MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không chỉ có chiến tranh thương mại, kinh tế Trung Quốc đang đối đầu với rất nhiều áp lực

15-07-2019 - 19:29 PM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng kinh tế giảm tốc, với tăng trưởng GDP năm 2019 được dự báo sẽ rơi xuống mức thấp nhất trong 3 thập kỷ trở lại đây. Không chỉ có cuộc chiến thương mại, hàng loạt yếu tố đang đè nặng lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Sáng nay (15/7), Trung Quốc vừa công bố GDP quý II tăng trưởng ở mức 6,2%, thấp nhất kể từ ít nhất là năm 1992. Trong tháng 6, sản lượng công nghiệp tăng 6,3%, doanh số bán lẻ tăng 9,8% trong khi đầu tư tăng 5,8% trong 6 tháng đầu năm. Cả 3 chỉ số này đều vượt dự báo. Tuy nhiên số liệu cuối tuần trước cho thấy xuất khẩu tăng trưởng chậm lại trong khi nhập khẩu sụt giảm, đồng thời tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải.

Như vậy mặc dù 3 số liệu đầu tư tài sản cố định, doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp khá khả quan, có vẻ những yếu tố này không đủ để bù đắp sự sụt giảm trong lực cầu từ thị trường bên ngoài, hoạt động sản xuất và tình trạng giảm phát trong chỉ số giá sản xuất.

Theo giới phân tích, liệu kinh tế Trung Quốc có thể ổn định trở lại và hồi phục trong nửa cuối năm nay hay không sẽ phụ thuộc phần nhiều vào việc liệu các chính sách kích thích mà Chính phủ nước này tung ra có thể vực dậy hoạt động sản xuất và làm giảm bớt những tác động từ chiến tranh thương mại hay không. May mắn là Cục dự trữ liên bang Mỹ lại bước vào con đường cắt giảm lãi suất rất đúng lúc, đem đến cho Trung Quốc dư địa cần thiết để nới lỏng chính sách tiền tệ.

"Kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm tốc trong 6 tháng cuối năm, với lực cầu từ thị trường bên ngoài là rào cản lớn nhất, nhưng sau đó sẽ ổn định trở lại nhờ các chính sách hỗ trợ", Wang Tao, chuyên gia kinh tế của ngân hàng UBS nhận định. Theo ông, tỷ lệ tăng trưởng năm nay vẫn sẽ ở mức trên 6%.

Trung Quốc đang gặp nhiều bất lợi: ngoài chiến tranh thương mại với Mỹ thì dân số đang già hóa nhanh chóng và nền kinh tế cũng đang trong quá trình chuyển đổi từ giai đoạn tăng trưởng ở tốc độ 2 con số của những năm 2000 sang giai đoạn chậm chạp hơn. Các nhà hoạch định chính sách nước này vừa phải đảm bảo nền kinh tế không xuống dốc quá nhanh, giảm nợ để bảo vệ hệ thống tài chính lại vừa phải bảo vệ việc làm.

Có thể nhìn thấy nỗ lực này ở 3 lĩnh vực chính:

Cơ sở hạ tầng

Tăng trưởng đầu tư tài sản cố định là chỉ số then chốt. Đặc biệt, nếu như kinh tế Trung Quốc khởi sắc, đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ là đòn bẩy lớn kéo nền kinh tế đi lên khi mà các nhà sản xuất rất do dự không muốn đầu tư vì phải chịu áp lực lớn từ cuộc chiến thuế quan và 1 nền kinh tế thế giới mong manh.

Các chuyên gia kinh tế của UBS, ANZ và Morgan Stanley dự báo năm 2019 đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc sẽ chỉ tăng một cách chậm chạp.

Không chỉ có chiến tranh thương mại, kinh tế Trung Quốc đang đối đầu với rất nhiều áp lực - Ảnh 1.

Hoạt động đầu tư sản xuất tăng trưởng chậm lại và chi cho cơ sở hạ tầng đi ngang. Nguồn: Bloomberg.

