MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khó trông chờ cổ tức bằng tiền

04-03-2019 - 14:56 PM | Tài chính - ngân hàng

Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) NH đang đến gần, và một trong những vấn đề lớn được cổ đông quan tâm vẫn là cổ tức. Hiện đã có NH mở màn lấy ý kiến về việc phân phối lợi nhuận năm 2018, nhưng không phải là tin vui đối với cổ đông vì NH này sẽ giữ lại toàn bộ lợi nhuận để tăng vốn.

Nhìn từ áp lực tăng vốn chung toàn ngành NH đang đối mặt, dự báo năm nay giữ lại lợi nhuận, chia cổ tức bằng cổ phiếu vẫn sẽ tiếp tục là phương án được đa số nhà băng chọn lựa.

Nền tảng tăng vốn vẫn là cổ tức

Năm 2018, VPBank đã phát hành hơn 925,6 triệu cổ phần để nâng vốn điều lệ lên gần 25.300 tỷ đồng, trong đó gồm hơn 452,4 triệu cổ phần để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2017; hơn 15,4 triệu cổ phần để tăng vốn điều lệ từ nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, và hơn 457,7 cổ phần để tăng vốn điều lệ từ nguồn thặng dư vốn cổ phần.

Tương tự trong năm 2018, MB thành công tăng vốn khi chia cổ tức bằng cổ phiếu. Cụ thể, MB tăng thêm 3.450 tỷ đồng, đưa vốn điều lệ lên gần 21.605 tỷ đồng nhờ vào đợt phát hành riêng lẻ 345 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức đợt 2-2017 tỷ lệ 5%, và chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 14%. Techcombank chia cổ tức bằng cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 1:2 trong quý III-2018, giúp vốn điều lệ đã tăng gấp 3 lần lên 34.956 tỷ đồng.

Quý cuối của năm 2018, nhiều NH cũng gấp rút trong vấn đề này, như LienVietPostBank phát hành 37,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức và 200 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn lên 9.875 tỷ đồng. ABBank cũng đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu để chia cổ tức tỷ lệ 7,4%, tương ứng với phát hành hơn 39,3 triệu cổ phiếu.

SeABank thực hiện 3 đợt phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên, trả cổ tức và chào bán cho các cổ đông hiện hữu… với hơn 222,2 triệu cổ phiếu tăng vốn lên 7.688 tỷ đồng. TPBank lên kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu và chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tổng tỷ lệ 28% để tăng vốn lên 8.566 tỷ đồng.

Khó trông chờ cổ tức bằng tiền - Ảnh 1.

Dù được công nhận đủ tiêu chuẩn áp dụng Basel II, nhưng VIB vẫn đứng trước áp lực tăng vốn tiếp từ nguồn cổ tức.

Lúc này khi mùa ĐHCĐ NH đã cận kề, cổ tức lại tiếp tục thu hút sự quan tâm của thị trường. Năm nay, VPBank là NH đầu tiên hé lộ thông tin về vấn đề này, nhưng có lẽ với cổ đông đây không phải là tin mừng sau một năm chờ đợi.

Cụ thể, VPBank đã phát hành phiếu lấy ý kiến cổ đông về việc thông qua báo cáo tài chính 2018 hợp nhất và riêng lẻ đã được kiểm toán bởi E&Y Việt Nam, và phương án phân phối lợi nhuận năm 2018. Trong đó, VPBank cho biết năm 2018 NH đạt hơn 7.355 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tổng mức trích lập các quỹ (bao gồm quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính và quỹ đầu tư phát triển) hơn 3.924 tỷ đồng.

Theo đó, tổng số lợi nhuận chưa phân phối của năm 2018 sau khi trích các quỹ là 3.431 tỷ đồng, sẽ được giữ lại toàn bộ nhằm mục đích bổ sung vốn cho hoạt động của VPBank.

Điều này cũng dễ hiểu, bởi hiện nay lợi nhuận có cải thiện nhưng áp lực tăng vốn đáp ứng Basel II vẫn còn rất lớn, nên khó kỳ vọng NH chia cổ tức tiền mặt. Kể cả các NHTM có vốn nhà nước, vài năm gần đây cũng liên tục đề xuất được chia cổ tức bằng cổ phiếu thay vì chia tiền mặt để tăng vốn.

Mới đây, lãnh đạo Vietinbank cũng đề nghị được thực hiện phương án phân phối lợi nhuận theo nguyên tắc, nếu tỷ lệ an toàn vốn không bảo đảm cho tăng trưởng tín dụng phục vụ cho tăng trưởng kinh tế theo các mục tiêu của Chính phủ, thì Vietinbank được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Việc chia cổ tức bằng tiền mặt chỉ thực hiện khi bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của pháp luật.

