Không cần tăng giá vé, CGV vẫn có thể thu lãi đột biến từ thị phần thống trị trên thị trường chiếu phim
Khoảng trống để lại sau khi Platinum rút lui giúp CJ CGV gia tăng mức độ ảnh hưởng lên thị trường chiếu phim Việt Nam.
CJ CGV - Tập đoàn Hàn Quốc sở hữu hàng loạt chuỗi rạp chiếu phim tại nhiều quốc gia vừa công bố báo cáo thường niên năm 2017, với những con số giật mình về tầm ảnh hưởng của chuỗi rạp chiếu phim này tới thị trường Việt Nam.
Con số thị phần theo báo cáo mới công bố của CJ CGV tại Việt Nam đã đạt 47%, với quy mô 53 rạp chiếu phim và 324 màn chiếu. Con số này cao hơn 7% so với số liệu từ chính CGV công bố cách đây 1 năm và cao hơn 5% so với ước tính của Galaxy Media, theo một báo cáo công bố năm 2016.
Cũng theo báo cáo thường niên, cả doanh thu và lợi nhuận của CGV Việt Nam đều duy trì mức độ tăng trưởng 2 con số trong năm vừa qua. Doanh thu của chuỗi rạp chiếu phim này đạt 130,6 tỷ won, tương đương khoảng 2.600 tỷ đồng với lợi nhuận 6,5 tỷ won, xấp xỉ 130 tỷ đồng. Hai chỉ tiêu này tăng trưởng lần lượt 42,6% và 40% so với kết quả năm 2016.
Đầu tư vào Việt Nam năm 2011 sau khi bỏ ra gần 74 triệu USD mua 80% cổ phần của Megastar – chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất khi đó với 60% thị phần, CGV đã có một giai đoạn chững lại với lợi nhuận liên tục giảm mạnh.
Đà giảm kéo dài từ ngay sau khi thương hiệu CGV xuất hiện trên thị trường, từ 2012 đến 2015 khi lợi nhuận của hệ thống này giảm từ 137 tỷ còn 32 tỷ đồng. Tuy nhiên câu chuyện đánh đổi lợi nhuận lấy tăng trưởng không phải điều hiếm trên thương trường, đặc biệt ở một lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao như chiếu phim.
Dù liên tục suy giảm về kết quả kinh doanh do đầu tư mở rộng, nhưng đổi lại, CGV đã đánh bật các đối thủ để trở thành chuỗi rạp có quy mô và thị phần lớn nhất. Theo một báo cáo của KDB Daewoo (Hàn Quốc) cách đây 1 năm, CJ CGV đạt thị phần khi đó là 43%, trong khi đối thủ thứ hai là Lotte chỉ chiếm gần 30%. Hai chuỗi rạp của nhà đầu tư trong nước là Galaxy và BHD bị đánh bật hoàn toàn khi chiếm chưa tới 10% thị phần.
Sau sự rút lui của Platinum – chuỗi rạp chiếm khoảng 10% thị phần, vào đầu năm 2017 do mâu thuẫn với đơn vị cung cấp mặt bằng, CGV cũng là cái tên đã vươn lên để chiếm lấy khoảng trống bỏ lại tại nhiều khu đô thị lớn. Một phần nguyên nhân khiến thị phần của chuỗi này tăng mạnh năm 2017.
Thống kê của CJ CGV và Lotte Cinema cho biết, số tiền trung bình một khách hàng Việt Nam bỏ ra cho mỗi lần đến rạp chỉ khoảng 4.500 won (tương đương 4,04 USD), mặc dù vẫn thấp hơn so với Hàn Quốc (6,29 USD) nhưng tốc độ tăng trưởng đã vượt xa thị trường này.
Nhưng không chỉ ở mảng kinh doanh phòng chiếu, mức độ ảnh hưởng của CGV còn thể hiện ở mảng phân phối phim. Thực tế, sự vươn lên của những doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường Việt Nam cũng liên quan đến thị hiếu của người tiêu dùng, khi những phim "bom tấn" nước ngoài có sức hút đặc biệt lớn với bộ phận giới trẻ, những người mang lại doanh thu lớn nhất cho các rạp chiếu phim. Những bộ phim này cũng mang lại khoản lợi nhuận kếch xù vượt xa dòng phim nội.
Nhờ sự hậu thuẫn từ công ty mẹ, CJ CGV Việt Nam cũng là đơn vị đứng đầu về đại lý phát hành cho các studio tại Mỹ như UPI, Pixar, Disney hay Warner Bros, ngoài ra cũng được hai hãng phát hành phim lớn nhất Hollywood là United International Pictures và Buena Vista International ủy thác phát hành độc quyền tại Việt Nam.
Giữa năm 2016, cũng chính bởi việc chi phối và độc quyền nhiều phim "bom tấn", 8 nhà sản xuất và phát hành phim trong nước đã cùng gửi đơn khiếu nại đến Hội điện ảnh, khẳng định đang bị hệ thống rạp CGV chèn ép thông qua tỷ lệ ăn chia doanh thu phòng vé và hình thức chiếu phim ở rạp.
Phản hồi lại cáo buộc này, CGV cho rằng tỷ lệ này phụ thuộc vào chất lượng phim, số lượng rạp và số lượng phòng chiếu của đơn vị phát hành mà CGV và bên liên quan cùng nhau xây dựng và thống nhất áp dụng với từng đơn vị phát hành.