MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khoảng cách "một trời một vực" giữa chế độ cho thầy Park và các HLV ngoại của Việt Nam

20-06-2019 - 21:34 PM | Sống

Những ví dụ kể trên cho thấy việc hiện tại các môn thể thao của Việt Nam có được HLV ngoại chất lượng phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài chứ không hề nằm ở sức hấp dẫn của chế độ đãi ngộ.

Thu nhập "cực khủng" của HLV Park Hang-seo từ khi sang Việt Nam

Khi tới Việt Nam vào tháng 10/2017, HLV Park Hang-seo kí vào bản hợp đồng có thời hạn đến tháng 1/2019, hưởng mức lương 20.000 USD/tháng sau thuế, kèm phụ phí khoảng 2.000 USD dành cho nơi ở, đi lại…

So với mặt bằng chung của các thầy ngoại trước đây của ĐT Việt Nam, vị chiến lược gia người Hàn Quốc là người hưởng lương cao thứ ba sau Henrique Calisto (25.000 USD) và Falko Goetz (22.000 USD). Cộng với việc trước đó đang cầm quân không thành công ở giải hạng Ba và thậm chí đã tính đến chuyện nghỉ hưu ở tuổi 58, chế độ đãi ngộ ở mức như vậy có thể coi là lý tưởng đối với ông Park.

 Khoảng cách một trời một vực giữa chế độ cho thầy Park và các HLV ngoại của Việt Nam - Ảnh 1.

Trước khi sang Việt Nam, ông Park đang dẫn dắt Changwon City thi đấu ở giải hang Ba Hàn Quốc.

Tuy nhiên những thành công rực rỡ cùng bóng đá Việt Nam chỉ sau thời gian ngắn cầm quân đã thực sự khiến cuộc sống của HLV Park Hang-seo thay đổi hoàn toàn.

Cùng những khoản thưởng lớn, ông Park còn trở thành gương mặt được nhiều nhãn hàng ở cả Việt Nam và Hàn Quốc săn đón với những hợp đồng quảng cáo hấp dẫn. Được biết, mức giá rẻ nhất để được HLV Park Hang-seo quảng cáo trong vòng một năm cũng rơi vào khoảng 12 tỷ đồng.

Trong trường hợp tiếp tục ở lại Việt Nam với mức lương được tăng lên 40-50.000 USD/tháng và những hợp đồng quảng cáo tiếp tục được duy trì, chắc chắn thu nhập của thầy Park còn cao hơn hiện tại nhiều lần.

Thầy ngoại của những môn thể thao khác

Tuy nhiên không phải môn thể thao nào cũng đủ khả năng để chi ra những đãi ngộ cao như vậy dành chuyên gia nước ngoài. Trên thực tế, mức lương dành cho các HLV ngoại của thể thao Việt Nam thuộc diện thấp so với thế giới, điều khiến cho việc tìm được thầy giỏi trở nên khó khăn.

Taekwondo Việt Nam có mối quan hệ tốt với Hàn Quốc, nhưng lần gần nhất chúng ta mời được một HLV đẳng cấp thế giới đã từ cách đây 9 năm. Nhà cựu vô địch thế giới Kim Jae Sik khi đó đã chấp nhận mức lương 2.700 USD/tháng (trước thuế) để sang Việt Nam làm việc và coi đó là bước thử nghiệm đầu tiên khi chuyển sang nghiệp huấn luyện.

Ở thời điểm ấy, ngoại trừ bóng đá, đó là mức lương ở mức cao dành cho các chuyên gia nước ngoài, nằm trong diện ưu tiên đặc biệt và đến tận bây giờ môn Taekwondo cũng vẫn chỉ được duy trì chế độ như vậy.

Những môn trọng điểm, có khả năng giành huy chương Olympic như Cử tạ, Bắn súng hay Thể dục dụng cụ cũng khó có được một thầy ngoại xứng tầm bởi bởi chế độ luôn chỉ ở mức 2-3.000 USD/tháng.

 Khoảng cách một trời một vực giữa chế độ cho thầy Park và các HLV ngoại của Việt Nam - Ảnh 2.

Hoàng Anh Tuấn (cử tạ) và Trần Hiếu Ngân (Taekwondo) từng mang về những tấm HCB lịch sử cho thể thao Việt Nam tại đấu trường Olympic.

Ở môn cầu lông, tay vợt Nguyễn Tiến Minh từng được TP.HCM thuê cho HLV Asep Suharno về huấn luyện trong 2 năm (2011-2012) với mức lượng 5.000 USD/tháng.

Tuy nhiên sau quãng thời gian không giúp Tiến Minh có được kết quả tốt, cộng với việc nhận được lời mời hấp dẫn hơn từ quê nhà, vị HLV từng đào tạo nên những VĐV vô địch thế giới và Olympic cho Indonesia quyết định hồi hương.

Chuyện gần như tương tự cũng từng xảy ra với bóng bàn các đây vài năm. Khi đó một nhà tài trợ đồng ý chi 5.000 USD/tháng để mời về một HLV có tiếng của Trung Quốc.

Tuy nhiên Việt Nam cuối cùng phải chịu thất bại do phía Singapore đưa ra mức lương tháng 7.000 USD. Thậm chí một thời gian sau, vị chuyên gia này tiếp tục rời Singapore để sang Anh làm việc, nơi ông được trả 17.000 USD/tháng.

 Khoảng cách một trời một vực giữa chế độ cho thầy Park và các HLV ngoại của Việt Nam - Ảnh 3.

Tay vợt Vũ Thị Trang và cũng là vợ của Tiến Minh trở thành phụ tá bất đắc dĩ cho chồng mình tại Olympic Rio 2016.

