MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không chỉ có mức tăng trưởng GDP ngoạn mục trong năm 2017, đây là một tin vui khác của kinh tế Việt Nam

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang được chuyển hướng dựa vào tăng chất lượng, thay vì tăng về số lượng như những năm trước đó. Yếu tố đầu vào là vốn và lao động đang được sử dụng hiệu quả hơn trong việc tạo ra kết quả đầu ra.

Năng suất lao động tăng trưởng nhưng vẫn thấp

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước tính đạt 92,1 triệu đồng/lao động. Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 5,9% so với năm 2016. Tốc độ tăng NSLĐ có cùng xu hướng với tốc độ tăng GDP và GDP bình quân đầu người.


Năng suất lao động và tốc độ tăng trưởng năng suất

Năng suất lao động và tốc độ tăng trưởng năng suất

Mặc dù sau 15 năm, từ năm 2000 đến 2016, NSLĐ của Việt Nam đã tăng gấp ba và khoảng cách với các nước đã được thu hẹp dần, nhưng NSLĐ của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều nước. So với nước có mức năng suất dẫn đầu châu Á là Singapore, khoảng cách về năng suất giữa Singapore và Việt Nam đã giảm rất đáng kể, từ mức cao gấp 21 lần vào năm 1990 thì khoảng cách hiện tại là 12 lần.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết trong khi tốc độ tăng năng suất lao động Việt Nam đạt trung bình 4%/năm, ở cùng giai đoạn phát triển, Trung Quốc đạt tốc độ 7%, Hàn Quốc là 5%. “Mức tăng năng suất lao động này sẽ khó giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững như những nước trong khu vực”, ông cho biết.

Tăng trưởng kinh tế dựa vào chất lượng thay vì số lượng

Bên cạnh năng suất lao động, năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) cũng cần được xem xét. Đây là chỉ tiêu đo lường năng suất của đồng thời cả “lao động” và “vốn” trong một hoạt động cụ thể hay cho cả nền kinh tế. Trong đó, các yếu tố làm gia tăng TFP là những cải tiến trong đổi mới, giáo dục, hiệu quả và cơ sở hạ tầng – các yếu tố phản ánh chất lượng của sự tăng trưởng.

Năm 2017, ước tính tốc độ tăng TFP 2,6%, đóng góp của tăng TFP vào tăng GDP khoảng 40,1%. Khoảng 15 năm trở lại đây, tốc độ tăng vốn và lao động chậm dần, năng suất các yếu tố tổng hợp có tốc độ tăng nhanh hơn, tăng trưởng kinh tế đang dựa nhiều vào tăng chất lượng, thay vì tăng về số lượng như những năm trước đó.

Yếu tố đầu vào là vốn và lao động đang được sử dụng hiệu quả hơn trong việc tạo ra kết quả đầu ra. Đây là sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế theo hướng tập trung vào chất lượng tăng trưởng như nâng cao chất lượng lao động, chất lượng về vốn, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ và tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Giai đoạn 2011 - 2016, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng GDP cao đồng thời TFP tăng nhanh. Đóng góp của tăng TFP vào tăng GDP khoảng 26% (trong tăng TFP không bao gồm tăng chất lượng lao động) của giai đoạn 2011 – 2016, con số này tương đối cao so với các nước Châu Á. Tuy nhiên, đóng góp về tăng chất lượng lao động của Việt Nam lại khá thấp so với các nước.

Việt Nam cũng như hầu hết các nước, lao động đang có xu hướng tăng chậm, thậm chí một số nước hầu như không tăng, tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào tăng vốn và tăng năng suất các yếu tố tổng hợp.

Lan Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên