Khổ vì mua chung cư mới
Bỏ tiền ra mua căn chung cư mới, tưởng rằng sẽ tận hưởng cuộc sống như mộng mà môi giới sẽ quảng cáo, một bước chân xuống ngàn tiện ích, nhưng gần một năm qua, nam nhân viên đến từ Hà Nội phải chật vật gồng lãi trong khi nhà vẫn chưa được nhận.
Hơn 2 năm trước, N. (nam nhân viên văn phòng ở Hà Nội) đã quyết định mua căn chung cư tại dự án ở Long Biên. "
Nhiều người bảo với tôi là ở chung cư rất thích, hợp với người trẻ vì hiện đại, văn minh. Dự án mà tôi mua cũng được môi giới quảng cáo là có rất nhiều tiện ích, bước xuống là bể bơi là khuôn viên xanh. Đó là những lý do khiến tôi quyết định vay mượn tiền để mua”, anh N. kể.
Theo anh N., trong cam kết mà anh nhận được, dự án sẽ được bàn giao vào cuối năm 2021. Nhưng đến hiện tại, anh N. vẫn phải gồng mình trả nợ, lãi, còn nhà vẫn chưa nhận được.
Cách đây 1 tuần, anh N. phải bỏ việc để cùng tham gia với hội những người mua nhà biểu tình, đàm phán với chủ đầu tư về thời hạn bàn giao nhà. Ngay cả đến tham quan dự án trực tiếp. anh N. bức xúc nói: "Cũng chẳng thấy viễn cảnh đẹp như bể bơi, khuôn viên xanh, tiện ích này, hay tiện ích kia mà môi giới nói".
Người mua nhà đối mặt với nhiều rủi ro khi mua căn hộ chung cư hình thành trong tương lai. (Ảnh minh hoạ).
“Chưa được tận hưởng sống hiện đại, hay văn minh mà đến hiện tại, tôi chỉ cảm thấy mang nợ vào thân khi vừa mất tiền, vừa chưa có nhà, lại phải bỏ việc đi biểu tình, rất tốn thời gian, công sức”, anh N. nói.
Cũng vay mượn mua chung cư, nhưng chị S. (Hoài Đức, Hà Nội) rơi vào tình cảnh “đi không được, ở không xong”. Vay mượn gia đình hai bên và ngân hàng khoản tiền lớn, chị S. và chồng động viên cố gắng làm việc, chắt bóp trả nợ để chuyển tới tổ ấm mới.
Thế nhưng, đến khi tới ở, hai vợ chồng phát khổ vì căn nhà bị thấm dột, nhất là khi vào mùa mưa. Một số bước tường mốc meo vì ngấm mưa. Thậm chí ở vệ sinh lúc nào ẩm nước do trục đường nước của toà nhà có vấn đề.
Dù đã gọi kĩ thuật toà nhà lên bảo hành nhưng vẫn không thể cải thiện được tình hình. “Khổ nhất là nhà vệ sinh bị ngấm nước. Khi tôi lên làm việc với căn tầng trên và sẵn sàng chi trả tiền để sửa trục nước trên đó nhưng họ không đồng ý. Thế nên căn nhà tôi ở dưới lúc nào cũng bị dính nước. Ở vừa khó chịu, vừa bực mình”.
Chưa kể, việc đi làm xa, tắc đường khiến vợ chồng chị S. cũng ngao ngán. “Đấy là chưa kể, ở chung cư, cư dân với ban quản trị cãi nhau liên hồi vì liên quan đến phí bảo trì”, chị S. nói thêm.
Đến tháng 8/2022, vợ chồng chị S. quyết định rao bán nhà. Nhưng điều đáng nói, khách xem biết vết thấm dột nên đều không mua. Nếu bán rẻ qúa so với thị trường thì vợ chồng chị lo không đủ tiền mua căn chung cư khác.
Có muôn bất cập khi người mua chung cư hình thành trong tương lai phải đối mặt như pháp lý, chất lượng công trình, hệ thống tiện ích đi kèm dự án như quảng cáo. Thậm chí, ngay cả khi chuyển về ở chung cư, nhiều người dân gặp phải bất cập liên quan đến hàng xóm cùng tầng hoặc tiếng ồn xung quanh.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, chung cư là môi trường tốt cho người ở độ tuổi trung lưu trở xuống. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, có rất nhiều căn hộ đã đi vào hoạt động, giá rõ ràng, người mua nhà có thể lựa chọn và tìm hiểu trước khi mua.
Kỹ hơn, người mua nhà nên thuê một thời gian để cảm nhận rồi mới nên xuống tiền. Bởi tiền thuê còn thấp hơn tiền lãi ngân hàng gửi cùng kỳ. Việc mua căn hộ tương lai khiến người mua thấp thỏm lo chủ đầu tư không hoàn thành và đến khi nhận nhà lại lo chất lượng xây dựng, quản lý.
Trong khi đó ông Nguyễn Chí Thanh, Phó chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam đưa ra quan điểm rằng, khi chọn mua nhà, điều quan trọng nhất cần lưu tâm là uy tín của chủ đầu tư, sự đồng bộ và tính hiện đại của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, mật độ cây xanh, tiện ích dịch vụ, chất lượng vận hành quản lý toà nhà.
Ông Thành nhấn mạnh, vấn đề pháp lý cần phải quan tâm đặc biệt. Nếu căn hộ không có sổ đỏ, đồng nghĩa nó được xây dựng không đúng quy định của pháp luật, không nên mua những căn như vậy.
Nhịp sống thị trường