MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không bán được đậu tương cho Trung Quốc, Mỹ xuất khẩu sang châu Âu

20-09-2018 - 19:35 PM | Thị trường

Sau khi bị Trung Quốc áp thuế đậu tương 25%, Mỹ đã trở thành nhà cung cấp đậu tương lớn nhất cho châu Âu...

Mỹ đã vượt qua Brazil để trở thành nhà cung cấp đậu tương lớn nhất cho thị trường châu Âu. Đây được xem là một kết quả của thỏa thuận hồi tháng 7 giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương - hãng tin Reuters cho hay.

Theo dữ liệu do Reuters thu thập được ngày 20/9, trong vòng 12 tuần tính đến trung tuần tháng 9, đậu tương Mỹ chiếm khoảng 52% nhập khẩu đậu tương của EU, tăng 133% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 1,47 triệu tấn.

Cùng kỳ năm 2017, Mỹ chỉ chiếm 25% nhập khẩu đậu tương của EU.

Cũng trong 12 tuần nói trên, Brazil chỉ còn chiếm 40% thị trường nhập khẩu đậu tương có quy mô 35 triệu tấn mỗi năm của châu Âu.

Trong chuyến thăm Washington hồi tháng 7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EU) Jean-Claude Juncker hứa với Tổng thống Donald Trump rằng châu Âu sẽ tăng nhập khẩu đậu tương Mỹ, đổi lại Mỹ sẽ không tăng thuế nhập khẩu đối với xe hơi từ châu Âu. Thỏa thuận này đã giúp ngăn nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-châu Âu.

Các số liệu về nhập khẩu đậu tương của EU cho thấy khối này có vẻ đang thực thi đúng thỏa thuận với Mỹ. Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng việc châu Âu tăng mua đậu tương Mỹ chủ yếu là kết quả của diễn biến giá cả trên thị trường toàn cầu.

Do Trung Quốc đã áp thuế 25% lên đậu tương Mỹ, các nhà nhập khẩu đậu tương Trung Quốc chuyển sang mua đậu tương Brazil. Từ tháng 6, Trung Quốc đã gần như dừng mua đậu tương Mỹ.

Điều này khiến giá đậu Mỹ giảm xuống mà giá đậu Brazil lại tăng. Vì vậy, các nhà nhập khẩu đậu tương châu Âu tất yếu sẽ tăng mua đậu Mỹ. Hiện tại, châu Âu không có hàng rào thương mại nào đặt ra đối với đậu tương Mỹ.

Ngoài thỏa thuận tăng mua đậu tương Mỹ và không áp thuế lên xe hơi châu Âu, hai bên còn đang thảo luận nhằm đi đến một thỏa thuận lớn hơn để cắt giảm thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với châu Âu. Tuy nhiên, cuộc đàm phán này được dự báo sẽ không dễ dàng và sẽ mất nhiều thời gian.

Theo Diệp Vũ

Vneconomy

Trở lên trên