MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không ai sống sót trong vụ rơi máy bay ở Iran, cuộc điều tra sẽ rất phức tạp vì căng thẳng với Mỹ

08-01-2020 - 12:59 PM | Tài chính quốc tế

Theo trang web planefinder.net, chiếc máy bay 2 động cơ có tuổi đời 3 năm, được giao vào tháng 7/2016.

Một chiếc máy bay Boeing 737 vừa rơi ở Iran ngay sau khi cất cánh, khiến tất cả hành khách và phi hành đoàn đều thiệt mạng, theo thông báo được Cơ quan cứu hộ cứu nạn Iran đưa ra trên kênh truyền hình quốc gia.

Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu người trên máy bay nhưng các trang tin tức địa phương đưa ra con số từ 167 đến 180 người. Họ cũng cho biết chiếc máy bay bị rơi lúc 6h22 sáng nay (8/1) theo giờ địa phương.

Chiếc máy bay này đang trên đường đi tới Ukraine. Dữ liệu trên trang web flightradar24 cho thấy máy bay mang số hiệu 752 của hãng hàng không quốc gia Ukraine rời sân bay quốc tế Imam Khomeini ở thủ đô Tehran để tới sân bay quốc tế Borysopil ở Kyiv vào lúc đầu giờ sáng. Dữ liệu theo dõi kết thúc chỉ 6 phút sau khi cất cánh, thể hiện máy bay đang ở độ cao khoảng 8.000 foot và tốc độ 316 dặm/giờ.

Người phát ngôn Gordon Johndroe của Boeing cho biết đang thu thập thêm thông tin về vụ tai nạn.

Theo trang web planefinder.net, chiếc máy bay 2 động cơ có tuổi đời 3 năm, được giao vào tháng 7/2016.

Boeing hiện vẫn đang chìm trong cuộc khủng hoảng sau những vụ tai nạn liên tiếp xảy ra vào tháng 10/2018 và tháng 3 năm ngoái. Những thảm họa này – mà trong đó tổng cộng 350 người đã thiệt hạng – đều liên quan đến chiếc máy bay 737 Max vốn mới chỉ được đưa vào khai thác trên toàn cầu 10 tháng trước khi bị cấm bay. 2 mẫu 737-800 và 737 Max đều là biến thể của mẫu máy bay thân hẹp Boeing 737, nhưng 737-800 không bị cấm bay như 737 Max.

Boeing vẫn đang sửa các lỗi được phát hiện trong hệ thống kiểm soát chuyến bay của mẫu 737 Max. Chiếc máy bay 737-800 vừa rơi ở gần Tehran không sử dụng hệ thống này.

Theo luật quốc tế, Iran sẽ điều hành cuộc điều tra vụ tai nạn này vì xảy ra trên lãnh thổ Iran. Tuy nhiên, thường thì một số quốc gia có kinh nghiệm và kỹ thuật tiên tiến như Mỹ và Pháp sẽ hỗ trợ. Ví dụ, các dữ liệu về va chạm của máy bay chỉ có thể được tải về trong các phòng nghiên cứu đặc biệt mà trên toàn thế giới chỉ có một vài phòng nghiên cứu như vậy.

Luật quốc tế về điều tra cũng cho phép quốc gia sản xuất ra chiếc máy bay gặp nạn được tham gia vào quá trình điều tra. Tuy nhiên, căng thẳng chính trị hiện nay giữa Iran và Mỹ chắc chắn sẽ làm tình hình trở nên rất phức tạp.

Tham khảo Bloomberg


Tú Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên