Khởi tố hơn 1.000 vụ và 2.000 đối tượng phạm tội về tiền giả tại Việt Nam
Sau 15 năm ban hành quy định về việc bảo vệ tiền Việt Nam, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng khởi tố hơn 1.000 vụ, bắt giữ khoảng 2.000 đối tượng phạm tội về tiền giả.
- 13-11-2018Phá đường dây sản xuất, mua bán tiền giả
- 14-04-2018Mật phục bắt kẻ vận chuyển tiền giả ‘khủng' từ TQ vào VN
- 21-02-2018Một "quý bà" mất trắng hơn 4,2 tỷ đồng để mua 18 tỷ đồng tiền giả qua mạng
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết: “Cùng với sự phát triển của công nghệ sao chụp và xử lý hình ảnh, kỹ thuật làm tiền giả của tội phạm ngày càng tinh vi và giống tiền thật về hình thức. Tiền Việt Nam bị làm giả không những làm giảm giá trị của đồng tiền do NHNN Việt Nam phát hành mà còn tác động không nhỏ đến an ninh tiền tệ quốc gia, giảm lòng tin của người dân vào chính sách, công tác quản lý, điều hành tiền tệ của nhà nước”.
Không chỉ có tiền nội tệ giả, thực tế, trong thời gian qua lực lượng công an, bộ đội biên phòng đã phát hiện nhiều trường hợp vận chuyển, lưu hành các loại ngoại tệ giả (Đô la Mỹ, Đồng tiền chung Châu Âu, Nhân dân tệ...).
Trong khi đó, pháp luật hiện nay không quy định về xử lý tiền ngoại tệ giả và nghi giả ra sao. Như vậy, về mặt pháp lý, các cơ quan chức năng, hệ thống ngân hàng không thể thực hiện thu giữ do chưa có văn bản pháp lý giao trách nhiệm cho các tổ chức này được phép thu giữ ngoại tệ giả.
Trao đổi với PV báo Lao Động, một cán bộ ngân hàng cho biết: “Tình hình tiền giả và tiền nghi giả cả nội tệ và ngoại tệ ngày càng diễn biến rất phức tạp. Vì thiếu quy định pháp luật nên NHNN cũng rất lúng túng trong việc giám định và xử lý tiền ngoại tệ giả và nghi giả. Vì vậy, Nghị định này nếu được ban hành sẽ đáp ứng được nhu cầu cấp bách và thực tiễn”.
Các dấu hiệu phân biệt tiền thật và tiền giả.
NHNN đang đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về đấu tranh phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam. Dự thảo Nghị định đề xuất bổ sung quy định việc xử lý ngoại tệ giả, ngoại tệ nghi giả.
Đại diện của NHNN cho biết, sau 15 năm thi hành, Quyết định 130 đã bộc lộ một số hạn chế về cơ sở pháp lý và thực tiễn thi hành chưa phù hợp với thực tế hiện nay. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về đấu tranh phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam. Dự thảo đề xuất bổ sung quy định việc xử lý ngoại tệ giả, ngoại tệ nghi giả bao gồm việc thu giữ ngoại tệ giả, tạm thu giữ ngoại tệ nghi giả; giám định ngoại tệ; đóng gói, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển ngoại tệ giả; giao nộp, thu nhận, tiêu hủy ngoại tệ giả; thông tin về ngoại tệ giả.
Đại diện của Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người tiêu dùng cần nắm rõ các đặc điểm bảo an của tiền thật và có thói quen kiểm tra đồng tiền mỗi khi giao dịch tiền mặt để tránh rủi ro nhận phải tiền giả. Người tiêu dùng có thể tự mình kiểm tra một tờ bạc là tiền thật hay tiền giả bằng cách sau:
(1) Soi tờ bạc trước nguồn sáng (kiểm tra hình bóng chìm, dây bảo hiểm, hình định vị);
(2) Vuốt nhẹ tờ bạc (kiểm tra các yếu tố in lõm);
(3) Chao nghiêng tờ bạc (kiểm tra mực đổi màu, hình ẩn nổi…);
(4) Kiểm tra các cửa sổ trong suốt (số mệnh giá dập nổi và yếu tố hình ẩn);
(5) Dùng kính lúp, đèn cực tím (kiểm tra chữ in siêu nhỏ, các yếu tố phát quang).
Tuy nhiên, NHNN khuyến cáo sau khi kiểm tra các yếu tố bảo an, cần có tối thiểu 3 đến 4 yếu tố thì mới có thể khẳng định tờ bạc là tiền thật hay tiền giả.
Lao động