Khống chế cho vay nặng lãi: Nên minh bạch thông tin thay vì áp trần lãi suất
“Áp trần là phi thị trường, phi thực tế và nhiều khiến người tiêu dùng khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng hơn” nhấn mạnh điều này TS. Cấn Văn lực cho rằng: Muốn lãi suất giảm, thay vì áp trần, hệ thống Ngân hàng cần minh bạch hoá thông tin, đặc biệt là thông tin về lãi suất cho vay, phí, việc trả nợ.
Bộ luật Dân sự 2015 sẽ chính thức có hiệu lực kể từ đầu năm 2017 với một số thay đổi đáng kể về quy định lãi suất. Điển hình như khoản 1, Điều 468 của Bộ luật quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Với quy định như trên, nhiều người hiểu rằng, tất cả người dân, tổ chức tín dụng (TCTD), trong đó bao gồm cả khối Ngân hàng và công ty tài chính (CTTC) chỉ được cho vay với mức lãi suất tối đa 20%/năm.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí về vấn đề này,TS.Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định: Quy định trần lãi suất cho vay 20%/năm chỉ hướng tới điều chỉnh hoạt động tín dụng phi chính thức, khống chế nạn cho vay nặng lãi. Còn khái niệm “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác” hàm ý rằng, các TCTD sẽ được điều chỉnh và thực hiện cho vay theo lãi suất thỏa thuận như Luật Các tổ chức tín dụng quy định.
Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cho rằng: Vấn đề còn nằm ở điều khoản “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Muốn làm rõ nghĩa mệnh đề này, theo tôi, cơ quan chuyên ngành, cơ quan quản lý mà cụ thể là Ngân hàng Nhà nước cần phải sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung luật chuyên ngành sao cho phù hợp và không trái với Bộ Luật Dân sự.
Trao đổi về mức trần 20%, ông Lực khẳng định: "Áp trần là phi thị trường, phi thực tế và nhiều khi khiến người tiêu dùng khó tiếp cận được tới nguồn vốn tín dụng hơn. Ví dụ, khi mức trần không hấp dẫn, các CTTC và ngân hàng hạn chế cho vay, siết chặt khâu xét duyệt thủ tục hồ sơ, điều này sẽ khiến khả năng tiếp cận với vốn tín dụng của người tiêu dùng bị thu hẹp”.
"Muốn lãi suất giảm, thay vì áp trần, hệ thống ngân hàng cần minh bạch hoá thông tin, đặc biệt là thông tin về lãi suất cho vay, phí, việc trả nợ. Về phía khách hàng, phải đọc thật kỹ hợp đồng vay, nhất là đối với điều khoản về thanh toán để tránh trường hợp không trả được nợ, bị phạt lãi suất cao thì lại đi kiện. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng phải sớm ban hành quy định về cho vay tiêu dùng”, ông Lực nhấn mạnh.
Thống kê cho thấy, tín dụng chính thức ở Việt Nam hiện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tín dụng của người dân và doanh nghiệp. Do đó, rất cần có chính sách khuyến khích các TCTD phi ngân hàng phát triển (đặc biệt là các CTTC), để thu hẹp thị trường tín dụng phi chính thức mà cụ thể là tín dụng đen, cầm đồ lãi suất cao.
“Nếu quy định không khéo, trần lãi suất sẽ khiến lĩnh vực cho vay tiêu dùng bị co hẹp. TCTD sẽ hạn chế cho vay tiêu dùng và chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực khác; thậm chí là bị phá sản vì lãi suất thấp, thu không đủ bù chi. Trong khi, nhu cầu về vốn tiêu dùng trong dân lại lớn”, một vị chuyên gia nhìn nhận.
Trên thực tế, nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của dân cư, tín dụng tiêu dùng đã ra đời và phát triển hàng trăm năm ở nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả những nước phát triển. Loại hình tín dụng này giúp ổn định và nâng cao đời sống vật chất của người dân, khi thu nhập của họ ở mức thấp lại không ổn định.
Còn với Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, tín dụng tiêu dùng đã có sự tăng trưởng khả quan (trên dưới 20%/năm). Với dân số trên 90 triệu người, nhu cầu tiêu dùng lớn, trong khi thu nhập của người dân còn hạn chế, chắc chắn, tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa trong những năm tới.
TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội so sánh: “Trên thế giới, tín dụng tiêu dùng hiện đã rất phát triển và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng. Trong khi đó, ở Việt Nam, tín dụng tiêu dùng lại chiếm một tỷ trọng rất nhỏ so với tín dụng đầu tư. Tín dụng tiêu dùng được đánh giá là thị trường rất tiềm năng, mở ra một hướng đi mới cho các TCTD Việt Nam phát triển. Vấn đề là chúng ta phải rà soát lại các văn bản pháp quy và các quy trình vay tín dụng tiêu dùng, để làm sao tạo thuận lợi nhất cho người tiêu dùng tiếp cận được tới nguồn vốn này”.
Trước ý kiến cho rằng, lãi suất cho vay tiêu dùng đang khá cao và đây là một trong những nguyên nhân chính kìm hãm sự phát triển của thị trường này, ông Kiên cho rằng: Lãi suất cao là do rủi ro cho vay tiêu dùng lớn, các TCTD buộc phải đẩy lãi suất lên cao để bù đắp rủi ro. Tuy nhiên, trong tương lai, vay tiêu dùng sẽ là một lĩnh vực tiềm năng và có thể phát triển mạnh. Do đó, các TCTD cần phải có sự thay đổi tư duy về cách tiếp cận, nếu không, bản thân các TCTD sẽ gặp khó khăn, đồng nghĩa với việc thị trường khó có thể phát triển mạnh mẽ.