Những ví dụ kể trên cho thấy việc hiện tại các môn thể thao của Việt Nam có được HLV ngoại chất lượng phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài chứ không hề nằm ở sức hấp dẫn của chế độ đãi ngộ.

Ở môn Bắn súng, thành tích 1 HCV và 1 HCB Olympic của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh có dấu ấn đậm nét của HLV Park Chung-gun. Năm 2014, với sự giới thiệu và bảo lãnh của Liên đoàn Bắn súng nước bạn, cựu HLV trưởng đội tuyển trẻ Hàn Quốc đã nhận lời sang Việt Nam công tác với một mức lương hết sức hữu nghị.

Từ một môi trường tập luyện đầy đủ điều kiện ở Hàn Quốc, HLV Park Chung-gun đương đầu với nhiều thiếu thốn khi sang Việt Nam và phải tự tìm cách khắc phục. Bởi trên thực tế, chuyện VĐV bắn súng chỉ được tập chay, súng không có đạn để bắn mà chỉ nâng lên ngắm rồi lại hạ xuống là chuyện không có gì lạ ở Việt Nam.

 Khoảng cách một trời một vực giữa chế độ cho thầy Park và các HLV ngoại của Việt Nam - Ảnh 4.

HLV Park Sung-gun và xạ thủ Hoàng Xuân Vinh.

Hay như chuyện chuyên gia môn Rowing, Joseph Donnelly lặn lội từ Australia sang Việt Nam để hỗ trợ miễn phí cho đội tuyển cũng đều bắt nguồn từ tâm huyết của riêng bản thân ông.

Trong một lần tới Hà Nội du lịch và chứng kiến các VĐV đang tập luyện tại Hồ Tây cách đây 9 năm, ông Joseph đã chủ động tìm đến và đề nghị được hỗ trợ cho ĐTQG với lý do đồng cảm với điều kiện khó khăn và khâm phục nỗ lực của các tay chèo Việt Nam.

Kể từ đó, vị chuyên gia hàng đầu thế giới này mỗi năm lại tự túc kinh phí sang Việt Nam vài tháng để huấn luyện cho các CĐV.

Ông cũng dựa vào các mối quan hệ của mình để giúp đội tuyển có được những chuyến tập huấn tại Australia với mức chi phí tượng trưng; hay mua tặng tuyển Rowing một chiến thuyền bốn trị giá 20.000 USD, nội dung sau này trở thành thế mạnh của đội, mang về tấm HCV quý giá tại ASIAD 18.

Đặc biệt, dù ngành thể thao đã nhiều lần đề nghị tuy nhiên HLV Joseph Donnelly vẫn từ chối nhận lương, thưởng và tiếp tục cống hiến một cách vô tư, miễn phí cho Rowing Việt Nam.

 Khoảng cách một trời một vực giữa chế độ cho thầy Park và các HLV ngoại của Việt Nam - Ảnh 5.

Chuyên gia Joseph Donnelly (giữa) góp công lớn trong sự phát triển của Rowing Việt Nam.

Ngoài tiền lương, một yếu tố quan trọng khác là chế độ sinh hoạt của các chuyên gia nước ngoài trong ngành thể thao cũng còn nhiều thiếu thốn. Không giống trường hợp của bóng đá, khi HLV được cấp nhà riêng và có thể mang theo cả vợ con, hạn chế về kinh tế ở các môn thể thao khác khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn.

HLV Donnelley mỗi dịp sang Việt Nam đều di chuyển thẳng về CLB đua thuyền Song Giá ở Hải Phòng để rồi trải qua vài tháng liên tục ở nhà trọ, ăn cơm thuê người dân nấu và mỗi ngày 8 tiếng tập luyện trong cái nắng gió trên sông nước cùng các VĐV Rowing.

Chuyên gia bắn súng Park Chung-gun sống trong trong căn phòng chưa đến 10m2 cũ kỹ tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Nhổn (Hà Nội), ăn cơm tập thể. Và còn nhiều trường hợp khác tương tự.

Vĩ thanh

Tất nhiên mỗi môn có một đặc thù riêng và đem so sánh bóng đá với các môn thể thao khác sẽ tạo ra sự khập khiễng không hề nhỏ. Những hiệu ứng to lớn mà HLV Park Hang-seo mang lại cho người Việt Nam là điều dễ dàng nhận thấy được. Bởi vậy chuyện ông được hưởng một chế độ đãi ngộ tốt cũng hoàn toàn xứng đáng.

Dù vậy cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng ngành thể thao Việt Nam hiện vẫn còn đang gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề tài chính. Nguồn ngân sách hàng năm có hạn và mỗi Liên đoàn của từng bộ môn đều phải tự biết cách để "liệu cơm gắp mắm".

Bản thân VFF cũng luôn phải tích cực tìm nguồn tài trợ để có ngân sách trong việc phát triển bóng đá Việt Nam. Nếu tiếp tục gắn bó, HLV Park Hang-seo chắc chắn xứng đáng được hưởng một mức lương tốt hơn con số 22.000 USD mỗi tháng như hiện tại.

Tuy nhiên ở chiều ngược lại, VFF cũng cần thời gian để cân đối mọi thứ ở mức phù hợp nhất trong khả năng của mình. Bởi vậy, gia hạn hợp đồng với thầy Park là cần thiết, tuy nhiên dư luận cũng không nên quá nóng vội và tạo sức ép lên phía Liên đoàn vào lúc này.

Theo Linh Đan

Trí thức trẻ

Trở lên trên