Kế hoạch kích thích tài khóa trong đó có giảm thuế 2.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 291 tỷ USD) đang dần dần bơm tiền vào nền kinh tế. Gần đây Chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng quy định sử dụng nợ chính phủ trong một số dự án cơ sở hạ tầng và cam kết sẽ cải tạo hàng trăm nghìn tòa nhà cũ. Theo UBS, việc nới lỏng chính sách có thể giúp tăng đầu tư thêm 800 tỷ đến 1.000 tỷ nhân dân tệ.

Lượng máy xúc bán ra - một chỉ số thường được dùng để theo dõi sức khỏe hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng – gần như đi ngang trong tháng 6 sau khi sụt giảm trong tháng 5.

Doanh số bán lẻ

Trung Quốc cần nhóm đông đảo người tiêu dùng trung lưu giúp sức để có thể thoát khỏi những tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, kể từ đầu năm đến nay số lượng ô tô hoặc những sản phẩm tiêu dùng có liên quan đến bất động sản được bán ra (ví dụ như đồ gia dụng) lại trở thành nhóm lớn nhất kéo tụt doanh số bán lẻ, và cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng nào để khẳng định các khu vực này đang dần hồi phục.

Không chỉ có chiến tranh thương mại, kinh tế Trung Quốc đang đối đầu với rất nhiều áp lực - Ảnh 2.

Ô tô và các sản phẩm tiêu dùng có liên quan đến bất động sản là 2 nhóm lớn nhất kéo tụt doanh số bán lẻ. Nguồn: Bloomberg.

Trong tháng 6, doanh thu của phân khúc xe hơi lần đầu tiên tăng trong hơn 1 năm trở lại đây nhờ các chương trình khuyến mãi sâu của đại lý. Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế vẫn thận trọng cho rằng đà hồi phục khó có thể kéo dài. Theo Iris Pang của ING Bank, ngành ô tô sẽ tiếp tục đương đầu với nhiều thử thách từ những ứng dụng đi chung xe (như Didi) cũng như yếu tố chu kỳ.

Bất động sản

Trung Quốc vẫn đang siết chặt thị trường bất động sản – loại tài sản thường bị ảnh hưởng đầu tiên nếu xuất hiện làn sóng giảm giá tài sản trên diện rộng. Đầu tư phát triển bất động sản ở trong trạng thái ổn định kể từ đầu năm đến nay, và được dự đoán sẽ không thể tăng trưởng bứt phá khi mà đang bị các cơ quan quản lý để mắt tới.

Cơ quan giám sát hệ thống ngân hàng của Trung Quốc mới đây đã yêu cầu các quỹ tín thác có mảng bất động sản tăng trưởng quá nhanh phải kiểm soát tốc độ cũng như rủi ro tốt hơn. NHTW Trung Quốc cũng yêu cầu các ngân hàng không hạ lãi suất cho vay thế chấp xuống thấp hơn nữa, bất chấp đang nới lỏng chính sách tiền tệ.

Không chỉ có chiến tranh thương mại, kinh tế Trung Quốc đang đối đầu với rất nhiều áp lực - Ảnh 3.

Hoạt động mua đất của các công ty bất động sản đã lao dốc không phanh. Nguồn: Bloomberg.

Trong kịch bản các cuộc đàm phán thương mại đổ vỡ và mọi hàng hóa mà Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đều bị đánh thuế, bất động sản và ô tô sẽ là 2 lĩnh vực mà Trung Quốc cố gắng kích thích để vực dậy nền kinh tế, theo Lu Ting, chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng Nomura.

"Bắc Kinh sẽ triển khai nhiều biện pháp kích thích hơn nữa, ví dụ như giảm thuế tiêu dùng cho xe hơi và buộc các thành phố lớn nới lỏng yêu cầu khi cấp giấy phép lái xe", ông cho biết. Nếu căng thẳng thương mại leo thang, không loại trừ khả năng những biện pháp kích thích từng được cho là bị bỏ xó sẽ lại được đem lên bàn xem xét.

Thu Hương

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên