắng thuyết phục Tổng thống Trump không theo đuổi chiến tranh thương mại toàn diện với Trung Quốc và các đồng minh khác – điều mà nhiều người tin là sẽ phá hủy kinh tế toàn cầu, tác động đến các lệnh trừng phạt chống lại Nga – đất nước gây nhiều tranh cãi và có ý nghĩa quan trọng với Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra trong vài tháng tới.
Những tháng tới cũng sẽ quyết định liệu cách của Mnuchin có thể giữ cho chính sách kinh tế của nước Mỹ và cả sự nghiệp chính trị của chính ông đi đúng hướng hay không. Mnuchin thường là người lên tiếng giải thích rằng Tổng thống Trump thực sự không có ý như vậy mỗi khi ông lỡ lời dù là phát biểu trực tiếp hay trên Twitter.
Ví dụ, hồi tháng 7, Mnuchin tới Buenos Aires dự hội nghị bộ trưởng Tài chính G20 ngay sau khi Tổng thống Mỹ chỉ trích châu Âu và Trung Quốc thao túng tỷ giá và ông đã phải vất vả xoa dịu những người đồng cấp. Khi thị trường cảm thấy sự độc lập của NHTW Mỹ bị đe dọa bởi ông Trump công khai chỉ trích động thái tăng lãi suất của Fed, Mnuchin nói: "Tôi đảm bảo với các bạn rằng, bởi vì tôi vừa nói chuyện với ngài Tổng thống, ông ấy không hề có ý định gây áp lực lên Fed".
Cách hành xử khéo léo của Mnuchin không giống với vai trò truyền thống của Bộ trưởng Tài chính Mỹ. Các đời Tổng thống trước hoàn toàn phó mặc chuyện quản lý chính sách kinh tế cho những nhân tài phố Wall. Robert Rubin, Bộ trưởng Tài chính dưới thời Bill Clinton từng giữ chức đồng chủ tịch của Goldman Sachs, được coi là cha đẻ của chính sách đồng USD mạnh mà các thế hệ kế nhiệm ông đã cẩn thận nuôi dưỡng trong hơn 2 thập kỷ qua. George W.Bush thì hoàn toàn tin tưởng Hank Paulson (1 cựu lãnh đạo khác của Goldman) trong việc xử lý những cơn sóng đầu tiên của khủng hoảng tài chính trong năm 2007. Timothy Geithner – Bộ trưởng Tài chính đầu tiên dưới thời ông Obama – cũng được đối xử tương tự.
Tất cả những nhân vật kể trên đều có kinh nghiệm hoạt động trên chính trường trước khi làm Bộ trưởng, còn Mnuchin thì không. Là con trai của 1 cựu nhân viên Goldman Sachs, ông cũng có 17 năm làm việc tại đây. Lloyd Blankfein, CEO đương nhiệm của Goldman và là ông chủ cũ của Mnuchin, tự hào ca ngợi ông là 1 "ngôi sao". Sau này Mnuchin bước chân vào ngành quỹ đầu cơ, tài trợ cho các thương vụ bất động sản (trong đó có ít nhất 2 dự án của nhà Trump) và các bộ phim như Avatar (bom tấn năm 2009 của đạo diễn James Cameron).
Mnuchin và Trump đã quen biết từ nhiều năm trước. Trong suốt chiến dịch tranh cử của Trump (mà Mnuchin đóng vai trò là người phụ trách tài chính), hầu như ngày nào họ cũng đi cùng nhau. Trước khi đắc cử Trump cũng đã tuyên bố Mnuchin sẽ là Bộ trưởng Tài chính. Tuy nhiên theo 1 nguồn tin thân cận, Mnuchin vẫn rất chăm chỉ chuẩn bị cho buổi phỏng vấn thi vào vị trí Bộ trưởng, thậm chí đến tìm lời khuyên từ Paulson và Rubin.
Steven Mnuchin đang đảm nhiệm 1 khối lượng công việc có phạm vi rộng hơn rất nhiều so với những người tiền nhiệm. Ông phải quản lý thị trường trái phiếu kho bạc đã tăng gấp 3 quy mô trong thập kỷ vừa qua, lên mức 15.000 tỷ USD; dẫn đầu 1 nhóm các nhà quản lý tại Ủy ban giám sát ổn định tài chính, cơ quan được lập ra sau khủng hoảng tài chính 2008; và đảm nhiệm cả chính sách ngoại giao kinh tế. Ông cũng phải quản lý các chương trình chống rửa tiền và phát triển các lệnh cấm vận.
Mnuchin luôn tránh đi qua Pebble Beach, nhưng chính bản thân ông cũng biết rằng không phải lúc nào cũng có thể làm được điều đó. Ngày 26/7, ông đứng đó trả lời các câu hỏi của phóng viên xung quanh chính sách kiểm soát tỷ giá nhân dân tệ của Bắc Kinh cũng như lệnh cấm vận Nga và các vấn đề thương mại khác.
Mnuchin theo đuổi chiến lược thân thiện với thị trường, muốn đàm phán để Trung Quốc tăng mua hàng hóa dịch vụ của Mỹ đồng thời giảm bớt các rào cản nhập khẩu. Các lệnh trừng phạt, cấm vận không nằm trong kế hoạch của ông. Nhưng những gì đã diễn ra cho thấy Tổng thống Trump đã không làm theo ước muốn của Mnuchin. Theo 1 quan chức Nhà Trắng, Trump vẫn ưu ái Mnuchin nhưng đã quá chán nản khi đàm phán với Trung Quốc liên tiếp thất bại.
May mắn là những chính sách kinh tế (được hậu thuẫn rất lớn bởi Bộ trưởng Mnuchin) mà nước Mỹ đang triển khai đang tỏ ra hiệu quả. Nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng 4,1% trong quý II, mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Dẫu vậy hãy hi vọng rằng các đề xuất cắt giảm thuế của Mnuchin sẽ không làm tổn hại đến tương lai của nước Mỹ. Thâm hụt ngân sách liên bang được dự báo sẽ chạm mốc 1.000 tỷ USD vào năm 2020.