Thời của cổ tức tiền mặt còn xa

Nửa cuối năm 2017 và nửa đầu năm 2018, cổ phiếu NH là nhân tố dẫn dắt thị trường chứng khoán. Giá cổ phiếu VPBank chào sàn niêm yết và giữa tháng 8-2017 chỉ ở mức 39.000 đồng/cổ phiếu đã đạt gần 70.000 đồng/cổ phiếu vào giữa tháng 4-2018, tăng khoảng 80%.

Hay thông tin niêm yết trên sàn cũng đẩy giá cổ phiếu Techcombank từ 35.000 đồng/cổ phiếu trên thị trường OTC đạt mức 128.000 đồng/cổ phiếu vào ngày chào sàn 4-6-2018. Thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng NH chia cổ tức bằng cổ phiếu thì cổ đông vẫn được lợi. Nhưng xu hướng tăng của cổ phiếu NH không kéo dài và đã đổi chiều từ nửa cuối năm 2018.

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, kết thúc năm 2018 chỉ có cổ phiếu của 4/17 NH đã niêm yết trên HOSE, HNX và UPCoM tăng giá là BIDV, NCB, VIB và Eximbank tăng giá, còn lại các NH khác đều ghi nhận giảm. Theo một chuyên gia tài chính, 2 năm trước nhờ thị trường chứng khoán tốt và những cổ phiếu trước khi lên sàn được “tân trang” bằng lợi nhuận và thông tin tốt, nên giá cao nhưng sẽ bất lợi cho người đến sau.

Bất lợi này ngày càng lớn khi thị trường chứng khoán hạ nhiệt, cùng với đó là tác động từ việc NH phát hành cổ phiếu để trả cổ tức đã tạo thêm áp lực pha loãng cổ phiếu. Tại Techcombank, việc phát hành 3,5 tỷ cổ phiếu giúp nhà băng tăng vốn khủng, nhưng giá cổ phiếu tại ngày giao dịch không hưởng quyền cũng sẽ giảm 1/3 để đảm bảo giá trị vốn hóa của NH không thay đổi sau chia tách cổ phiếu.

Theo đó, từ mức giá khủng khi tiến hành niêm yết 128.000 đồng, cổ phiếu Techcombank chỉ còn giao dịch với giá 26.600 đồng vào đầu tháng 3-2019. Trong một bối cảnh như vậy, chia cổ tức bằng cổ phiếu tiếp tục là điều cổ đông không mong muốn.

Tuy vậy, đây vẫn không phải là điều cổ đông có thể quyết định. Mở màn, VPBank lấy ý kiến cổ đông về việc giữ lại lợi nhuận. Và theo dự báo của giới phân tích thị trường, các NHTMCP khác sẽ tuân thủ theo quy định của NHNN. Bởi Cục Thanh tra giám sát NHNN từng cho biết, theo Điều 59 Luật Các TCTD, cổ đông có quyền quyết định tỷ lệ cổ tức.

Tuy nhiên, trong luật cũng quy định NHNN có thể áp dụng một số biện pháp liên quan đến việc chia cổ tức để đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống. Thực tế từ năm 2013 đến nay, NHNN đều duyệt mức cổ tức của các NH và việc chi trả cổ tức cũng được khuyến khích thực hiện bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, hỗ trợ tăng trưởng hoạt động cho vay và chống đỡ rủi ro.

Năm ngoái, trước hàng loạt đề nghị chia cổ tức cho cổ đông, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, sau 2 năm kể từ khi sáp nhập NH Phương Nam vào Sacombank, NH đã trình đề án tái cơ cấu sau sáp nhập và tháng 6-2017, đề án mới được thông qua và NHNN yêu cầu phải trích lập dự phòng. Cuối năm 2018 hoặc năm 2019, NH sẽ xin NHNN được trích một phần lợi nhuận có được, nếu NHNN thông qua mới có nguồn để chia cổ tức cho cổ đông, chỉ sau khi tái cơ cấu xong cổ đông mới có cổ tức đều đặn.

Nói đến Basel II, thời hạn hoàn thành ngày càng gần, nhưng tính đến nay trong số 10 NH thí điểm Basel II chỉ mới 2 NH chính thức áp dụng là Vietcombank và VIB. Nhưng kể cả như vậy, các NH này vẫn tiếp tục đứng trước áp lực tăng vốn để đảm bảo hệ số CAR. Với 8 NH còn lại, tăng vốn đáp ứng Basel II lại càng cần thiết hơn và nhiều NH khác đang tái cơ cấu cũng sẽ không đứng ngoài yêu cầu này. Trong diễn biến đó, thời cổ tức NH bằng tiền mặt sẽ vẫn còn ở rất xa.

Theo Bảo Tùng

Sài gòn đầu tư

Trở lên trên