Khối ngoại bán ròng kỷ lục gần 60.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán sau 11 tháng, điều gì đang diễn ra?
Lượng bán ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 11 tháng qua còn được ghi nhận là lớn nhất Đông Nam Á, bằng tổng lượng vốn rút ròng trên 2 thị trường Thái Lan và Malaysia cộng lại, dù quy mô thị trường Việt Nam vẫn còn khiêm tốn.
Năm 2021 chứng kiến sự thăng hoa của thị trường chứng khoán Việt Nam và chỉ số VN-Index hiện đã tiệm cận mốc 1.500 điểm, mốc cao nhất trong lịch sử 21 năm thành lập thị trường. So với thời điểm đầu năm, chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng trưởng 34% và nằm trong số các chỉ số chứng khoán tích cực nhất Thế giới.
Bất chấp những diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra không mấy mặn mà khi liên tiếp bán ròng. Thống kê trong 11 tháng đầu năm, khối ngoại đã bán ròng kỷ lục gần 58.000 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực bán của khối ngoại diễn ra xuyên suốt trong phần lớn thời gian năm 2021, ngoại trừ hai tháng 7 và tháng 4 mua ròng nhẹ với sự xuất hiện của quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF.
Trước đó trong năm 2020, khối ngoại cũng bán ròng khoảng 16.000 tỷ đồng và nhiều kỳ vọng đà bán ròng sẽ sớm chấm dứt, thậm chí trở lại trong năm 2021 với sự xuất hiện của Vaccine Covid-19 cũng như kỳ vọng câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên trên thực tế, áp lực bán của khối ngoại diễn ra ngày càng mạnh, thậm chí lượng bán ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 11 tháng qua còn được ghi nhận là lớn nhất Đông Nam Á, bằng tổng lượng vốn rút ròng trên 2 thị trường Thái Lan và Malaysia cộng lại, dù quy mô thị trường Việt Nam vẫn còn khiêm tốn.
Giá trị rút vốn của khối ngoại tại các thị trường
Có nhiều nguyên nhân khiến khối ngoại bán ròng mạnh trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua.
Đầu tiên là câu chuyện dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp, dù vaccine đã xuất hiện. Việc gián đoạn chuỗi cung ứng cũng như khó khăn đi lại giữa các quốc gia ít nhiều ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Do đó, nhà đầu tư nước ngoài đã có những động thái thận trọng hơn, rút vốn đầu tư trên thị trường chứng khoán Thế giới và thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Yếu tố thứ 2 là định giá thị trường Việt Nam hiện không còn quá rẻ. Tại mức điểm gần 1.500 hiện nay, định giá P/E (chỉ số số đông nhà đầu tư quan tâm) hiện vào khoảng 17,5, không quá đắt nhưng cũng không còn rẻ.
Một điểm cần chú ý, dù so với mức đỉnh năm 2018 với P/E vào khoảng 22 thì P/E VN-Index hiện vẫn thấp hơn tương đối. Tuy vậy, trong hơn 1 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đón nhận sự "đổ bộ" của hàng loạt ngân hàng niêm yết, qua đó đưa định giá P/E chung của thị trường trở nên thấp hơn. Nếu loại trừ tác động của nhóm ngân hàng mới niêm yết thì mức định giá hiện nay cũng không phải quá hấp dẫn so với năm 2018. Yếu tố định giá thị trường đã không còn quá rẻ là một trong những nguyên nhân khiến khối ngoại đẩy mạnh chốt lời trong thời gian qua, bất chấp VN-Index liên tiếp lập đỉnh.
Yếu tố thứ 3 là việc trong hơn 1 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam không xuất hiện những thương vụ lên sàn rầm rộ hay thoái vốn lớn như giai đoạn 2017 – 2018, điều này cũng ít nhiều khiến khối ngoại trở nên khó giải ngân hơn.
Yếu tố thứ 4 có thể đến từ khẩu vị đầu tư của khối ngoại. Những năm gần đây, lĩnh vực Công nghệ, Giáo dục, Y tế, Bán lẻ là những ngành thu hút dòng tiền đầu tư mạnh nhất trên toàn cầu. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam, những doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực kể trên chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay.
Thậm chí, trường hợp của FPT (công nghệ), MWG (bán lẻ) luôn trong tình trạng kín room và khối ngoại không thể mua thêm. Nếu muốn sở hữu, nhà đầu tư ngoại thường phải chi ra số tiền chênh lệch lên tới 40% so với giá thị trường để mua lại từ nhà đầu tư ngoại khác.
Cơ cấu thị trường chứng khoán Việt Nam hiện khá chênh lệch về nhóm tài chính, bất động sản, trong khi những doanh nghiệp trong những lĩnh vực "hot", thu hút vốn toàn cầu như Công nghệ, Y tế, Giáo dục, Bán lẻ lại quá ít và điều này là rào cản lớn cho sự gia nhập của nhà đầu tư nước ngoài.
Đối lập với Việt Nam, các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Hàn, Đài Loan…có tỷ trọng cổ phiếu trong lĩnh vực công nghệ/chăm sóc sức khỏe (Health care) lớn hơn nhiều, đây là một yếu tố quan trọng để thu hút dòng vốn đầu tư.
Nổi bật như thị trường Mỹ, trong bộ chỉ số Dow Jones, tỷ trọng cổ phiếu công nghệ lên tới hơn 18%, trong khi tỷ trọng lĩnh vực Healthcare cũng chiếm gần 18%; Công nghiệp chiếm 16%, trong khi lĩnh vực tài chính không quá vượt trội với 21%. Với cơ cấu phân bổ không quá chênh lệch về tài chính, lại có nhiều lĩnh vực "hot trend" trên thế giới như công nghệ, healthcare, dòng tiền đã liên tục đổ về thị trường chứng khoán Mỹ giúp chỉ số Dow Jones không ngừng lập đỉnh mới.
Cổ phiếu công nghệ, chăm sóc sức khỏe chiếm tỷ trọng lớn trong rổ Dow Jones
Trong khi bán ròng trên sàn chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài vẫn liên tục đổ hàng trăm triệu USD vào các đợt huy động vốn của những "kỳ lân" công nghệ Việt Nam như Tiki, Momo, VNPay…, bất chấp hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này chưa thực sự khả quan. Trong lĩnh vực y tế, bệnh viện Thu Cúc cũng thu hút hàng chục triệu USD đầu tư từ VinaCapital. Điều này một lần nữa cho thấy việc thiếu vắng các doanh nghiệp trong những lĩnh vực "thời thượng" như healthcare, công nghệ là yếu tố không nhỏ khiến dòng vốn ngoại chưa đổ vào sàn chứng khoán.
Tuy vậy, việc rút lui của khối ngoại không ảnh hưởng quá lớn tới diễn biến thị trường nhờ sự nhập cuộc mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trong nước. Số liệu từ VSD cho biết trong 10 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1 triệu tài khoản chứng khoán, bằng tổng lượng tài khoản mở mới trong 4 năm trước đó cộng lại.
Tỷ trọng giao dịch của khối ngoại trên quy mô thị trường ngày càng thấp (nguồn: SSI)
Với sự nhập cuộc mạnh từ nhà đầu tư nội, chỉ số VN-Index liên tiếp lập đỉnh mới, thanh khoản thị trường cũng tăng vọt lên hàng tỷ USD mỗi phiên, bất chấp áp lực bán ròng của khối ngoại. Hiện nay, sức ảnh hưởng của nhà đầu tư ngoại lên thị trường không còn quá lớn như trước. Hiện nay, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư ngoại chỉ còn chiếm khoảng 7% thanh khoản thị trường, trong khi vào thời điểm đầu năm nay, giao dịch của nhà đầu tư ngoại vẫn còn chiếm trên 10% thanh khoản mỗi phiên.
Sang năm 2022, Nhà nước sẽ đẩy mạnh thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp, cùng với kỳ vọng nâng hạng thị trường mới nổi diễn ra vào năm 2023 – 2024, hay việc bao phủ tiêm chủng vaccine, chúng ta có thể chờ đợi sự trở lại của nhà đầu tư ngoại sau khi đã bán ròng mạnh trong giai đoạn 2020 – 2021.